CII bán bớt đất Thủ Thiêm trả nợ ngân hàng
26/03/2016 13:39:51
ANTT.VN – 35% quỹ đất Thủ Thiêm chưa được phê duyệt kế hoạch khai thác sẽ được CII chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hồi bớt vốn đầy tư trả nợ khoản vay ngân hàng cho dự án BT Thủ Thiêm, 30% quỹ đất sẽ hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài để phát triển dự án và 35% quỹ đất sẽ do CII tự phát triển.

Tin liên quan

Bán đất Thủ Thiêm trả nợ ngân hàng

Theo chủ trương của Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) về việc khai thác quỹ đất Thủ Thiêm, công ty sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch khai thác đối với các lô đất đã được HĐQT phê duyệt.

Bên cạnh đó, đối với các lô đất chưa được phê duyệt kế hoạch khai thác thì 35% quỹ đất sẽ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hồi bớt vốn đầy tư trả nợ khoản vay ngân hàng cho dự án BT Thủ Thiêm, 30% quỹ đất sẽ hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài để phát triển dự án và 35% quỹ đất sẽ do CII tự phát triển.

CII sẽ bán bớt 35% đất tại Thủ Thiêm để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2015 do CII công bố gần đây, tổng nợ phải trả của công ty lên đến 10.430 tỷ đồng – gấp 4,5 lần tổng vốn góp của chủ sở hữu, chủ yếu là nợ dài hạn.

Công ty hiện đang vay vốn hàng chục ngân hàng khác nhau như Vietinbank, VIDV, Vietcombank, Shinhan Việt Nam, VPBank, Eximbank, TPBank… với tổng dư nợ 710 tỷ đồng ngắn hạn và 5.112 tỷ đồng vay dài hạn.

Ngoài ra, CII cũng ghi nhận 2.175 tỷ đồng trái phiếu phát hành theo mệnh giá để tài trợ cho các dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án BOT cầu Rạch Miễu, BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, đầu tư vào dự án Cầu Sài Gòn 2 hay hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi cổ phiếu cho LGC để bổ sung vốn lưu động.

Nghiêm cấm Ban lãnh đạo bán cổ phiếu CII

HĐQT công ty cũng đã phê duyệt phương án mua lại 40,18 triệu cổ phiếu quỹ còn lại trong tổng số 50 triệu cổ phiếu quỹ đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2015 thông qua.

Giá mua lần này là giá đống cửa bình quân 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ cho UBCKNN nhưng không quá 25.300 đồng/CP. Như vậy, CII dự sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng cho việc mua lại cổ phiếu quỹ lần này.

Để tránh xung đột lợi ích, trong thời gian công ty mua cổ phiếu quỹ, CII nghiêm cấm các thành viên Ban điều hành và người có liên quan đăng ký hoặc bán ra cổ phiếu CII.

Trước đó, hồi giữa năm 2015, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình liên tục đăng ký mua vào – bán ra hàng triệu cổ phiếu CII đặc biệt tháng 6/2015 vị tổng giám đốc này đã gom vào thêm 15 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại CII lên 9,89% vốn điều lệ – trở thành cổ đông lớn của công ty.

Tổng giám đốc Lê Quốc Bình chịu nhiều áp lực khi mua bán hàng triệu cổ phiếu CII

Đến tháng 8/2015, ông Bình lại quyết định bán ra lần lượt 12,5 triệu và 8,5 triệu cổ phiếu CII để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0% – động thái này khiến vị Tổng giám đốc nhận được “rất nhiều sự lên án của cộng đồng nhà đầu tư, sự oán trách của các cổ đông cũng như sự phê phán của bạn bè, đồng nghiệp, đối tác”.

Sau đó, ông Bình cho biết ông đã phải chịu những cảm giác “chán nản, thất vọng, nhục nhã, mệt mõi… có đầy đủ hết” do những áp lực từ cổ đông, ông cho biết: “từ nay trở đi, tôi cam kết không mua, không bán cổ phiếu CII nữa, sợ lắm rồi!”.

Thương vụ thâu tóm NBB lùi về vô hạn

Đối với khoản đầu tư tại Năm Bảy Bảy (NBB), HĐQT CII chấp thuận tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 19,99% trong năm 2016.

Hiện tại, CII đang nắm giữ 14 triệu cổ phiếu NBB – tương ứng 24,06% vốn điều lệ của NBB. Như vậy, để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 19,99%, CII sẽ bán ra gần 2,4 triệu cổ phiếu NBB.

Từ nửa năm nay, cổ phiếu NBB liên tục đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/03/2016, cổ phiếu NBB có giá 17.800 đồng

Cổ phiếu NBB liên tục đi xuống, chốt phiên 25/02/2016 ở mức 17.800 đồng

Theo dự kiến trước đó, CII sẽ đàm phán với NBB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 45% vào cuối năm 2015, đến tháng 6/2016 sẽ sở hữu 51%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, CII mới chỉ nắm giữ 24,92% vốn điều lệ NBB.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết tiến độ đàm phán thương vụ này có khả năng chậm hơn kế hoạch tái cấu trúc của CII đã đề ra.

Một trong những lý do làm chậm tiến trình này là: nhóm cổ đông nhà đầu tư nước ngoài của NBB chưa đồng thuận với những đề xuất M&A do CII đưa ra. Mặc dù, CII đã đưa ra mức giá M&A là 27.200 đồng/cp, tức cao hơn thị trường đến 30%, tuy nhiên nhóm nhà đầu tư của đối tác không đồng thuận.

Cũng theo ý giải của ông Bình, ngoài mức giá trên, CII cũng kèm theo một số điều kiện trong phương án M&A, chẳng hạn như tiền của CII một khi đã đầu tư vào NBB phải được “rót” vào đầu tư các dự án do CII chỉ định. “Chứ nếu họ thu tiền về rồi lại bỏ vô ngân hàng thì quỹ đất mãi vẫn là đất, tiền này phải phát triển tối đa quỹ đất hiện hữu để tạo ra doanh thu, lợi nhuận”, ông Bình nói.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến