Thời gian gần đây, khi tuyến đường đi bộ được lát bằng gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP Huế chính thức được triển khai đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng nguyên liệu.
Được biết, đây là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Phối cảnh dự án đường đi bộ lát gỗ ở Huế.
Theo đó, dự toán từng được công bố, công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng. Việc thi công sàn gỗ sẽ tốn khoảng 3.518m2 gỗ lim. Với đơn giá 12 triệu đồng/m2, tổng kinh phí cho riêng việc lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng.
Tuyến đường đi bộ này sẽ được xây dựng với chiều dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng.
Để hoàn thành tuyến đường, hiện đơn vị thi công đã huy động phương tiện đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm bê tông, sau đó phía trên sẽ được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4m và có hệ thống lan can bảo vệ.
Tuy nhiên, việc sử dụng gỗ lim để lát tuyến đường đi bộ đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại khi trong điều kiện thời tiết mưa lũ, độ ẩm nhiều ở Huế có thể dự án sẽ không bền vững, lãng phí.
Trao đổi với ANTT, Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, chuyên gia thực vật học, nguyên giảng viên Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, vấn đề này trong một hội thảo đã từng có nhiều ý kiến, trong đó có người thắc mắc trong giai đoạn đang tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên rừng thì tại sao lại sử dụng gỗ lim để lát nhiều diện tích vậy.
“Quan điểm của tôi là chưa biết gỗ mua ở đâu nhưng công trình ở ngoài trời như vậy về mặt lâu bền là không được tốt, vì nó phải chịu mưa, chịu nắng, chịu ẩm. Thêm nữa, tuyến đường này được xây dựng cách mực nước sông Hương không xa, trong khi Huế mình lại mùa mưa kéo dài, lũ thường xuyên lên thì dù là gỗ lim đi nữa khi nó mà bị ẩm rồi vẫn bị mối mọt như thường”, thầy Cẩm nói.
Hiện, đơn vị thi công đã huy động phương tiện đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm bê tông.
Thầy Cẩm cho hay, trong buổi hội thảo, người của dự án cho biết là sẽ mua gỗ lim già để đảm bảo nhưng một khi mua gỗ đã thành phẩm, không trực tiếp nhìn thấy khi khai thác thì làm sao biết là gỗ già hay non. Bởi, gỗ lim mà còn non thì khả năng bền vững rất kém.
“Gỗ lim không chịu được ẩm vì vậy, khi đưa vào sử dụng lát đường đi bộ trong môi trường ẩm như Huế thì cần phải xử lý chống ẩm bằng cách hấp sấy trước”, thầy Cẩm chia sẻ.
Nói về gỗ Lim, thầy Cẩm thông tin đây là một trong những loại gỗ quý, được xếp hàng thượng đẳng gồm bốn loại gỗ trong nhóm tứ thiết: Đinh, lim, sến, táu. Trong phân loại nhóm gỗ, lim thuộc nhóm I. Ở Huế, gỗ lim thường được sử dụng để dựng hạng mục cột, kèo cho nhà rường cổ hay tu bổ các công trình di tích lăng tẩm.
Ở Việt Nam, hiện lim không còn nhiều. Trước đây ở Lạng Sơn có rừng lim bạt ngàn nhưng người ta đã khai thác gần như sạch.
Về thông tin loại gỗ lim dùng để lát đường đi bộ ở Huế được mua từ Lào, thầy Cẩm cho hay: “Những người thực hiện dự án cho rằng, như thế họ sẽ không làm ảnh hưởng đến việc phá rừng trong nước nhưng về mặt toàn cầu theo tôi, cũng đã ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, làm kiệt quệ tài nguyên rừng nói chung”.
Lê Kông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy