Ngân hàng Nhà nước đã công bố và hoàn tất việc chuyến giao bắt buộc GPbank cho VPbank, Dong A Bank cho HDbank, OceanBank cho MB và chuyển giao CBbank cho Vietcombank. Việc chuyển giao được kỳ vọng sẽ giúp 4 ngân hàng này khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Trong khi đó, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, room tín dụng để mở rộng quy mô tài sản, dư nợ, để các nhà băng tham gia tái cấu trúc thành công các tổ chức tín dụng yếu kém.
Tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” diễn ra ngày 11/4 tại TP.HCM, nhiều ý kiến về sự tồn tại của các ngân hàng yếu kém được các chuyên gia tài chính ngân hàng mổ xẻ.
Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do Báo Tiền Phong tổ chức tại TP.HCM ngày 11/4. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết Việt Nam làm được việc mà ít quốc gia làm được, đó là tái cấu trúc ngân hàng nhưng “không tốn tiền”. Tuy nhiên, việc này không phải là không mất đồng nào.
Thực chất, phương án giải quyết mà Việt Nam đang làm là giúp ngân hàng nhận chuyển giao tăng trưởng nhanh. Cụ thể, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ lấy lợi nhuận từ tăng trưởng nhanh trong tương lai, để bù đắp cho thua lỗ trong quá khứ.
“Những ngân hàng yếu kém sẽ giữ nguyên, những ngân hàng nhận chuyển giao sẽ tăng trưởng nhanh, để bù đắp. Trên thực tế không ai muốn nhận các ngân hàng yếu kém cả. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ tạo cơ chế ưu đãi cho các ngân hàng nhận chuyển giao”, ông Thành nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chia sẻ hiện nay, việc cạnh tranh trên thị trường tài chính ngân hàng là hết sức khốc liệt. Một ngân hàng không quá mạnh lại nhận thêm một ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu thì công việc hết sức vất vả.
Theo ông Đức, nên làm rõ việc Việt Nam cần có bao nhiêu ngân hàng thương mại cổ phần là vừa. Hiện tại, Việt Nam có 35 ngân hàng đang hoạt động. Tuy nhiên, những ngân hàng nào yếu kém thì cần xem lại, bởi chủ trương là không cần quá nhiều ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức: Chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém hiện nay là giải pháp tình thế. (Ảnh: Đại Việt)
“Chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém hiện nay là giải pháp tình thế. Việc chữa cháy cần có tầm nhìn lâu dài. Sự chuyển giao cần phải đảm bảo các quy định pháp lý, vững vàng về kinh tế thì mới giải quyết được câu chuyện hiệu quả, an toàn cho hệ thống tài chính, tiền tệ”, ông Đức nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cho rằng cần có cơ chế để các ngân hàng tự nguyện chuyển giao. Các ngân hàng yếu kém phải tự đi tìm ngân hàng “mẹ” để thực hiện việc tái cơ cấu.
Thực tế, các ngân hàng yếu kém được mua lại 0 đồng nhưng không vực dậy được, càng làm càng lỗ. Việt Nam đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường, hãy để thị trường quyết định số phận các ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thuật ngữ “ngân hàng 0 đồng” đang bị lạm dụng. Thực chất, văn bản pháp luật không đề cập khái niệm trên.
Câu chuyện 0 đồng là các ngân hàng được tái cơ cấu 2 năm nhưng không đủ sức vực dậy, buộc phải xử lý. Ngân hàng của Mỹ, Trung Quốc cũng thực hiện những việc tương tự. Mục đích cơ bản là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, có người đứng ra nhận trách nhiệm nếu người gửi muốn rút tiền. Việc tái cơ cấu không thể giúp ngân hàng yếu kém trở nên mạnh hơn ngay lập tức, mà cần có thời gian hàng chục năm.
“Một người bị sốt xuất huyết không thể đứng lên chạy 25km ngay được, họ cần nhiều năm mới có thể chạy được như vậy. Ngân hàng yếu kém cũng không thể ngay tức khắc vực dậy, họ cần thời gian. Tôi nghĩ, tái cơ cấu thành công là bảo vệ được người gửi tiền, không có cuộc xung đột nào với người gửi tiền”, ông Trung nói.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy