Cổ phần hóa chè Việt Nam: Không xanh như màu lá
20/10/2014 12:25:23
ANTT.VN - Dù rất muốn hòa nhập vào “đại công trường” tái cơ cấu toàn nền kinh tế mà Chính phủ đang gấp rút thực hiện, thì dự án đưa chè Việt Nam cổ phần hóa vẫn là bài toán khó gỡ với Bộ NN&PTNN và Bộ Tài chính.
Cùng với chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản xuất kinh doanh, Tổng công ty chè Việt Nam cũng đã có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, cải tổ toàn bộ hệ thống.

Trên cơ sở kết quả triển khai từ 2011-2013 và phương hướng kế hoạch giai đoạn 2014-2015, Bộ NN&PTNT có một số kiến nghị cụ thể về xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Nhưng cho đến nay, khi được hỏi về quá trình thực hiện chủ trương, ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó giám đốc Tổng công ty chè Việt Nam cho biết: “Vẫn còn rất chậm do vướng phải khó khăn trong quá trình định giá tài sản và thống nhất phương án của Bộ NN&PTNT với Bộ Tài chính.”

Cổ phần hóa chè Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn

Theo quy định về xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại Nghị định định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 có nhiều điều còn chưa giải quyết được. Giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn được định giá theo giá thị trường và hạch toán tăng (giảm) vốn nhà nước. Nhưng khi xác định giá trị vốn nhà nước để bàn giao cho công ty cổ phần thì giá trị các khoản đầu tư dài hạn nêu trên tăng hoặc giảm vốn nhà nước mà phải hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định không thống nhất như trên làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phản ánh đúng thực chất năng lực điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa, không khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (nếu doanh nghiệp lỗ). Do đó, Bộ đề nghị bổ sung “cơ quan thuế, cơ quan công an” vào “cơ quan có thẩm quyền” để xác nhận các khoản công nợ không có khả năng thu hồi, xác nhận doanh nghiệp không có khả năng trả nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Về xác định vườn chè của các doanh nghiệp đã giao khoán theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 để cổ phần hóa, theo hợp đồng giao khoán, khi người nhận khoán trả hết giá trị vườn chè và giá trị khoán thì vườn chè thuộc về người nhận khoán (thời hạn nhận khoán kéo dài 20-50 năm) nhưng trên sổ kế toán của doanh nghiệp (nông trường) vẫn theo dõi giá trị vườn chè đã khấu hao hết giá trị. Vì vậy, theo quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa vẫn phải đánh giá lại giá trị vườn chè còn lại mức thấp nhất là 20% nguyên giá, làm cho giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng khống nên doanh nghiệp khó chấp nhận được. việc cổ phần hóa vườn chè rất khó thực hiện, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính cần nghiên cứu để có cơ chế phù hợp hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cổ phần hóa.

Khó khăn hơn cả là Tổng công ty đang phải chịu gánh nặng nợ vay vốn ODA theo hợp tác Liên Xô - Ba Lan. Tính đến 31/12/2013, khoản vay và nợ dài hạn lên đến 25,1 tỷ đồng, trong đó, vay ngân hàng phát triển Việt Nam 19 tỷ đồng, nợ dài hạn hợp tác Liên Xô - Ba Lan từ đâu năm 2013 là 3,6 tỷ đã trả hết, còn vốn vay ODA của NHTMCP Ngoại thương còn 151, 75 triệu đồng.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Tổng công ty chè Việt Nam, doanh thu bán sản phẩm và hàng hóa đạt 233 tỷ đồng giảm 7% so với năm 2012, khoản giảm trừ hàng bán bị trả lại 2,5 tỷ, khoản này chủ yếu do chè phân phối đi các cửa hàng, đại lý không bán được. Doanh thu ngày càng giảm chủ yếu do thị trường chè nội tiêu (tự sản xuất, đóng gói, phân phối) hoạt động mạnh, người dân thường mua chè gói với tâm lý “chè đóng gói là chè có kèm phụ gia, không còn nguyên chất”, như vậy, hệ thống bán lẻ chưa chưa có khả quan.

Lợi nhuận năm 2013 đạt 986,75 triệu đồng, giảm 17% so với năm 2013. Bên cạnh tình hình kinh doanh kém hiệu quả, doanh nghiệp còn chịu khoản chi phí trả trước cho vốn vay ODA lên tới 6,817 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá vay vốn là 569 triệu.

Trong quá trình tái cơ cấu tài chính để chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, vấn đề xử lý các khoản nợ đối với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng xử lý dứt điểm để bán nợ cho công ty mua bán nợ.

Như vậy, dù rất muốn hòa nhập vào “đại công trường” tái cơ cấu toàn nền kinh tế mà Chính phủ đang gấp rút thực hiện, thì dự án đưa chè Việt Nam cổ phần hóa vẫn là bài toán khó gỡ với Bộ NN&PTNN. Nếu chủ trương được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng, chắc hắn tình hình kinh doanh nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước khởi sắc đáng kể,  bước đầu là chè, sau là Tổng Lâm nghiệp Việt Nam. Nhưng xem ra, cho đến nay, bất đồng quan điểm giữa các bộ ngành liên quan, người có thẩm quyền vẫn sẽ khiến báo cáo tài chính 2014 của Tổng công ty chè Việt Nam chưa có điểm sáng.

Hoa Liên

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến