Cổ phần hóa Vigecam: Khốc liệt cuộc chiến ‘đất vàng’
17/05/2016 11:37:03
ANTT.VN – Kể từ khi bắt đầu chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cách đây hơn 2 thập kỉ, một lượng lớn ‘đất vàng’ đã rơi vào tay tư nhân với cái giá rẻ mạt. Câu chuyện này lại đang tiếp tục diễn ra ở Vigecam.

Tin liên quan

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 723/ QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam).

Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình lựa chọn và đề xuất cổ đông chiến lược của Vigecam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Với việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, ‘cuộc đua’ thâu tóm Vigecam cùng hàng trăm nghìn mét vuông ‘đất vàng’ được dự báo sẽ còn khốc liệt trong thời gian tới.

Kinh doanh ảm đạm, hấp dẫn do đâu?

Thực hiện theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10/2014, Bộ NN&PTNT đã có quyết định cổ phần hóa Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam).

Hoạt động sản xuất chính của Vigecam là sản xuất kinh doanh phân bón và chè, với cơ cấu doanh thu chiếm lần lượt 50% và 30%. Tuy nhiên giá vốn hàng bán quá cao khiến lợi nhuận thu về từ những lĩnh vực này cực kỳ khiêm tốn, thậm chí mảng phân bón còn khiến Vigecam lỗ 3 tỷ đồng trong năm tài chính 2014.

Ngược lại, các ngành nghề kinh doanh ‘tay trái’ như cho thuê kho bãi hay đầu tư xây dựng lại mang tới phần lớn lợi nhuận cho Vigecam, khi chiếm lần lượt 59% và 47,2% cơ cấu lợi nhuận sau thuế năm 2014 của công ty.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu giảm sút trong khi giá vốn tiếp tục ở mức cao ở các lĩnh vực truyền thống như sản xuất phân bón khiến Vigecam lỗ lớn, tới 59,7 tỷ đồng.

Giai đoạn trước đó (2012-2014): lợi nhuận sau thuế của Vigecam cũng èo uột, lần lượt ở mức 10 tỷ đồng, 432 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng.

Như vậy xem chừng cổ phần hóa Vigecam sẽ khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư được. Tuy nhiên thực tế lại xảy ra ngược lại khi dường như đang có một cuộc chiến khốc liệt nổ ra nhằm nắm quyền kiểm soát công ty này.

Cuộc chiến ‘đất vàng’

Vigecam hiện là chủ sở hữu một loạt các khu ‘đất vàng’ trên cả nước. Bao gồm 6 lô đất thuê của Nhà nước tại Hà Nội, Hải phòng, TP. Hồ Chí Minh với tổng diện tích 114.793,94 m2, trong đó đáng chú ý là các thửa đất tại số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2 và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích 536 m2.

Năm 2014, 2 mảnh đất trên đã được đưa ra bán đấu giá tuy nhiên bất thành cùng những ‘lùm xùm’ xung quanh quy trình thực hiện không minh bạch.

Ngoài ra cũng tại Hà Nội, Vigecam còn có quyền sử dụng thửa đất 1.585,4 m2 tại số 16 Ngô Tất Tố và khu đất 23.042 m2 tại phường Trung Liệt cùng tại quận Đống Đa.

Ở TP. Hồ Chí Minh, công ty hiện quản lý thửa đất số 166-168-170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 với diện tích 554,94 m2 . Tại TP. Hải Phòng, Vigecam cũng đang sử dụng mảnh đất 88.880 m2 đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên.

Được biết, tất cả các diện tích đất trên đều là đất doanh nghiệp thuê của nhà nước và trả tiền thuê hàng năm.

Hàng trăm nghìn mét vuông đất tại các thành phố lớn không được ghi nhận vào danh mục 'Giá trị quyền sử dụng đất' của Vigecam.

Trao đổi với ANTT.VN, một luật sư hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đất đai cho biết: về mặt pháp luật, đất thuê trả tiền hàng năm sẽ không phải hạch toán vào danh mục tài sản của công ty, qua đó không làm tăng giá trị tài sản khi bán cổ phần.

‘Cũng như rất nhiều vụ cổ phần hóa khác, tôi tin rằng người ra nhắm vào Vigecam vì những khoản đất trên. Và mặc dù là đất thuê hàng năm, tuy nhiên sau khi thâu tóm thành công, họ thừa sức chuyển đổi mục đích sử dụng của những mảnh đất này, bằng cách lập các dự án xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại…”, vị luật sư nhận định, đề nghị không nêu rõ danh tính với lý do riêng tư.

Sự hấp dẫn của Vigecam càng tăng lên khi theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vigecam sẽ là 220 tỷ đồng. Trong đó 70% cổ phần được chào bán cho cổ đông chiến lược, 28,93% cổ phần được chào bán công khai. Còn lại 1,07% cổ phần được bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.

Nếu phương án này được thông qua, thì nhà đầu tư chiến lược của Vigecam sẽ nắm được quyền chi phối công ty, đồng thời có trong tay hàng trăm nghìn m2 đất vàng với cái giá rẻ mạt.

Đây cũng là điều khiến dư luận búc xúc, bởi nếu tổ chức bán đấu giá công khai, Nhà nước có thể thu về ít nhất hàng nghìn tỉ đồng từ hàng trăm nghìn mét vuông diện tích đất trên, thay vì không thu được đồng nào như hiện nay. Đồng thời, quá trình đấu giá kém minh bạch cũng khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không những khuất tất đằng sau ‘hậu trường’!?

Thiếu minh bạch?

Ngày 5/10/2015, Vigecam công bố thư mời tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu hồ sơ tham gia của các nhà đầu tư phải gửi trước 16 giờ ngày 9/10/2015. Sau đó, một trong số các nhà đầu tư tham gia đã có đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, tố cáo những nhà đầu tư còn lại không đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vigecam.

Ngày 24/11/2015, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vigecam đã ra Thông báo số 9604/TB-BNN-QLDN yêu cầu Vigecam tiếp tục thực hiện việc mời bổ sung nhà đầu tư chiến lược tham gia, trong đó nhấn mạnh đến việc một nhà đầu tư có thể nắm giữ tối đa 70% cổ phần.

Ngày 1/12/2015, Vigecam công bố thư mời bổ sung tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu nộp hồ sơ nhậm nhất vào ngày 4/12/2015.

Đầu tháng 2/2016, Bộ NN & PTNT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ thông qua lựa chọn 2 đơn vị là Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco (mua 45% cổ phần) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mua 25% cổ phần). Tuy nhiên, trước các đơn thư khiếu nại về việc 2 cơ quan này không đủ điều kiện làm cổ đông chiến lược, phương án trên đã bị hủy.

Mới đây nhất, ngày 28/4/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Vigecam. Theo phương án được ký duyệt, Bộ NN&PTNT phải rà soát, báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình tổ chức lựa chọn và đề xuất cổ đông chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Những diễn biến tiếp theo quanh ‘số phận’ của Vigecam cùng hàng trăm mét vuông đất vàng sẽ tiếp tục được ANTT.VN thông tin tới quý bạn đọc.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến