Dòng sự kiện:
Cổ đông mù mờ tương lai ACV
08/07/2019 09:34:47
Là doanh nghiệp đầu ngành với doanh thu và lợi nhuận khủng, nhưng cổ đông của ACV gần như mù tịt về những kế hoạch hệ trọng sắp tới như thoái vốn nhà nước, hay chuyển niêm yết sang HOSE.

 Cứu cánh nhờ Quyết định 2345

Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt lần lượt là 17.770 tỷ đồng (tăng 19%) và 6.028 tỷ đồng (tăng 44%). Đây là kết quả khá bất ngờ bởi lượng hành khách vận chuyển đang có dấu hiệu chững lại và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ.

Theo giải trình của ACV, lợi nhuận 2018 tăng đột biến chủ yếu nhờ chính sách tăng giá dịch vụ theo Quyết định 2345 của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT). Theo đó, một loạt dịch vụ hàng không được tính theo khung giá mới tăng so với trước như: phí cất/hạ cánh máy bay, phí dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, phí dịch vụ phục vụ hành khách. Theo tính toán, với phương án điều chỉnh này, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm.

Có thể nói, Quyết định 2345 đã giúp ACV duy trì được kết quả tích cực và điều này tiếp tục hỗ trợ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2019. Dù tiếp tục đối mặt với những khó khăn như đã nói ở phía trên, nhưng HĐQT của ACV vẫn mạnh dạn đề ra chỉ tiêu kinh doanh 2019 với mức tăng trưởng khá ổn định.

Cụ thể, tăng trưởng hành khách đạt 3,5% so với năm 2018 lên 98,4 triệu lượt, doanh thu đạt 19.127 tỷ đồng (tăng 19%), lợi nhuận sau thuế không tính lãi/lỗ tỷ giá đạt 8.190 tỷ đồng (tăng 7%). Kế hoạch này gần như nằm trong tầm tay nếu nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa được doanh nghiệp này công bố tại ĐHCĐ thường niên 2019 (tổ chức ngày 22-6), với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 4.500 tỷ đồng (tăng 18%).

Chậm nhưng không chắc

Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh hết sức khả quan, nhưng tại ĐHCĐ thường niên vừa qua nhiều cổ đông vẫn hết sức lo lắng về tương lai của ACV. Nguyên nhân do HĐQT của doanh nghiệp này không có câu trả lời rõ ràng đối với 2 vấn đề nóng hiện tại, là bán cổ phần nhà nước và chuyển niêm yết CP từ UPCoM lên HOSE.

Theo ông Lại Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, kế hoạch chuyển sàn của ACV phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại của việc cổ phần hóa, đặc biệt là quyết toán giá trị cổ phần hóa. Để có thể niêm yết trên HOSE, ACV trước hết phải quyết toán được phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đang làm các bước để giải quyết. 

Điều đáng nói là trong khi việc chuyển sàn phụ thuộc vào tiến trình cổ phần hóa, thì kế hoạch thoái vốn nhà nước lại bị vướng ở lộ trình niêm yết. Nguyên nhân là sau khi niêm yết trên HOSE, Bộ GTVT mới có kế hoạch bán 20% cổ phần và thêm 10% trong năm tiếp theo, nhưng vẫn giữ lại phần cổ phần kiểm soát 65%.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc thoái vốn theo kiểu “chậm mà chắc” như vậy sẽ khó thu hút được sự quan tâm của NĐT, thậm chí có khả năng mang lại tác dụng ngược. Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ hơn 2 tỷ cổ phần (tương đương 95,4% vốn điều lệ).

Thực tế, vấn đề nan giải của ACV đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của lãnh đạo doanh nghiệp. Để có thể niêm yết trên HOSE và thực hiện kế hoạch thoái vốn, ACV cần phải giải quyết và đợi chủ trương chính sách của nhà nước liên quan đến các vấn đề. Đầu tiên là cơ chế khu bay liên quan đến việc giao quyền quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng khu vực bay (đường băng, đường lăn).

Trước đây, trong phương án cổ phần hóa, các tài sản này đã được loại trừ khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp. Hiện Bộ GTVT đang trình Chính phủ đề án kết cấu hạ tầng hàng không theo hướng giao cho ACV quản lý và vận hành khu. Ngoài ra, ACV còn phải tháo gỡ được 2 nút thắt gồm: quyết toán phần vốn nhà nước và quyết toán nghĩa vụ thuế sau cổ phần hóa.

Nhiều sai phạm

Ngoài 2 vấn đề trên, cổ đông của ACV vẫn chưa hết bàng hoàng khi Thanh tra Bộ Tài chính công bố những sai phạm trong quá trình hoạt động về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế. Cụ thể, sau khi tiến hành thanh tra tại công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên (CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam và CTCP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn), cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề.

Tại 5 doanh nghiệp này, nợ phải thu tại thời điểm 31-12-2017 là 8.020 tỷ đồng, nhưng kết quả thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu. Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại ACV. Đáng chú ý là công tác cổ phần hóa, thoái vốn, ACV đã làm trái quy định với giá trị lên tới hơn 903 tỷ đồng, cần phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ đồng.

Trong đó, điển hình là việc đưa thiếu giá trị tài sản do ACV đã đầu tư lên tới 297 tỷ đồng đường lăn của Sân bay Đà Nẵng. Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra sai phạm của ACV khi nhận bàn giao 7,63ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất mà không có sự tham gia của UBND TPHCM, là vi phạm quy định của Luật Đất đai.

Nghiêm trọng nhất là việc ACV tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng của các dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa.

 ACV có khoản vay ODA (Nhật Bản) khoảng 70 tỷ JPY cho Nhà ga T2 Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trả nợ trong vòng 40 năm, trong đó ân hạn là 10 năm và bắt đầu trả nợ từ năm thứ 11. Theo kế hoạch 2019, mức dự phòng cho chênh lệch tỷ giá của ACV là 600 tỷ đồng.

Theo Sài Gòn giải phóng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến