Chuyện lãnh đạo Louis Capital dự báo giá cổ phiếu
Thị trường chứng khoán đang tập trung đặc biệt vào nhóm cổ phiếu nằm trong "hệ sinh thái" Louis, bao gồm BII, TGG, AGM, SMT, VKC, APG và mới đây nhất là TDH - khi các cổ phiếu tăng giá đột biến với khối lượng dư mua khủng khi có sự tham gia đầu tư của Công ty cổ phần Louis Capital (TGG).
Ban đầu, BII, TGG và AGM có mức tăng hàng chục lần so với đầu năm, cụ thể BII từ mức giá 3.600 đồng/cổ phiếu hiện đã tăng lên 28.000 đồng/cổ phiếu; TGG với mức tăng hơn 54 lần, từ 1.200 đồng/cổ phiếu lên 64.500 đồng/cổ phiếu, AGM tăng 210% từ 12.750 đồng/cổ phiếu lên 39.500 đồng/cổ phiếu.
Facebook có tên Đỗ Thành Nhân, tên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), thành viên Hội đồng quản trị TGG và từng là thành viên Hội đồng thành viên BII (hiện đã rút khỏi Hội đồng quản trị nhưng khẳng định đồng hành và tư vấn các kế hoạch phát triển của đơn vị) vào đầu tháng 9 đã đăng dự báo về triển vọng giá cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" Louis, như “Từ đây đến cuối năm, BII không được 3X, mọi người cứ chửi thoải mái”, hay “Từ đây đến cuối năm, BII không được 3X, TGG không được 4X - 5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X, mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng”.
Hiện trên facebook Đỗ Thành Nhân đã xóa các chia sẻ này, nhưng nhiều nhà đầu tư đã chụp lại và lan truyền trên các nhóm chat, diễn đàn đầu tư chứng khoán.
Trên mạng xã hội Facebook một fanpage mang tên “Louis family” được thành lập, đã thu hút khoảng 8.000 thành viên.
Nhóm này đặt ra các yêu cầu không được chụp hình bất kỳ thông tin chia sẻ nào từ Chủ tịch, nhưng thực tế, vẫn có nhiều chia sẻ ra bên ngoài nhóm.
Một số nhà đầu tư đang là thành viên của nhóm cho biết, không còn các chia sẻ về giá cổ phiếu từ ông Nhân, nhưng thay vào đó, có nhiều chia sẻ của các admin về triển vọng doanh nghiệp, về niềm tin ông Nhân sẽ đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới và nhận được sự tương tác rất sôi động.
Nhiều nhà đầu tư tham gia mua các cổ phiếu “họ Louis” từ sớm đã có được mức sinh lợi đáng mơ ước và khi các cổ phiếu tăng dựng đứng, lượng nhà đầu tư đua đặt lệnh vì sợ mất cơ hội (hội chứng Fomo) rất nhiều thì khi cổ phiếu giảm mạnh, rủi ro là người “cầm lửa sau cùng”.
Trước hiện tượng số đông nhà đầu tư bất chấp đua lệnh mua các cổ phiếu thị giá nhỏ khi có tin đồn là “nhóm Louis thâu tóm”, như SJF, GKM, TAR, KVC… thì đã có các fanpage giả mạo nhóm Louis xuất hiện.
Nở rộ group, room chat chứng khoán
Trên mạng xã hội Facebook thời gian qua đã xuất hiện nhiều group đầu tư chứng khoán như Bigboys đầu tư cổ phiếu, T+ phím hàng free, Team Cộng sự đầu tư chứng khoán hay Hội Những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân. Những group này tàng tàng cũng có vài trăm nghìn thành viên.
Còn trên mạng xã hội Zalo thì các group chat của giới đầu tư mọc ra nhan nhản như nấm sau mưa. Mỗi nhóm như vậy có từ vài trăm đến hàng nghìn người tham gia, đa phần được miễn phí.
Các nhóm này phần lớn do các môi giới lập ra để giao lưu trao đổi với khách hàng cũ và mới. Nhưng chất lượng thông tin đưa vào group là điều đáng nói.
Chị Thanh (Hà Nội), một nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ tháng 3/2021 kể, thấy bạn bè xung quanh dù chẳng hiểu biết gì về chứng khoán cũng mở tài khoản và được môi giới cho “ba chữ cái” mà trong vài tuần đã kiếm lãi ngon ơ 10 -15% nên chị không thể đứng ngoài.
Nhóm nào dẫn dắt được người mua nhiều, đương nhiên giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên.
Sau khi mở tài khoản đầu tư chứng khoán, chị được một người bạn mời vào hai room chat, một trên Zalo, một trên Facebook và cả ngày điện thoại của chị “tít tít” báo tin nhắn từ các room chat này. Được các thành viên trong các room này “phím” một số mã cổ phiếu nhưng cuối cùng chị chọn DIG, SHB. Sau gần 1 tháng, chị cũng lãi được 25%.
Trong khi đó, nhà đầu tư N.H. Nam lại ghi nhận lãi hơn 40% khi đầu tư vào cổ phiếu VOS được một room chat mà anh tham gia “hô hào”.
Công bằng mà nói, nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn từ các room chat. Vấn đề là các nhà đầu tư này đã may mắn chọn đúng thời điểm mua vào, bán ra.
Nếu may mắn được “phím” hàng khi giá còn “đỏ”, hàng T+3 về, giá cổ phiếu bắt đầu chạy thì đó là “thời điểm vàng”, nhưng nếu nhận được lời khuyên mua vào khi giá đã chạy 4,5 phiên trần trước đó thì chờ đến T+3, giá cổ phiếu có khi đã quay đầu. Tình huống này được giới đầu tư chứng khoán vẫn hay gọi là bị “úp bô”, “đổ vỏ”.
Chị Duyên, nhà đầu tư tại Hà Nội nhắc lại câu chuyện, hồi đầu năm, chị nhận được lời khuyên mua cổ phiếu TCM vì cổ phiếu sẽ lên trên 120.000 đồng/cổ phiếu.
Khi đó, dù giá cổ phiếu này đã hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nhưng kỳ vọng khoản lợi nhuận hấp dẫn, chị vẫn quyết định xuống tiền. Thế nhưng, giá cổ phiếu này chỉ chạm đỉnh 120.000 đồng/cổ phiếu rồi liên tục đi xuống, hiện chỉ còn hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là bay hơn 40% sau nửa năm.
Trong khi đó, với những nhà đầu tư tham gia “sóng” TCM từ năm ngoái, người kiếm lãi ít cũng được 20%, người kiếm nhiều có thể được 40 - 50% giá trị khoản đầu tư...
Các room chat khi lập ra cũng có nhiều mục đích, ngay trong một room chat cũng có nhiều thành phần, có những người “có tâm” thì đưa ra những thông tin có giá trị cho nhà đầu tư, nhưng cũng có thành viên tham gia với mục đích riêng.
Cẩn trọng khi lựa chọn các room
Ông Nguyễn Hữu Bình chia sẻ, tham gia thị trường nhiều năm, trải qua nhiều sóng gió cùng thị trường mới thấy, thị trường chứng khoán chưa bao giờ là nơi dễ dàng kiếm tiền. Có thể giai đoạn hiện tại, cơ hội vẫn đang mở ra với nhà đầu tư, nhưng sẽ thật khó để duy trì lợi nhuận trong thời gian dài, chưa nói đến kỳ vọng sinh lời theo tỷ lệ vàng 20%/năm mà nhiều tỷ phú đạt được.
Muốn có được điều đó, theo ông Bình, nhà đầu tư cơ bản phải hiểu về tài chính, sau đó hiểu về doanh nghiệp trước khi xuống tiền mua.
Nếu chọn đúng doanh nghiệp, nắm giữ đủ dài thì không cần quá cao siêu, bạn cũng sẽ có được lợi nhuận, có thể là cao, là thấp tùy vào doanh nghiệp đó, nhưng hiện tại, làm gì có nhà đầu tư nào chịu để tài khoản nằm im, đặc biệt trong giai đoạn cần tiền chi tiêu. Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động không có việc làm.
Vì vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán với mong muốn kiếm tiền nhanh bù đắp cho khoản thu thiếu hụt từ kinh doanh chính. Nắm bắt được tâm lý này, các nhóm tư vấn sẽ đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này, cổ phiếu kia sẽ đạt mức tăng bằng lần.
Nếu nhóm nào dẫn dắt được người mua nhiều, đương nhiên giá cổ phiếu sẽ được đẩy lên. Tuy vậy, cũng vì mua theo đám đông, mà không hiểu rõ về doanh nghiệp thì nếu như có biến cố gì, đương nhiên rủi ro nhà đầu tư phải chịu.
Trong khi đó, Giám đốc Môi giới của một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM nhìn nhận, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn rất bài bản, mang lại giá trị cho nhà đầu tư mới, nhưng cũng có nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích kéo, xả hàng, tăng doanh thu môi giới, bán khoá học… khiến nhà đầu tư tiếp cận với nhiều luồng thông tin sai lệch và đối mặt với các rủi ro thua lỗ.
Những hội nhóm như vậy không chỉ gây thiệt hại trước mắt cho nhà đầu tư, về nhìn ra hơn là ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán, bởi khiến nhà đầu tư mất lòng tin và quay lưng với thị trường.
Tác giả: Hoàng Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy