Cổ phần hóa nhìn từ đại hội đồng cổ đông
17/08/2016 09:59:43
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bắt đầu từ cả chục năm qua nhưng đến nay tốc độ vẫn rất chậm chạp. Nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của một số cán bộ ở các ngành và doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu DNNN, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Tin liên quan

“Nội chiến” tại đại hội đồng cổ đông

Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (Giditex) vốn là Công ty TNHH một thành viên Dệt may Gia Định thuộc sở hữu nhà nước, phát hành 24% cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để chuyển thành công ty cổ phần vào ngày 18-3-2016. Sau IPO, Nhà nước vẫn nắm giữ 49% vốn của Giditex, phần còn lại là của một số nhà đầu tư tổ chức, cá nhân cán bộ, nhân viên công ty.

Theo điều 45, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, Giditex phải tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần đầu để chuyển thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp (sang hình thức công ty cổ phần). Thế nhưng, mãi đến ngày 16-7-2016, Giditex mới tổ chức họp ĐHĐCĐ lần đầu.

Theo chương trình, ĐHĐCĐ sẽ khai mạc vào 9 giờ sáng, song tới hơn 11 giờ, công việc thẩm tra tư cách cổ đông nhỏ vẫn chưa xong, hai phe người mới và người cũ tranh cãi kịch liệt. Người đại diện của một số cổ đông (một số cổ đông cá nhân ủy quyền cho người khác dự họp bằng văn bản) đã bị ban lãnh đạo cũ, cũng là Ban chỉ đạo cổ phần hóa, từ chối tư cách cổ đông dự họp, không được phát thẻ biểu quyết vì cho rằng việc ủy quyền không hợp pháp do Giditex chưa là công ty cổ phần, chưa có cổ đông, không có cổ phần nào để các cổ đông có thể ủy quyền như vậy. Nguyên nhân sau xa hơn, theo các cổ đông, là ban lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhóm cổ đông mới sẽ có 4/7 người trong hội đồng quản trị.

Cuối cùng, cuộc họp đã diễn ra trong không khí căng thẳng, toàn bộ báo cáo và tờ trình đều bị các cổ đông (chủ yếu là nhóm cổ đông mới) phủ quyết.

Cổ đông dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty cổ phần Dệt may Gia Định hồi giữa tháng 7-2016. Ảnh: HỒNG PHÚC

Trước đó, trao đổi với TBKTSG, đại diện PVI cho biết, sau khi bỏ ra hơn 55 tỉ đồng mua gần 5% cổ phần của Giditex, họ đã hai lần gửi văn bản đề nghị tiếp xúc với Ban lãnh đạo Giditex để tìm hiểu phương án kinh doanh và chiến lược của công ty nhưng đều không nhận được phản hồi. Hai nhà đầu tư cá nhân khác sau khi mua cổ phần phát hành lần đầu cũng đề nghị gặp ban lãnh đạo công ty trao đổi về quá trình chuẩn bị ĐHĐCĐ nhưng đều bị từ chối. Phát biểu khá gay gắt tại ĐHĐCĐ lần thứ nhất, ông Nguyễn Huy Tuấn, đại diện cho nhóm cổ đông lớn nắm giữ 12,8% cổ phần, đã đặt dấu hỏi về thái độ hợp tác của Ban lãnh đạo Giditex đối với các cổ đông, người bây giờ mới là chủ thực sự của doanh nghiệp.

Đây không phải là cuộc họp ĐHĐCĐ gay cấn bậc nhất của DNNN sau IPO. Từng có chuyện ĐHĐCĐ đang diễn ra thì phe người cũ cắt cầu dao điện để không thể tiếp tục cuộc họp hay bỏ phiếu xong thì có người cướp thùng phiếu... chạy mất.

Một nhà đầu tư cá nhân kể, ông  bỏ cả chục tỉ đồng mua cổ phần IPO của một công ty nhà nước cùng ngành ông đang hoạt động nhưng chịu không thấu. Cán bộ quản lý cũ lôi kéo nhân viên tẩy chay, gây khó khăn cho người mới với thông điệp kiểu như “không cho họ cướp công ty vốn xây lên bằng mồ hôi nước mắt của anh chị em”. “Công ty đã bệ rạc lắm rồi. Bao nhiêu năm không có lãi, tư duy quản lý cũ kỹ, sản phẩm không bán được. Tình thế tiến thoái lưỡng nan nên tôi phải mua đứt cả công ty chỉ để nhận cái nhà máy cũ, còn con người không thể thay đổi được nên gần như phải thay hết”, ông kể.

Rầm rộ IPO

Hiện nay đang có rất nhiều công ty như nói ở trên ở các địa phương, là di sản của thói quen quản lý lạc hậu và bỏ bê của các cơ quan nhà nước chủ quản. Chính phủ cũng có ý chí trong việc đẩy bớt các công ty này đi càng sớm càng tốt và hai sàn chứng khoán HOSE và HNX là nơi được giao nhiệm vụ kêu gọi, huy động các công ty IPO, đấu giá cổ phần và tìm nhà đầu tư. HOSE cho biết tính đến 20-7 đã đấu giá cổ phần 37 phiên cho 37 DNNN. HNX thì kết thúc tháng 6 vừa qua đã thực hiện đấu giá cổ phần cho 36 doanh nghiệp, trong đó có 24 DNNN cổ phần hóa.

Dữ liệu từ hai sàn chứng khoán cho thấy khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá và lượt đăng ký tham dự từ các nhà đầu tư càng về sau càng tăng, chứng tỏ sự quan tâm của giới đầu tư với tài sản nhà nước đã có thay đổi lớn. Theo đại diện của HNX, tháng 6 vừa qua, số lượng nhà đầu tư đăng ký đấu giá là nhiều nhất tính từ đầu năm và đặt mua với tổng khối lượng cao, thường xuyên vượt khối lượng chào bán.

Các tháng cuối năm, HNX và HOSE sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu giá cổ phần IPO cho các DNNN, trong đó có các DNNN lớn như Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, đấu giá phát hành thêm cổ phần của Tổng công ty Viglacera, thoái vốn của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, Công ty cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị đường sắt...

Nguyên nhân... vẫn như cũ

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên từng nói tại một hội thảo, điệp khúc của cổ phần hóa là đầu năm tuyên bố năm nay quyết tâm cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp, cuối năm thì giải thích vì sao tiến độ ấy không thành công.

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong báo cáo tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2016 cho biết trong tháng 6 không có đơn vị nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tính từ đầu năm đến ngày 22-6, đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có sáu tổng công ty.

Thực tế trong cả chục năm qua, kế hoạch cổ phần hóa chưa bao giờ thành hiện thực. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm cũng thừa nhận quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua bị chậm, “sang quí 2 tuy đã tích cực hơn song vẫn chưa đạt khi lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương viện đủ lý do để thanh minh cho tiến trình cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu” (theo trang web của Bộ Tài chính).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu DNNN. Hầu hết chưa hiểu đúng ý nghĩa của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt còn tư tưởng lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa. Mặt khác, tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán khiến cho nhu cầu sụt giảm.

Kế hoạch khó khả thi

Theo đề án tái cơ cấu DNNN của Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, đến năm 2020, số DNNN sẽ giảm từ 1.309 xuống còn 17 tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn nhà nước và khoảng 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh.

Đó là một kế hoạch tham vọng so với thực tế đang diễn ra. Bản thân ông Đặng Quyết Tiến cũng không dám quả quyết về tiến độ này. Theo ông Tiến, “đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Các doanh nghiệp này cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị”. Tuy nhiên, thời gian để chuẩn bị thực tế đã kéo dài cả chục năm, không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ?

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến