Dòng sự kiện:
Chuyện về người lính lấy máu viết tâm thư xin ra chiến trường
26/07/2022 08:08:26
Với ông Trần Quang Nghiêm, dù đã 84 tuổi, nhưng ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn còn hằn in sâu đậm trong trí nhớ của ông.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc

Lật từng cuốn sổ, từng bức ảnh đã hoen mờ bởi thời gian, ông Trần Quang Nghiêm (84 tuổi), ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) không khỏi bồi hồi bởi ký ức về một thời chiến trường oanh liệt lại ùa về trong tâm tưởng.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng với ông, chuyện như vừa mới hôm qua. Hình ảnh chiến trường đầy bom đạn, ký ức về những đồng đội tuổi đôi mươi vẫn còn rất sống động, bao giờ có dịp kể chuyện, ông cũng kìm được nước mắt.


Người cựu binh Trần Quang Nghiêm ở tuổi 84

Ông Nghiêm nhớ lại, năm 1965, trong lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đọan khốc liệt, ông Nghiêm lúc này đang làm Chánh văn phòng của Ty Giao thông Thanh Hóa. Mong muốn được ra chiến trường, góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, ông nhiều lần xin lãnh đạo cho được vào chiến trường trực tiếp cầm súng chiến đấu, thế nhưng do không có người thay vị trí công việc nên nguyện vọng của ông bất thành.

Vào một đêm trăn trở, ông lấy dao lam cứa đầu ngón tay mình để viết bức tâm thư, lúc này lãnh đạo mới nhìn thấy được quyết tâm của chàng trai trẻ tuổi và đồng ý cho ông vào quân ngũ.

Ông Nghiêm nhớ mãi, ngày 20/2/1965, lúc này 27 tuổi, ônglên đường nhập ngũ, để lại người vợ trẻ vừa kết hôn được 5 ngày và bố mẹ già. Ông được biên chế vào đơn vị C3, D10, E68, F351, được đào tạo sử dụng pháo Kachiusa (Liên Xô)…

“Ngày khoác lên mình bộ áo lính, tôi xác định không có ngày trở về, nhưng sẵn sàng hi sinh thân xác của mình vì tổ quốc. Ở thời điểm ấy, thế hệ thanh niên chúng tôi đều có lý tưởng như vậy, được làm cái gì đó cho đất nước, ấy là niềm tự hào, niềm hạnh phúc dù đó có là cái chết”, người cựu binh xúc động.

Chiến trường khốc liệt, chứng kiến những sự hi sinh của đồng đội mỗi ngày, dù có đau thương, mất mát nhưng người lính trẻ vẫn không hề nao núng.

Ông cùng đồng đội vào sinh ra tử, lập nhiều thành tích trên khắp các mặt trận. Đặc biệt là cuộc tiến công vào Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị của ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà vẫn bảo toàn được lực lượng.

Nơi “địa ngục trần gian”

Ngày 5/11/1968, khi đang điều trị tại bệnh viện dã chiến thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ông bị máy bay địch bắn trọng thương rồi bị bắt, trói đưa lên trực thăng về trại giam Đà Nẵng. Từ đây bắt đầu những ngày “địa ngục trần gian” đối với người chiến sĩ cộng sản Trần Quang Nghiêm.

Ông Nghiêm ôn kỷ niệm với đồng đội cũ

Mỗi ngày, ông bị địch hỏi cung từ 20, 30 lần, rồi tăng lên 40, 50 lần... Khi không khai thác được thông tin gì, chúng chuyển sang tra tấn. Chúng dùng kim cắm vào mười đầu ngón tay, quấn bông vào đầu kim, tẩm xăng đốt cho đến khi ông bất tỉnh. Rồi lại dùng nước lạnh hắt vào mặt, nhúng đầu vào các thùng nước rồi tiếp tục hỏi cung.

Ông không nhớ nổi trong thời gian ở nhà tù, kẻ thù đã dùng bao nhiêu đòn tra tấn man dợ với ông và các đồng đội. Những trận đòn roi càng nung nấu thêm ý chí kiên cường, quyết tâm phải sống để trở về tiếp tục chiến đấu ở người lính Trần Quang Nghiêm.

Nhớ lại ký ức kinh hoàng ấy, giờ đây ông vẫn không khỏi rùng mình. Đôi tay run run chỉ vào hàm răng giả của mình, ông bảo toàn bộ răng hàm dưới cũng bị chúng tra tấn bằng cách nhổ hết, đôi tay bị run cũng là hậu quả của những đòn tra tấn ngày ấy.

Ông kể, hết các đòn tra tấn không xong, chúng chuyển sang phỉnh nịnh, dụ dỗ, mua chuộc để dò la tin tức về "quân giải phóng".

Dù với thủ đoạn nào của chúng, ông cũng chỉ có một lời khai "Tôi chỉ là cấp dưỡng". Tháng 3/1969, ông cùng các chiến sĩ trong ngục giam được đưa lên tàu chuyển ra giam giữ ở đảo Phú Quốc.

Trong gần 4 năm ở nhà tù Phú Quốc, ông cũng như các chiến sĩ như sống trong địa ngục với đủ loại hình tra tấn đẫm máu của kẻ thù. Nhưng với tinh thần quật cường của những người lính cộng sản, ông cùng các chiến sĩ thực hiện 2 nhiệm vụ chính là đòi quyền dân sinh và dân chủ. Thời điểm đó, ông Nghiêm được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ là cấp ủy, bí thư chi bộ trong ban lãnh đạo cuộc đấu tranh.

"Có những thời điểm chúng dùng súng đại liên bắn vào trại giam khiến hàng trăm người chết. Nhìn đồng đội của mình ngã xuống, lòng căm thù lại sục sôi hơn bao giờ hết”, ông nhớ lại.

Nhiều phương án được anh em đưa ra để đấu tranh. Bắt đầu là tuyệt thực, mỗi bữa họ chỉ ăn một nhúm gạo rang, uống nước lã cầm hơi, nhiều chiến sĩ trong phân khu khi đó đã xung phong hy sinh để nêu cao tinh thần, chí khí chiến đấu.

“Chúng tôi cần 2 người hành động nhưng có đến 12 người xung phong. Cuối cùng cấp ủy quyết định: Ai bắt trúng thăm hành động sẽ được nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Sau cùng hai người trúng thăm là anh Lê Bá Giao, tên trong tù là Phạm Văn Bình (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và Trần Nguyên Mạnh, tên trong tù là Trần Văn Nanh (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa). Hai đồng chí sinh hoạt tại phòng số 6, do tôi làm trưởng phòng đã tự dùng dao mổ bụng mình, cắt dương vật ném vào mặt quản tù, uy hiếp chúng, châm ngòi nổ cho cuộc đấu tranh giành nhiều yêu sách", nhắc chuyện này nước mắt ông lại trực trào ra.

Từ cuộc đấu tranh đó, các tù binh được tự nấu cơm, đào giếng, tập trung học vănhóa, nhưng cũng lợi dụng việc đào giếng để đào hầm vượt ngục. Học văn hóa nhưng là để triển khai nghị quyết, tuyên truyền cách mạng, bàn phương án đấu tranh, vượt ngục…

Đêm đến, những người chiến sĩ lại thay nhau đào con đường hầm dẫn ra khỏi bức tường thép gai. Dụng cụ chỉ là những chiếc thìa sắt nên đào cả mấy tháng mới xong.
Ông Nghiêm cho biết, có tổng 41 người vượt ngục thành công trở lại chiến trường tiếp tục cầm súng chiến đấu. Trong số này có một nửa vượt ngục bằng con đường hầm, một nửa trốn bằng cách ngồi vào những chiếc thùng phi đựng phân mang đi đổ.

Niềm vui thấy đất nước hòa bình

Ngày 12/2/1973, theo tinh thần của Hiệp định Paris, sau gần 4 năm, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại trại giam Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn. Cùng với các chiến sĩ tại Phân khu C - trại giam Phú Quốc, ông Nghiêm được trao trả từ đợt 1.

Hai vợ chồng ông Nghiêm không khỏi bồi hồi khi nhắc kỷ niệm xưa

Sau khi ra tù, ông Nghiêm được đưa về an dưỡng, chăm sóc, điều trị tại thị trấn Móng Cái (nay là TPMóng Cái, Quảng Ninh). Một năm sau đó, ông Nghiêm mới được đoàn tụ cùng gia đình tại quê hương Thanh Hóa.

Ông bảo, được trở về gặp lại vợ, cha mẹ già đã mỏi mòn chờ đợi suốt 8 năm chiến trận, đó là may mắn của cuộc đời ông. Lật giở từng tấm huân chương, huy hiệu, danh hiệu như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang", ông trân quý từng tấm một.

Ông mừng cho chính mình khi còn may mắn để ngồi đây kể lại chuyện cũ, nhưng cũng chạnh lòng và rơi nước mắt khi nghĩ đến các đồng đội đã nằm xuống ở chiến trường không bao giờ có thể trở về, rồi còn những người trở về nhưng thân xác không còn lành lặn.

Chiến tranh qua đi, nhưng di chứng của nó còn dai dẳng đeo bám ông theo từng cơn ho, khó thở, đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Chiến tranh cũng gieo rắc chất độc màu da cam cho ông, để gieo mầm bệnh lên những đứa con, có người đã mất.

Nếu được lựa chọn lại, ông vẫn không hối tiếc vì đã được cống hiến tuổi trẻ, có máu và nước mắt của mình cho tổ quốc, để được nhìn thấy đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất và phát triển như hôm nay.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến