Dòng sự kiện:
Nhà báo Trần Kim Xuyến - liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng
25/07/2022 22:12:08
Nhà báo Trần Kim Xuyến là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng ngã xuống ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, như một tấm gương, một niềm tự hào của báo chí Việt Nam.

Hướng tới Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng nay, đại diện Tạp chí Đời sống & Pháp luật, nhà báo Phan Xuân Hồng, Uỷ viên BBT cùng Liên chi hội báo chí Trung ương trên địa bàn Hà Tĩnh đã tiến hành dâng hương tưởng niệm nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm (thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Đoàn thắp hương tại nhà thờ liệt sĩ, nhà báo Trần Kim Xuyến, thôn Trung Thượng, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, nay là xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến.

Nhà báo Trần Kim Xuyến là liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và Thông tấn xã Việt Nam nói riêng. Trường kỳ của dân tộc, hàng trăm nhà báo đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường, trong đó có nhà báo Trần Kim Xuyến.

Nhà báo Phan Xuân Hồng, Uỷ viên BBT Tạp chí Đời sống & Pháp luật thắp hương tri ân Liệt sĩ, nhà báo Trần Kim Xuyến

Tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với kết quả cao, Trần Kim Xuyến thi vào ngạch thông phán, được bổ nhiệm làm việc ở tòa sứ tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian này, ông vừa bí mật hoạt động cách mạng, vừa công khai hoạt động xã hội. Năm 1943, Trần Kim Xuyến chuyển về Hà Nội hoạt động cách mạng.

Năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Kim Xuyến được tín nhiệm cử giữ chức vụ Ðổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là TTXVN.

Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nhấn mạnh công trạng: “Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dầu chịu sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó, đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Trần Kim Xuyến thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Giải bóng chuyền tranh cúp Trần Kim Xuyến lần thứ 3 được Tạp chí Đời sống và Pháp luật tại miền Trung phối hợp với huyện Hương Sơn tổ chức tại khu thể thao K9 vào tháng 6 vừa qua

70 năm đã trôi qua, đất nước không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển, các thế hệ nhà báo đi sau vẫn luôn nhớ về ông, một cán bộ tuyên truyền có tài, tận tụy, xả thân vì Tổ quốc và đã góp phần quan trọng xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngay từ khi còn "trứng nước".

Tại Thủ đô Hà Nội có một con đường khang trang được mang tên Trần Kim Xuyến và ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi ông sinh ra cũng đã gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến. Con đường có chiều dài hơn 2km, rộng 12m, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu, huyện Hương Sơn nối đường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hàng năm, để tưởng nhớ công lao của ông, cứ vào dịp 21/6, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Câu lạc bộ thể thao K9 ở huyện Hương Sơn do nhà báo Phan Xuân Hồng làm chủ nhiệm luôn sôi nổi diễn ra giải bóng chuyền nữ mở rộng tranh cúp nhà báo, liệt sĩ này. 

Tham gia cùng đoàn có em Phan Xuân Hành (áo đỏ), học sinh Hà Tĩnh đầu tiên đạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa Học Quốc tế năm 2022

Em Phan Xuân Hành, nam sinh vừa đạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa Học Quốc tế năm 2022 chia sẻ: "Là một người con Hương Sơn, em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia cùng đoàn dâng hương tri ân Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Bản thân em tự hứa sẽ cố gắng phấn đầu học tập, rèn luyện hơn nữa để góp phần xây dựng đất nước để xứng đáng với công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc".


Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm (thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Cùng ngày, đoàn đã tiến hành dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm, hiện là nơi an táng của 1.208 hài cốt liệt sĩ. Ngoài những chiến sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây cũng là nơi an nghỉ của hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó Lào là nhiều nhất.

 

Tại buổi lễ dâng hương, đại diện Tạp chí Đời sống & Pháp luật cùng Liên chi hội báo chí Trung ương trên địa bàn Hà Tĩnh xin lòng bày tỏ lòng thành kính biết ơn với những hy sinh cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ, để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc; nguyện giữ gìn và kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, phát huy trí tuệ, tinh thần xung kích, tình nguyện, xây dựng thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước.

Minh Tiến - Quốc Hoàn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến