Dòng sự kiện:
Chuyện ở Eximbank vẫn lùm xùm
09/06/2019 12:02:12
Tưởng rằng sau khi ngân hàng có tân chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Cao Xuân Ninh cùng với quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh thì nhân sự cấp cao của nhà băng này đã ổn định, nhưng...

Bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc tại ĐHCĐ của Eximbank hôm 26/4

Ngày 21/6 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019 sau 2 lần không thể tổ chức trước đó (lần 1 vào ngày 26/4 phải hoãn vì không đủ tỷ lệ tham dự theo quy định, và lần 2 thì thông báo hoãn vì "muốn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn" khi ngày tổ chức đại hội là 26/5 đã cận kề).

Trước khi định ngày đại hội lần thứ 3 là 21/6, Ngân hàng đã công bố hàng loạt các quyết định rất quan trọng bao gồm: Tòa án hủy quyết định đình chỉ tạm thời đối với quyết định 112 (bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch và miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc); Eximbank hủy quyết định 112; miễn nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc; bầu ông Cao Xuân Ninh làm chủ tịch và bầu ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Quyền Tổng giám đốc.

Những tưởng rằng các quyết định này cho thấy một sự ổn định tương đối ở "thượng tầng" của Eximbank, các nhóm cổ đông của nhà băng này đã tìm được một tiếng nói chung và cổ đông của ngân hàng có thể an tâm chờ đợi ngày đại hội để thông qua các quyết định quan trọng trong năm 2019 dù rằng thời gian của năm nay đã đi được một nửa.

Thế nhưng, những ngày qua lại xuất hiện các thông tin đáng chú ý khác.

Lại kiện cáo

Theo nguồn tin trên báo Thanh niên, ngày 5/6 vừa qua Tòa án nhân dân Q.1, TP.HCM thông báo thụ lý hồ sơ “yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết của hội đồng quản trị” bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

Người gửi đơn kiện lên tòa án là Công ty cổ phần Rồng Ngọc (nắm 1,99% vốn cổ phần Eximbank) yêu cầu đình chỉ Nghị quyết 231 về việc thông qua việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112. Nghị quyết 231 do ông Lê Minh Quốc ký hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT Eximbank vào ghế Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, đơn đề nghị đình chỉ thực hiện nghị quyết được ban hành trên cơ sở cuộc họp HĐQT không hợp lệ ngày 20/5 bao gồm Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26/5.

Theo đơn gửi tòa, công ty Rồng Ngọc cho rằng Nghị quyết 231 ban hành vi phạm pháp luật và điều lệ Eximbank. Tại thời điểm ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231, cuộc họp HĐQT chưa kết thúc, biên bản cuộc họp chưa thông qua bởi chủ tọa, thư ký và các thành viên tham dự; trong khi Nghị quyết lại có nội dung "căn cứ biên bản cuộc họp HĐQT ngày 15/5", chủ tọa, thư ký và nhiều thành viên HĐQT không hề biết gì về biên bản này.

Bên cạnh đó ngày 14/5, Tòa án có Quyết định 159 hủy bỏ quyết định 92 về việc tạm dừng thực hiện nghị quyết 112 (bãi nhiệm chức danh Chủ tịch đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên Chủ tịch HĐQT Eximbank). Như vậy, Nghị quyết 112 có hiệu lực từ ngày 14/5 dù vậy ngày 15/5 , ông Lê Minh Quốc không còn là Chủ tịch HĐQT Eximbank nhưng lại ban hành Nghị quyết 231.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, từ khi Eximbank công bố thông tin đại chúng về việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch thay cho ông Lê Minh Quốc, các nhóm cổ đông của nhà băng này cũng đã có nhiều bất đồng và phải nhờ tòa án can thiệp. Ông Quốc thì kiện lên tòa cho rằng việc bầu bà Tú làm chủ tịch là sai quy định, rồi tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ việc thực hiện nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch. Phía Eximbank sau đó lại có đơn lên tòa đề nghị hủy bỏ quyết định nói trên, cũng vì lý do sai quy định. Rồi đến giữa tháng 5 lại hủy bỏ quyết định và kéo theo các sự việc khác xuất phát từ phía cổ đông có pháp nhân là công ty Rồng Ngọc như đề cập trên.

Thượng tầng chưa ổn, hạ tầng khó an

Theo các nguồn tin, ở Eximbank, sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông không phải ngày một ngày hai mà đã kéo dài một thời gian tới gần 5 năm. Năm 2016, đại hội cổ đông của nhà băng này cũng đã phải trải qua đến 3 lần mới thành công cùng một loạt các gương mặt mới xuất hiện trong Hội đồng quản trị, trong đó có những nhân vật đến từ Công ty Âu Lạc - là tập đoàn về vận tải tàu biển và khá xa lại với lĩnh vực tài chính ngân hàng, cùng với đại diện đến từ Vietcombank. Năm 2018, một nhân vật nữa từ bên ngoài vào HĐQT của Eximbank là cựu Tổng giám đốc Nam A Bank bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Tú được cho là khá được lòng các cổ đông và được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, khi thời điểm bà ứng cử vào HĐQT Eximbank thì còn có 3 ứng viên nữa nhưng cuối cùng danh sách chỉ được chấp thuận duy nhất là vị nữ tướng ngân hàng sinh năm 1980 này.

Sau đó, Eximbank đã "chiêu mộ" được một vị quản lý khá có tiếng trong giới ngân hàng - ông Nguyễn Cảnh Vinh - người từng được xem là "linh hồn của khối bán lẻ" Techcombank về làm Phó Tổng giám đốc thường trực.

Tưởng rằng, câu chuyện về quản lý cấp cao ở nhà băng này như thế đã cơ bản ổn định, tất cả sẽ tập trung vào tái cơ cấu, với sự hỗ trợ hết sức của cổ đông lớn SMBC đến từ Nhật. Hoạt động của ngân hàng cũng tưởng chừng sẽ có những sự bứt phá và sớm trở lại vị thế vốn có của mình - từng là 1 trong 5 ngân hàng mạnh nhất nhóm cổ phần giai đoạn 2011 - 2012. Nhưng thực tế lại không được như vậy.

Trong thời gian qua, khi thượng tầng ở Eximbank chưa giải quyết ổn thỏa, các nhóm cổ đông chưa đồng lòng nên hoạt động của nhà băng này cũng chưa tìm kiếm được sự bứt phá nào. Năm ngoái, ngân hàng thậm chí còn dính đến vụ lùm xùm của khách hàng VIP gửi tiền và phải đưa nhau ra tòa, khiến cho ngân hàng phải đền hàng trăm tỷ đồng tiền gửi cho khách hàng. Và sự việc này, cùng với những vấn đề khác "chưa hợp lý", khiến cho ngân hàng phải điều chỉnh giảm tới một nửa lợi nhuận của năm 2018 so với công bố ban đầu, về dưới con số 1 nghìn tỷ. Chiếc xe đi trên con đường trở về vị thế hoàng kim một thời tưởng chừng có thể vững chãi để lên dốc bỗng dưng bị "đứt phanh" về đầu vạch xuất phát.

Làm sao để tháo gỡ nút thắt?

Nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng, chừng nào Eximbank còn chưa ổn định được hệ thống quản lý cấp cao thì hoạt động ở các cấp dưới khó mà có sự bứt phá, có chăng ổn định đã là may mắn lắm rồi. Sự việc khách VIP ngân hàng gửi tiền bị phó giám đốc chi nhánh "cuỗm" mất rồi trốn ra nước ngoài là một điển hình. Bởi vậy vấn đề đặt ra lúc này vẫn cần hơn cả là sự đồng lòng của các nhóm cổ đông, nhưng điều đó cũng chẳng dễ dàng gì, giống như hai chú dê đi trên một chiếc cầu, nếu chỉ biết húc nhau mà không biết nhường chỗ cho nhau để cả hai cùng sang cầu được thì chỉ có nước "rơi xuống sông".

Và họ cho rằng, trong bối cảnh còn chưa ai chịu ai, chưa có nhóm cổ đông nào đủ mạnh làm chủ thực sự, thì lúc này cần lắm một tiếng nói của cơ quan quản lý, ở đây là Ngân hàng Nhà nước, đứng ra sắp xếp bộ máy quản lý để các cổ đông khác của ngân hàng cùng với hơn 6.000 cán bộ nhân viên có thể yên tâm làm việc tạo ra lợi nhuận, xây dựng ngân hàng và củng cố niềm tin của thị trường.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ với chúng tôi rằng, chuyện ở Eximbank thì để cho ngân hàng tự giải quyết, miễn sao phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Các cổ đông Eximbank muốn tìm được tiếng nói chung, đầu tiên là phải tạm thời gác bỏ lợi ích riêng để cùng hi sinh vì lợi ích chung của ngân hàng, tập trung "làm ngân hàng", chứng tỏ thực lực của mình để các cổ đông khác và cơ quan quản lý có niềm tin. Và đó là cách tháo gỡ nút thắt hợp lý hơn cả.

Còn một vị cổ đông đang sở hữu cổ phiếu của ngân hàng Eximbank thì cho chúng tôi biết, cho đến thời điểm này các nhóm cổ đông cả cũ và mới vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, và bà cũng khá lo lắng đại hội cổ đông ngày 21/6 tới đây chưa chắc sẽ diễn ra. "Cổ đông như chúng tôi cũng mong lắm các cổ đông lớn đừng có đấu đá lẫn nhau mà tập trung xây dựng ngân hàng, chứ để như hiện nay thì nản lắm rồi" - nguồn tin này cho biết.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến