Có nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp?
21/10/2014 13:51:52
ANTT.VN - Tình trạng làm giàu bất hợp pháp đang diễn ra nghiêm trọng và không được kiểm soát tại Việt Nam do đó, cần thiết phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn bởi chưa đảm bảo tính khả thi.

Tin liên quan

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là một trong những đề xuất quan trọng khi sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999 trong giai đoạn hiện nay. Quy định này nhằm nội luật hóa Công ước quốc tế về chống tham nhũng và góp phần phòng chống các tội phạm tham nhũng và tội phạm rửa tiền trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012 và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định về các biện pháp phòng ngừa nhằm phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Theo đó, tại Mục 4 Chương II Luật PCTN quy định rõ đối tượng phải kê khai tài sản, các loại tài sản phải kê khai, thủ tục kê khai, thủ tục xác minh tài sản kê khai, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó, xử lý người kê khai tài sản không trung thực.

Điều 46 Luật PCTN quy định: "Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 44". Đồng thời, Điều 44 Luật này cũng quy định: "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên" và "Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai".

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cần phải được nghiên cứu kỹ

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng làm giàu bất hợp pháp đang diễn ra nghiêm trọng và không được kiểm soát tại Việt Nam, do đó, cần thiết phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cho rằng, điều kiện nước ta hiện nay, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn bởi chưa đảm bảo tính khả thi.

Theo thông tin từ tổ biên tập, trước mắt, thay vì bổ sung tội làm giàu bất chính vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), ban soạn thảo đề xuất cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng để cân nhắc bổ sung tội vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, tội này nếu bổ sung cũng phải đi kèm với các điều kiện chặt chẽ “trên tinh thần chủ yếu để răn đe, phòng ngừa”. Những trường hợp vi phạm có tính hệ thống, cố tình che giấu hoặc không giải trình rõ về nguồn gốc đối với số lượng tài sản, thu nhập lớn mới nên xử lý. Dự thảo hiện cũng đang thể hiện theo hướng này.

Cũng liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng, tổ biên tập đã đề xuất mở rộng phạm vi tội phạm tham nhũng ra khu vực tư theo tinh thần Công ước chống tham nhũng. Theo đại diện tổ biên tập, trong thực tiễn hiện nay, người thực hiện một số hành vi tương tự như hành vi tham nhũng nhưng trong khu vực tư lại bị xử lý về tội phạm khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Tổ biên tập cũng kiến nghị hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) hiện có hai ý kiến về việc này. Ý kiến thứ nhất cho rằng đối với các tội tham nhũng, bên cạnh việc nghiêm trị người phạm tội thì vấn đề quan trọng hơn là cần phải thu hồi cho được tài sản tham nhũng. Dự thảo đang thể hiện theo hướng bổ sung hình phạt tiền trong cấu thành tội phạm để lựa chọn với hình phạt tù.

Ý kiến khác lại phản đối, cho rằng việc quy định phạt tiền là hình phạt chính để lựa chọn với hình phạt tù có thời hạn khi phạm tội tham nhũng là làm giảm nhẹ chính sách xử lý hình sự đối với nhóm tội phạm này.

Thu Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến