Cơ chế cho vay mới: Hộ gia đình không được vay vốn ngân hàng
10/02/2017 16:29:48
ANTT.VN - Từ 15/3/2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành.

Tin liên quan

Ảnh minh họa.

Hai Thông tư này được ban hành tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, NHNN đã bổ sung quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.

Cụ thể, từ ngày 15/3/2017, các đối tượng không phải là pháp nhân  (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.

Cũng theo NHNN, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.

Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay.

Trước đó, nhiều ngân hàng vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

Ngoài ra, về lãi suất cho vay, Thông tư 39 quy định, đối với một số lĩnh vực cụ thể, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Trong khi đó, ở Thông tư số 43 quy định cụ thể khái niệm về cho vay tiêu dùng. Theo đó hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi: hoạt động cho vay bằng đồng Việt Nam; khách hàng vay vốn là cá nhân; mục đích vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó, bao gồm nhu cầu mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở.

Đáng chú ý, theo quy định tại Thông tư 43, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cũng từ ngày 15/3, theo quy định mới tại Thông tư 43, các cá nhân có thể vay vốn tiêu dùng để tài trợ cho mục đích tiêu dùng của gia đình mình.

Diệu Ly

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến