Dòng sự kiện:
Chuyện người 'gieo chữ' bên dòng Nậm Mộ
19/11/2021 07:42:11
Thầy và trò học trong nhà ăn, phòng của thầy cô giáo; hay ngăn cách lớp để ở và học… là những khó khăn hiện hữu trong công cuộc 'gieo chữ' đầy những khó khăn ở những ngôi trường bên dòng sông Nậm Mộ.

Xã Mường Típ cách trung tâm huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chừng 20km. Đường đi lại hết sức khó khăn, trời nắng bụi phủ kín, trời mưa trơn trượt. Người dân xã Mường Típ chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú và Mông. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80%. Đây được xem là một trong những xã nghèo nhất huyện Kỳ Sơn.

Thầy và trò học sinh lớp 1, trường Tiểu học Nậm Típ 2 đang say sưa dạy và học. 

Từ lâu, Mường Típ, Mường Ải được xem như “ốc đảo” của huyện miền núi Kỳ Sơn. Hễ vào mùa mưa, 2 xã vùng Tây Nam của huyện miền núi Kỳ Sơn thường rơi vào tình trạng cô lập do sạt lở đất, đá và nước của dòng sông Nậm Mộ dâng cao.

Chỉ cách thị trấn Mường Xén khoảng 20km, so với nhiều trường ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Mường Típ được xem là “trường gần” về mặt địa lý. Tuy nhiên, điều kiện sống khó khăn, đường sá đi lại vất vả nên Mường Típ luôn là “điểm đến” của những chuyến đi “tăng cường”. Các thầy cô giáo ở các xã khác khi công tác tại trường Mường Típ đều phải ở lại KTX. Vào mùa mưa, các thầy cô giáo phải ở lại những hàng tháng trời vì chia cắt.

Trong điều kiện khó khăn vất vả của mảnh đất Mường Típ, Mường Ải, thầy và trò ở xã Mường Típ cũng không thể có “vùng xanh” về điều kiện sống cũng như điều kiện dạy và học. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực hết mình, thầy cô giáo cùng các em học sinh ở Mường Típ đã đạt được những thành tích đáng nể, ngang ngửa với nhiều trường “vùng xanh” của huyện miền núi này.

Các em học sinh lớp 1 trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2.

Thầy giáo Trần Gia Thảo, Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Dân Tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2 chia sẻ, trường nằm trên địa bàn khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn bộn bề, đặc biệt, cơ sở vật chất phục vụ cho các em học sinh và thấy cô giáo còn thiếu rất nhiều. Hiện nay, các em học sinh còn phải học chính thức ở nhà ăn, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên vì không có phòng học. Phòng ngủ cho các em học sinh bán trú cũng chưa có, nhà trường còn phải xếp tập trung 15, 16 em/ phòng. Đặc biệt, trường Tiểu học Mường Típ 2 còn phải ngăn cách lớp học để đặt giường ngủ cho học sinh của mình.

Năm học vừa qua, Trường Phổ Thông Dân Tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2 đã “cán đích” thứ 4 trong tổng số hơn 39 trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn về thành tích học tập.

Thầy Thảo cho biết, trường tiểu học đóng ở địa bàn miền núi có nhiều đặc thù riêng biệt so với các khu vực khác. Các em học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1 đã phải đi ở bán trú khi tuổi còn quá nhỏ nên nhiều việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống… đều phải nhờ thầy cô giáo. Ngoài việc dạy học, các thầy cô đã phải làm công việc như 1 người bố, người mẹ của các em học sinh đó.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho chia sẻ, công tác giáo dục ở huyện miền núi Kỳ Sơn đã được các cấp các ngành quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình và điều kiện kinh tế nên nhiều trường cũng đang khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, một số trường học xây dựng từ lâu và nay đã xuống cấp, chật hẹp không phù hợp với quy mô lớp học sinh, đặc biệt là khi triển khai chương trình GDPT 2018, số học sinh ăn ở tập trung, số học sinh trên lớp tăng nên phòng học càng chật hẹp hơn. Nhà ở, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác để phục vụ học sinh còn thiếu thốn rất nhiều.

Buổi ăn trưa của các học sinh bán trú trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2.

"Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới đây, các cấp các ngành, các nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp “trồng người” ở huyện Kỳ Sơn", ông Thiết nói.

 Một số hình ảnh về công tác dạy và học ở một số trường thuộc xã Mường Típ:

 

Vì thiếu lớp học cho học sinh nên các em phải ngồi học chật chội trong phòng làm việc của cán bộ trường.

Lớp học trong nhà ăn.

Ngoài những buổi học ban ngày, Trường Phổ Thông Dân Tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2 còn tổ chức chương trình"Tiếng trống học đêm" cho các em học sinh của mình. Trong ảnh: Buổi học đêm của các em học sinh Trường Phổ Thông Dân Tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2.

Tiết học của các em học sinh trường Mầm non Mường Típ.

Cô giáo trường Mầm non Mường Típ trang trí trường lớp.

Nhiều đồ dùng hỗ trợ học tập được thầy cô giáo tận dụng và "chế" nên.

Hồ Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến