Theo dữ liệu của CoinMarketCap đêm 10/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng còn 39.796 USD/đồng. Tính đến 22h30, giá đồng tiền đã phục hồi phần nào về 40.832 USD/đồng, nhưng vẫn lao dốc 1,52% so với 24 giờ trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 770 tỷ USD. Như vậy, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã sụt giá hơn 40%.
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - cũng lao dốc mạnh và có thời điểm mất mốc 3.000 USD/đồng. Trong vòng 7 ngày qua, giá Ether đã giảm tới 21%.
Các loại tiền mã hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm 2,49% so với 24 giờ trước đó xuống còn 1.890 tỷ USD.
Giá Bitcoin bất ngờ lao dốc xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng hôm 10/1. Ảnh: CoinMarketCap.
"Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những 'chất xúc tác' chính, giúp Bitcoin bùng nổ trong 2 năm qua, thì thế giới tiền mã hóa có thể bước vào một năm 2022 khó khăn hơn. Bởi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm Fed, đang chuyển sang chế độ thắt chặt", ông Erlam lập luận.
Ông Edward Moya - chuyên gia tại hãng tư vấn tài chính Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cũng cho rằng thế giới tiền mã hóa đang có một khởi đầu khá tồi tệ trong năm 2022.
"Một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư sang những sản phẩm khác như NFT (token không thể thay thế). Cùng với đó là rủi ro FED nâng lãi suất và cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán", ông Moya giải thích.
Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những 'chất xúc tác' chính, giúp Bitcoin bùng nổ trong 2 năm qua, thì thế giới tiền mã hóa có thể bước vào một năm 2022 khó khăn hơn
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Cụ thể, theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 14-15/12/2021 của FED, một số quan chức FED tin rằng đã đến lúc thu hẹp danh mục 8.800 tỷ USD, bao gồm trái phiếu và các tài sản khác.
Các quan chức này cho rằng việc thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán cần được triển khai sớm sau khi FED bắt đầu nâng lãi suất.
Biên bản cuộc họp nhấn mạnh lãi suất cần "được nâng sớm hơn dự định trước đó".
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 7.
"Tốc độ phục hồi nhanh của thị trường lao động Mỹ và những tín hiệu cứng rắn được đưa ra trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed đều chỉ ra rằng các chính sách tiền tệ sẽ sớm được bình thường hóa", ông Jan Hatzius - chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định.
"Do đó, chúng tôi đẩy nhanh dự báo về thời điểm FED giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 12 về tháng 7", ông giải thích.
Ngân hàng đầu tư Phố Wall cũng cho rằng FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Giới quan sát cho rằng điều này có thể tác động tiêu cực tới Bitcoin và những loại tài sản rủi ro khác.
Những người ủng hộ Bitcoin đã coi đồng tiền mã hóa này là “vàng kỹ thuật số” và hưởng lợi trong bối cảnh biến động. Nhưng giới quan sát nhận thấy sự tương đồng ngày càng gia tăng giữa biến động giá của Bitcoin và cổ phiếu.
"Tôi sở hữu vàng để phòng vệ ảnh hưởng của lạm phát, cũng như một tài sản 'trú ẩn' an toàn nhằm bù các khoản lỗ trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, vai trò của Bitcoin chỉ là đầu cơ", nhà đầu tư Edmund C. Moy cho biết.
Áp lực lớn trong ngắn hạn
Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam, sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh khác.
"Đà giảm của Bitcoin cũng có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi giá Ether giảm xuống dưới 3.000 USD/đồng", chuyên gia tài chính Moya tại hãng Oanda nhận định.
Theo ông, giá Ether đã chịu sức ép lớn sau khi nhà sáng lập Vitalik Buterin thừa nhận rằng Ether có thể chưa sẵn sàng để áp dụng hàng loạt ở dạng hiện tại.
"Triển vọng của cả hai đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn rất tốt. Nhưng Bitcoin và Ether sẽ chịu áp lực lớn trong ngắn hạn", ông Moya cảnh báo.
Giá Bitcoin cũng lao dốc mạnh sau khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan lệnh cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này cắt dịch vụ Internet.
Biến động giá của Bitcoin trong vòng một năm qua. Ảnh: CoinMarketCap.
Theo Trung tâm Tài chính thay thế Cambridge, tính đến thời điểm hiện tại, Kazakhstan chỉ đứng sau Mỹ về thị phần khai thác Bitcoin toàn cầu với 18,1% thị phần.
Nhiều thợ đào Bitcoin đã rời khỏi Trung Quốc để đến nước láng giềng Kazakhstan sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa.
Hồi đầu năm 2021, giá Bitcoin đã lao dốc mạnh từ ngưỡng kỷ lục sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đối với các hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn có thể trở lại đà tăng và thiết lập kỷ lục mới gần 69.000 USD/đồng vào tháng 11/2021.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy