Tin liên quan
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank, tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN.
Hàng chục người nguyên là lãnh đạo cấp chi nhánh của Ocean Bank trước đây đang phải ra toà. Một phần tình trạng vượt trần lãi suất trước đây (giai đoạn 2011-2012) được dẫn giải cụ thể qua lời khai của các bị cáo, được báo chí tường thuật.
Chẳng hạn, tại ngày làm việc thứ 5 của phiên toà (hôm 3/3/2017), bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn Ocean Bank, khai: “Ngày 7/9/2011, anh Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ocean Bank khi đó - PV) có chỉ đạo bằng văn bản không thực hiện chi ngoài trên toàn hệ thống, các chi nhánh đã phải chứng kiến việc vì không chi lãi ngoài, nên đã rất đau lòng khi xe tiền của ngân hàng khác trực sẵn trước cửa ngân hàng mình để chở tiền của khách hàng rút từ Ocean Bank mang đi”.
Một số liệu liên quan khác được dẫn lại, tại thời điểm Ocean Bank ngừng chi lãi ngoài, khách hàng đã ồ ạt rút tiền khiến nguồn vốn huy động của ngân hàng này sụt giảm rất nhanh, từ 12.000 tỷ đồng tháng 8/2011 xuống còn 5.000 tỷ đồng.
“Thời điểm đó chúng tôi rất căng thẳng vì các ngân hàng khác đều chi ngoài lãi suất. Số dư huy động ngày một giảm, lúc đó anh Thắm đã phải ra quyết định cứu ngân hàng nên đã phải theo chân các ngân hàng khác, chứ Ocean Bank không phải là đơn vị khởi đầu trong việc chi lãi ngoài. Tại thời điểm đó tất cả đều có nhận thức chung là cứu ngân hàng chứ không ai nghĩ là gây thiệt hại”, bị cáo Nguyễn Hoài Nam khai.
Lời khai của người trong cuộc trên nói về một phần của tình trạng vượt trần lãi suất giai đoạn đó, tập trung trong năm 2011 đến nửa đầu 2012. Vậy mức độ chung của vượt trần lãi suất khi đó như thế nào?
Có những dữ liệu riêng lẻ về một số trường hợp cụ thể, qua những vụ việc được Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước phát hiện và xử lý, có thông tin công bố. Hoặc có thể tham khảo thêm một biểu hiện của tình trạng này qua xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cuối năm 2014…
Và có một dữ liệu tổng thể cho thấy tình trạng vượt trần lãi suất giai đoạn đó ở mức độ rộng và lớn, được nêu lên một cách chính thức và chính thống. Đó là thông tin tổng kết từ Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước năm 2011 đã ghi lại rõ mức độ vượt trần lãi suất trong hệ thống, cũng như sự căng thẳng của lãi suất huy động trên các thị trường.
“Cuối tháng 6/2011, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 15,6%/năm so với mức 12,44%/năm thời điểm cuối năm 2010, cao hơn trần lãi suất 14%/năm do một số các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản “lách” quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo trên ghi lại.
Thứ nhất, dữ liệu trên cho thấy mức độ vượt trần lớn, vì 15,6%/năm là mức lãi suất bình quân, tức có những mức lãi suất thực tế vượt trần còn cao hơn nữa.
Thứ hai, dữ liệu trên cũng cho thấy độ rộng của tình trạng vượt trần lãi suất, vì được tổng hợp và thống kê bình quân cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Một phần phản ánh căng thẳng thanh khoản hệ thống và lãi suất giai đoạn đó cũng được ghi lại trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng qua đêm tăng từ mức 11,1%/năm của tháng 12/2010 lên 13,18%/năm và tháng 4/2011, đến quý 2/2012 mức lãi suất bình quân này tiếp tục tăng lên tới 14,5%/năm, để rồi sau đó liên tục giảm nhanh xuống còn 3,54% vào tháng 12/2012.
Nên đọc
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy