Dịch bệnh được kiểm soát, tạo đà phục hồi kinh tế
Sáng 23/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Phó Thủ tướng cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP), trong đó, thu NSNN tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 1,7% dự toán); kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%); xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỷ USD).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, có 5/12 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58% so với mục tiêu khoảng 6% (đã báo cáo 3 - 3,5%); GDP bình quân đầu người đạt 3.680 USD so với mục tiêu 3.700 USD (đã báo cáo 3.660 - 3.680 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 37,13% so với mục tiêu 45 - 47% (đã báo cáo khoảng 32%); tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 0,52 điểm phần trăm so với mục tiêu giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm (đã báo cáo 0,5 - 1 điểm phần trăm); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8% (đã báo cáo khoảng 4,4 - 4,9%).
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.
Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03% , cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém ...).
Về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới , được quốc tế đánh giá cao. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường; Seagame 31 được tổ chức rất thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong và ngoài nước…
Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Nghiên cứu kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó nếu giá dầu biến động lớn
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, tuy nhiên cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.
Cụ thể: năm 2021, vẫn có 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu; công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế nhất là y tế cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững; phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng; chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.
Về những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, kiểm soát lạm phát năm 2022 còn gặp khó khăn, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.
"Cần đặc biệt chú ý tới nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nghiên cứu kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó nếu giá dầu biến động lớn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, cần làm rõ trách nhiệm", ông Vũ Hồng Thanh đặc biệt lưu ý.
Thu ngân sách 4 tháng tăng 13,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm, 4 tháng đầu năm đạt 1.967 tỷ đồng/30.000 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán.
Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Đặc biệt là hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi trên thị trường cổ phiếu…
"Đề nghị lưu ý vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; việc công khai, minh bạch thông tin; việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ chung", ông Thanh đề nghị./.
Tác giả: Cẩm Tú
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy