Tin liên quan
Sinh năm 1990, Phương Hòa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội rồi vào làm cho một nhà băng ở thủ đô. Song, ước mơ du học để mở mang kiến thức vẫn đau đáu trong cô. Vì thế, một năm sau khi làm công việc theo đúng chuyên ngành, Hòa lên đường sang Mỹ. Trong quãng thời gian này, nhiều bạn bè ở nhà đã nhờ Hòa mua hộ một số món hàng mỹ phẩm, thời trang, và dần dần, cô gái 9x này bén duyên với nghiệp kinh doanh trên mạng và thêm hiểu biết về quản lý bán hàng.
Trở về nước năm 2012, Hòa không xin việc ngay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà chọn rẽ sang làm quản lý một nhãn hàng quần áo. “Công việc tại hãng thời trang giúp mình tích lũy nhiều kinh nghiệm. Muốn kinh doanh thành công, chủ hàng phải nắm được xu hướng của thị trường, cách thức điều chuyển hàng hóa như thế nào cho hợp lý”, cô chia sẻ.
Hòa tâm niệm bánh mỳ tiệm Bamino phải luôn nóng, giòn và có vị riêng.
Mỗi ngày làm việc, Hòa đều coi là một ngày tích lũy kiến thức, và khi có một số vốn kha khá, cô trở về làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và lên kế hoạch mở một cửa tiệm do chính mình làm chủ. Từ số tiền tích cóp được, ban đầu Hòa lên ý tưởng mở một cửa hàng quần áo, song tính toán lại, cô thấy tình hình hiện tại của bản thân chưa thật sự phù hợp với mô hình này bởi rủi ro hàng tồn và chi phí bỏ ra ban đầu khá cao.
“Nếu mình là người sản xuất thì sẽ thuận lợi hơn do giá vốn hàng bán sẽ ít hơn nhiều so với nhập hàng Việt Nam xuất khẩu hay Trung Quốc, còn kinh doanh thì phải nhìn thấy xu hướng và tìm được khách hàng. Mà mình vừa đi làm, vừa kinh doanh sẽ hơi khó khăn để điều hành một cửa hàng quần áo”, Hòa nói.
Nghiên cứu một thời gian, cô quyết định chuyển hướng sang kinh doanh thức ăn nhanh, và bánh mì là lựa chọn. Lấy cảm hứng từ những ngày học ở Mỹ, thường xuyên ghé tiệm bánh mì đắt khách tên Lee Sandwiches do một người Việt ở California mở, Hòa cho hay vốn mở một cửa hàng bánh mì không hề tốn kém mà lại dễ thực hiện vì nguyên liệu đơn giản, sáng bỏ ra bao nhiêu tiền thì tối sẽ thu được về và cân đối tài chính nhanh.
“Ngày xưa học đại học mình cũng thi chương trình khởi nghiệp, cũng viết ý tưởng, cũng được giải nhưng vẫn chỉ lý thuyết trên giấy thôi, nhưng bây giờ tự làm thì phải tính toán kỹ sao cho phù hợp và thực tiễn với mình nhất”, bạn trẻ này tâm sự.
Cùng với hai người bạn, đầu tháng 11, nhóm đã mở một cửa hàng bánh mì trên Hàng Thiếc với tên gọi Bamino (bánh mì nóng). Cả nhóm tính toán cửa hàng mới mở nên lãi sẽ ít, do đó phải “cân đo đong đếm” cho được việc, ví dụ như cửa hàng chủ yếu do nhóm và bạn bè tự thiết kế, trang trí, đến tủ bánh cũng là người thân tự đóng theo tiêu chí đơn giản, tiết kiệm mà tiện lợi.
Khi được hỏi về việc tại sao không theo xu hướng nhận nhượng quyền thương hiệu (franchise) như nhiều tiệm khác, Hòa thú thực nhóm đã từng nghĩ đến, song thôi thúc có một dự án riêng khiến cô quyết tâm mở Bamino, tạo thế chủ động hơn. Ngoài ra, với việc tự làm mọi thứ, nhóm sẽ được trải nghiệm, cảm nhận thực sự công việc tự mở một cửa hàng như thế nào, để về sau có mở rộng hơn hay làm một mô hình khác sẽ nhuần nhuyễn và có kinh nghiệm hơn.
Kinh doanh đồ ăn, theo Hòa điểm quan trọng là phải tạo được công thức, bản sắc riêng cho quán. Với Bamino, ngoài các loại truyền thống, điểm mới trong thực đơn là món bánh mì chay, với nhân là đậu phụ, nấm, sốt và rau. Thường ăn bánh mì, khách hàng sẽ nghĩ đến nhân là thịt, pate, xá xíu, giò chả nhưng Hoà muốn mọi người cảm nhận được vị khác. Ngoài ra, đối tượng khách hàng được quán nhắm đến là khách du lịch nước ngoài, khách vãng lai nên nguyên liệu thực vật cũng sẽ là điểm độc đáo dành cho những cá nhân đã quá quen với bánh mì kẹp toàn thịt và xúc xích. Giá mỗi chiếc bánh của cửa hàng dao động 20.000-25.000 đồng, tương đương khoảng một đôla Mỹ.
Nhưng bên cạnh những thuận lợi từ kinh nghiệm bản thân và được gia đình, đồng nghiệp và bạn bè hỗ trợ, Hòa chia sẻ cũng gặp không ít khó khăn. Nan giải đầu tiên là vấn đề thuê địa điểm phù hợp với chi phí và đối tượng khách của mình. Nhắm đến đối tượng khách Tây, Hòa mất khá nhiều thời gian để tìm nhà tại khu phố cổ vốn đất chật người đông mà tiền thuê lại đắt đỏ. Sau đó là việc phải xắn tay làm mọi thứ, từ tìm mối cung cấp nguyên liệu, thuê nhân viên, đào tạo cho họ quen tay và tự bán hàng để biết khách cần gì và cửa hàng gặp vấn đề gì để khắc phục.
“Những ngày đầu mở quán, không hôm nào mình dậy sau 5h sáng và ngủ trước 24h đêm”, cô nhân viên ngân hàng này tâm sự.
Giai đoạn đầu, quán xác định là thời gian để khách hàng cảm nhận, sau đó sẽ căn cứ góp ý để cải thiện dần sản phẩm, phong cách phục vụ và nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng. Tuy còn nhiều khó khăn phía trước, song Hòa cho rằng quyết tâm chính là động lực để đi tiếp.
“Tôi là người đã làm thì phải cố gắng và quan trọng nhất là phải tin vào bản thân, nếu sợ thì không làm được gì. Do đó, khi thuê được nhà, tôi xác định sẽ làm ngay. Nếu mất thì học được kinh nghiệm, nếu không mất thì có thể phát triển. Mình cũng tính toán được nếu mất thì thiệt hại sẽ là bao nhiêu, có thể chấp nhận được không, do đó rất vững tâm. Cái mất nhiều nhất chính là thời gian và công sức thì khó có thể đo đếm được, nhưng cái được lớn nhất là được thỏa mãn đam mê”, Hòa bộc bạch.
Nên đọc
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy