Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chỉ tính trong vòng 22 ngày (đến 10/3), trên tuyến đường này đã xảy ra 2 vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương.
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc ngày 18/2 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con tử vong.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các đơn vị liên quan phải họp và đưa ra phương án khắc phục những bất cập, không để thêm các vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc này.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát kiểm tra và báo cáo phương án xử lý.
Qua nhiều cuộc họp, khảo sát thực địa, Cục đường bộ Việt Nam thống nhất với chủ đầu tư, tư vấn đưa ra các phương án tổ chức lại giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cụ thể:
Cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 6 trục (tổng tải trọng trên 30 tấn) lưu thông trên tuyến cao tốc.
Xe khách vượt tại đoạn đường cong vạch liền cấm vượt.
Ngay sau khi phương án cấm xe tải, xe khách được đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc này.
Cấm xe tải nặng, xe khách sẽ giảm lưu lượng vào cao tốc
Ủng hộ việc phân luồng này, chuyên gia giao thông cho rằng, cần triển khai sớm trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Chuyên gia đề xuất nên cấm xe tải, xe container đi vào tuyến đường này. Đối với xe khách cần cấm chạy ở những khung giờ đêm nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn.
Đồng quan điểm, anh Lê Mạnh Cường ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết, từ kinh nghiệm bản thân thường xuyên di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn cũng đồng tình với việc cấm xe tải đi vào cao tốc. Bởi thực tế, anh rất hay gặp các xe tải “rùa bò”. Tuyến đường chỉ 2 làn xe, với quãng đường dài, không thể vượt lên rất dễ gây ức chế cho những xe phía sau.
“Tôi ủng hộ đề xuất cấm xe tải nặng, xe khách đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, vì tuyến cao tốc này chỉ 2 làn nên lưu thông không đúng làn đường sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Khó khăn nhất là các xe tải nặng cứ ì ạch “bò” trên đường, để các xe phía sau phải vất vả bám theo. Vượt thì không được vì sẽ vi phạm luật và bị xử lý ngay”, anh Cường nói.
Ô tô tải nặng chạy "rùa bò" khi lên dốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến cả đoàn xe nối dài phía sau.
Cùng đó, Cục Đường bộ Việt Nam - là cơ quan chủ quản cũng đồng tình cấm xe tải trên 6 trục vì sẽ giảm được 20% lưu lượng trên cao tốc. Xe giường nằm liên quan tính mạng nhiều người nên cũng cần hạn chế chạy ban đêm như đề xuất.
Ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã tổ chức gần 10 cuộc họp, ban hành 4 thông báo, kết luận; đồng thời các Khu Quản lý đường bộ 2 cũng đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường này.
"Qua việc đếm và phân loại xe, nếu xác định xe tải lớn và xe giường nằm đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông thì mới tính đến việc cấm các phương tiện này", ông Điệp nói.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã cử cán bộ tham gia rà soát cùng với Cục CSGT (Bộ Công an) tại tuyến đường này, bàn về các giải pháp và triển khai các giải pháp khắc phục những điểm mất an toàn trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Một số giải pháp thực hiện ngay: Thứ nhất, đối với các điểm sơn nét đứt sẽ tiến hành sơn lại thành nét liền, tránh tình trạng vượt nhau trên cao tốc, gây ra đối đầu, do đặc điểm cao tốc này mới có 2 làn xe.
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhìn từ trên xuống.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh bổ sung các biển báo hiệu đường bộ; rà soát bổ sung những điểm hạn chế về tốc độ để cắm thêm biển hạn chế tốc độ ở những điểm còn nằm trong đường cong, còn có nguy hiểm và tầm nhìn khó khăn, hoặc là đèo dốc nguy hiểm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông hơn.
Thứ ba là tiến hành bổ sung một số đèn chiếu sáng tại 4 nút giao ra/vào đường cao tốc. Thứ tư là sẽ bổ sung những vị trí cần thiết phải lắp đặt đinh phản quang, tiêu dẫn hướng để người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết được vấn đề này.
Giảm hiệu quả đầu tư, chỉ nên cấm ở một số đoạn, khung giờ nhất định
Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ các chủ phương tiện, chuyên gia giao thông lại thẳng thắn đánh giá đề xuất cấm xe tải, xe khách lưu thông vào cao tốc là một bước thụt lùi, đi ngược chủ trương phát triển chung.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, xét dưới góc độ an toàn giao thông, việc cấm xe khách, xe tải đi vào tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là cần thiết. Tuy nhiên, xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, nếu phân luồng như thế sẽ không đạt hiệu quả đầu tư.
“Khi chúng ta đã xây dựng tuyến đường cao tốc là nhằm phục vụ vận tải đường dài. Cao tốc là những tuyến đường để vận tải hàng hoá, hành khách lưu thông nhanh hơn, thuận tiện hơn. Nếu chúng ta hạn chế những xe này thì rõ ràng hạn chế hiệu quả đầu tư”, ông Quyền nói.
Ô tô đầu kéo vượt trái quy định trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, trong hoạt động giao thông hai mục tiêu an toàn và hiệu quả kinh tế đều phải giải quyết hài hoà.
Về vấn đề này, ông Quyền cho rằng, nếu chỉ hạn chế ở một số đoạn trên tuyến, trong một vài thời điểm nhất định thì có thể tính đến. Nhưng nếu giảm tốc độ cho toàn tuyến và trong suốt thời gian 24/24h thì không nên.
“Khi đã đầu tư cho tuyến đường tương ứng với cấp đường, quy mô kỹ thuật và tốc độ thì phải cho xe chạy với đúng tốc độ thiết kế mà không thể tuỳ tiện giảm tốc xuống 50- 60km/h (thấp hơn tốc độ thiết kế) sau vài vụ tai nạn giao thông. Chúng ta không duy ý chí nhưng không vì để đảm bảo an toàn là hạ thấp tốc độ cho phép lưu thông. Cấm một số phương tiện đi vào nên cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Quyền nêu ý kiến.
Anh Lê Văn Cường, lái xe chở hàng đường dài cho rằng, thực tế có rất nhiều tài xế xe khách còn chạy nhanh hơn phương tiện xe cá nhân. Nếu chỉ dựa vào yếu tố tốc độ để hạn chế xe khách, xe tải lên cao tốc thì chưa thuyết phục.
“Tuyến cao tốc này theo kế hoạch có thu phí, nếu chỉ thu từ phương tiện cá nhân thì chắc chắn sẽ lỗ, thu không bù vốn đầu tư. Cấm xe tải, xe khách thì sẽ chẳng còn doanh nghiệp nào dám đầu tư BOT vào các tuyến cao tốc. Hơn nữa có một số mặt hàng cần giao ngay, đi trên cao tốc mới đảm bảo thời gian được", anh Cường phân tích.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch. Tuy nhiên, các quy định này chưa có tính đồng bộ, dẫn đến việc một số tuyến đường cao tốc được đầu tư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.
“Việc các tuyến đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Khi xảy ra tai nạn, xe cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường để cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Đầu tư cao tốc sử dụng nguồn kinh phí lớn nhưng hạ tầng không được đầy đủ về lâu dài sẽ lãng phí”, ông Đức nói.
Tác giả: Phi Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy