Dòng sự kiện:
Chuyên gia: Phái sinh không phải để lũng đoạn cơ sở
07/10/2022 08:06:47
Chuyên gia về phái sinh tin rằng công cụ phái sinh có thể phòng vệ hiệu quả cho danh mục khi điều kiện thị trường không trái kỳ vọng như hiện nay.

Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn khó khăn trước những nỗi lo về suy thoái toàn cầu và làn sóng tăng lãi suất. VN-Index giảm hơn 11,59% xuống còn 1.132,11 điểm vào cuối tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay.

Mức giảm khốc liệt trên đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Vốn hóa HoSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.

Đối lập với sự rút lui của dòng tiền trên chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam lại thu hút dòng tiền nóng. Giá trị giao dịch chưa quay về đỉnh cũ nhưng đang tăng lên rất nhanh.

Tốc độ mua bán phái sinh tăng nhanh chóng trong giai đoạn cuối tháng 9 và thậm chí trong các phiên đầu tháng 10 đã giao dịch bình quân hơn 44.200 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, đầu tư phái sinh với đòn bẩy cao cũng gây ra rủi ro cao hơn, thậm chí là "cháy tài khoản". Ngoài ra, nhiều nhà đầu cũng đặt nghi ngại về việc phái sinh có thể gây ra lũng đoạn cho thị trường cơ sở.

Lý giải vấn đề, ông Nguyễn Đức Thông - Giám đốc phái sinh Chứng khoán SSI - cho biết sản phẩm nào cũng có chức năng riêng, trong đó phái sinh có thể giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro cho danh mục.

Một trong các mục tiêu đưa ra của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ở Việt Nam là giúp cho nhà đầu tư có thể phòng ngừa vị thế cho danh mục mà trước đây chưa thể làm được.

"Nói phái sinh lũng đoạn cơ sở thì hầu như không có, bởi thực chất ở thị trường nào cũng vậy. Như tại Mỹ, chứng khoán phái sinh đã hoạt động 30-40 năm và mọi người đều biết nó đã giúp rất nhiều nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro", ông Thông nói.

Trong thị trường giá xuống, nhà đầu tư thay vì bán ra cổ phiếu đang nắm giữ thì có thể mua hợp đồng phái sinh để giảm thiểu rủi ro. Do vậy, nếu không có công cụ phái sinh thì có thể càng thêm nhiều người quyết định bán tháo hơn.

Chứng khoán phái sinh trong thực tế có khái niệm rất rộng, hình thức áp dụng phổ biến tại Việt Nam chỉ mới có hợp đồng tương lại chỉ số VN30, bên cạnh đó còn là các chứng quyền có đảm bảo. Đây là công cụ “đặt cược” thị trường đi lên hoặc xuống, nhằm cân bằng các rủi ro đầu tư.

Không chỉ ở Việt Nam mà đáo hạn phái sinh ở nước ngoài cũng rất được nhà đầu tư quan tâm. Vào thời điểm đáo hạn, việc người mua xem xét giữ hoặc đóng hợp đồng có thể gây ra các biến động và mức độ tác động còn tùy thuộc hoàn cảnh thị trường.

Ông Nguyễn Đức Thông tin rằng phái sinh là công cụ phòng vệ hiệu quả cho danh mục nhà đầu tư. Ảnh: BMĐT.

"Phái sinh là một cách để bảo vệ danh mục đầu tư, không gây ra thua lỗ lớn mà thậm chí có lãi nếu chọn danh mục hiệu quả hơn thị trường", ông Thông nói.

Vị chuyên gia phái sinh nhấn mạnh không nên xem đây là "trò chơi long-short" bởi việc này khó đoán. Nhà đầu tư mới tiếp cận chỉ nên xem xét sử dụng để phòng ngừa vị thế cho danh mục.

Ông Thông cũng lưu ý phái sinh có tỷ lệ đòn bẩy khá cao nên tỷ lệ lãi lỗ cũng cao hơn mức bình thường trên thị trường cơ sở. Số vốn ban đầu để mua một hợp đồng cũng chỉ khoảng 15-20 triệu đồng trở lên.

Tác giả: Huy Lê 

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến