Dòng sự kiện:
Cổ phần hoá chậm: Sợ cơ chế hay muốn 'ôm' đất?
17/05/2022 19:01:04
Doanh nghiệp cho rằng các quy định hiện nay đang cản trở quá trình cổ phần hoá, trong đó liên quan nhiều đến đất đai.

Sợ "ông" đất, sợ sai

Tập đoàn Điện lực (EVN) được Thủ tướng phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá (CPH) 3 Tổng công ty phát điện, trong đó có Tổng công ty phát điện 2, Tổng công ty phát điện 3. Đây là hai Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn với tổng giá trị thực tế lần lượt là hơn 26,6 nghìn tỷ đồng và hơn 24,8 nghìn tỷ đồng.

Chậm cổ phần hoá liên quan nhiều đến quá trình doanh nghiệp sắp xếp, xử lý đất đai. Ảnh minh hoạ

Đến nay, Tổng công ty phát điện 3 đã chuyển hoạt động sang hình thức công ty cổ phần từ 9/2018 và Tổng công ty phát điện 2 chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ 7/2021. Hai doanh nghiệp này cũng đã được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và kinh doanh có lãi sau CPH.

Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình CPH các doanh nghiệp trong ngành, tại Hội thảo “Thúc đẩy quá trình CPH doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/5, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN đã nêu một số vướng mắc.

Trong đó, ông Nam nhấn mạnh vấn đề liên quan đến đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình CPH.

“Đưa đất vào gây khó cho doanh nghiệp. Bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác, nó thay đổi liên tục. Vậy xác định giá đất đai là giá của ngày nào?”, ông Nam đặt câu hỏi.

“EVN cũng như các đơn vị khác, lo sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất “ông” đất. Làm gì có thị trường để bán cả khuôn viên nhưng cứ xác định giá mà người dân đang giao dịch, “đánh” giá thật cao thì không có người mua, nếu không đưa vào thì sợ, mà đưa càng cao càng không bán được”, đại diện EVN nói.

Do đó, đại diện EVN kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc giá trị doanh nghiệp khi CPH.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng nêu khó khăn khi định giá: “Ví dụ EVN xác định một tổ máy thì lấy công suất tương đương hay công suất thiết kế? Nếu lấy công suất tương đương thì thế nào là tương đương?”

Cùng với một số khó khăn khác như sự thay đổi liên tục của chính sách CPH dẫn đến doanh nghiệp không theo kịp… khiến đại diện EVN phải thẳng thắn thừa nhận một thực trạng hiện nay trong quá trình CPH các doanh nghiệp nhà nước nói chung hiện nay: “Doanh nghiệp làm rất sợ sai do chính sách không rõ chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai”.

Đề nghị tách đất khỏi cổ phần hoá

“Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính):

Sắp xếp nhà đất có phải nguyên nhân chậm CPH? Không phải! Vấn đề CPH chúng ta đã làm 21 năm tại TP.HCM và 15 năm các tỉnh TP khác. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay tiến độ sắp xếp nhà đất của cơ quan nhất là doanh nghiệp tương đối chậm.''

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, trong quá trình CPH những đơn vị lớn có hành nghìn miếng đất cần sắp xếp xử lý như tại VNPT trước đây hay Agribank hiện nay.

“Có những miếng không thể nào được phê duyệt. Do đó, chúng ta phải xem xét phương án sử dụng đất, phương án phê duyệt như thế nào? Tổng công ty Thép 10 năm rồi chưa quyết toán được lần 2 vì 30 miếng đất, Vinafone cũng vậy chỉ vì mấy miếng đất tại TP.HCM”.

Ông Long kiến nghị nên xem lại quy định về đất đai trong CPH doanh nghiệp nhà nước.

“Đất đai phải đồng bộ chứ không riêng chỉ trong quá trình CPH. Nếu sửa luật đất đai thì phải đồng bộ, phải tách bạch, phải có quy định đừng để anh em sợ mà không dám làm”, ông Long cho hay.

TS Vũ Đình Ánh cũng ủng hộ việc tách đất ra khỏi CPH: “Tôi cảm thấy trước nay chúng ta không bán doanh nghiệp mà bán đất. Nhiều sai phạm liên quan cũng liên quan đến đất”, ông Ánh nói và cho hay để giảm vi phạm mà nhiều người phải vào tù thì phải tách đất đai ra khỏi CPH doanh nghiệp.

Chọn phương án nào là do doanh nghiệp

Thông tin bên lề Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mục đích sử dụng tại doanh nghiệp doanh Nhà nước quyết định trước khi doanh nghiệp CPH.

Nếu doanh nghiệp không dùng thì trả lại cho địa phương. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nghĩa là thay đổi mục đích sử dụng ban đầu ông Tiến cho hay doanh nghiệp phải trả cho địa phương. Việc chọn phương án nào là quyền tự nguyện của doanh nghiệp.

“Tại sao có nhiều doanh nghiệp thực hiện được, xử lý được câu chuyện đất đai vì họ chủ động chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm và khi CPH sẽ yêu cầu công ty cổ phần cam kết trong bản cáo bạch là sau khi chuyển thành công ty cổ phần cũng tiếp tục thuê đất trả tiền hàng năm và dùng đất đó đúng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

Như thế mới đảm bảo nhà đầu tư tham gia CPH sau này sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, chứ không phải mấy năm sau anh không làm ngành nghề chính mà chuyển sang làm bất động sản, mất ý nghĩa của CPH”, ông Đặng Quyết Tiến nêu.

Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh các chính sách để hạn chế các nhà đầu tư vào chỉ nhắm bất động sản sẽ giết chết doanh nghiệp hoặc sau CPH doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh bất động sản.

Ông Tiến cũng cho hay, Nghị quyết trung ương về CPH cũng nêu, nếu doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả thì không cần CPH, chỉ cần sắp xếp lại đất đai, chỗ nào không cần thì trả lại, tránh vấn đề lãng phí.

Còn nếu đã CPH thì phải bán hết chứ không bán nửa vời. Khi không nắm quyền biểu quyết, sau này muốn tăng vốn cũng không tăng được hay muốn thoái vốn cũng không thoái được.

Đối với kiến nghị tách đất đai ra khỏi CPH và xác định giá đúng quy định pháp luật, ông Tiến cho hay đây là hai vấn đề vướng mắc, là điểm nhất cản trở của CPH nên Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện.

“Còn định hướng tách hay không còn phải rà soát kỹ để tránh thất thoát trong CPH, và đảm bảo đất đó phải được quản lý chặt tránh lợi dụng, hay định giá cũng vậy phải tính đúng tính đủ, phù hợp thực tế”, ông Tiến nói.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, để đưa ra quy định cụ thể, cơ chế chính sách rõ ràng thì phải nghe thêm ý kiến nhà đầu tư, công ty tư vấn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Làm gì thì làm cũng phải bám sát theo luật hiện hành, trong đó có Luật Đất đai. Khi chưa sửa quy định thì chúng ta vẫn phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trước mắt giai đoạn phục hồi kinh tế cần có hành động của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tháo gỡ trong khuôn khổ cho phép để CPH, thoái vốn hợp lý, còn sau này phải có định hướng dài hơn”, ông Tiến thông tin.

TS Vũ Đình Ánh: Chỉ cho thuê đất ngắn hạn

Giữa giao đất có thu tiền sử dụng và cho thuê đất, tôi kiến nghị cho thuê đất, và chỉ cho thuê đất thời gian ngắn, không có chuyện thuê 1 lần cho 50-70 năm. Nếu sai phạm thì không cho thuê nữa.

Tôi cực lực phản đối câu chuyện giá thị trường, đất là sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện quản lý, thế lý do gì mà quyền quan trọng là định giá của chúng ta lại để thị trường làm? Chỉ có định giá theo cơ chế thị trường chứ không có cái gọi là giá thị trường.

Đối với đất cho thuê hay giao đất sau khi CPH thì ai quản lý, ai cho thuê, ai chấm dứt, ai có quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, địa phương hay Uỷ ban quản lý vốn nhà nước hay bộ chủ quản? Cần làm rõ trước CPH ai quản, sau CPH ai quản lý để sau đó quyết định một loạt các vấn đề tôi nêu ở trên.


Tác giả: Cao Sơn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến