Cổ phần hóa VNSTEEL: Thép đã tôi thế ...á?
08/05/2015 16:32:30
ANTT.VN – Chính thức “khoác” lên mình “chiếc áo” Công ty Cổ phần từ năm 2011, trở thành Tổng công ty 91 đầu tiên được cổ phần hóa thành công, nhưng giờ đây, sau 4 năm chuyển đổi mô hình, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) có vẻ vẫn đang còn loay hoay trong “chiếc ô” Nhà nước. Hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả, Vnsteel đã lỗ lũy kế đến 726 tỷ đồng và theo đó vốn quốc doanh cũng chẳng được bảo toàn…

Tin liên quan

Tổng công ty Thép Việt Nam chính thức "khoác áo" cổ phần hóa từ năm 2011

Năm 2011, Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) chính thức chuyển đổi mô hình từ Tổng công ty Nhà nước sang thành Tổng công ty Cổ phần theo quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 18/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Với quyết định này, Vnsteel chính thức trở thành tổng công ty 91 đầu tiên được cổ phần hóa thành công (trước cổ phần hóa, Vnsteel là một trong 18 doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt được tổ chức và hoạt động theo Quyết định91/QĐ-TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên, sau 4 năm nhìn lại, bước chuyển mình dường như vẫn chẳng thể giúp Thép được “cứng như thép”.

Bình mới, rượu cũ?

Nói là “cổ phần hóa” song quan sát kỹ cơ cấu vốn của Vnsteel tại thời điểm hiện tại có vẻ mọi sự lại chẳng mấy đổi thay.

Vốn đầu tư của chủ sở hữu, trong đó, hầu hết là vốn Nhà nước đã không được bảo toàn sau cổ phần hóa

Theo đó, trong tổng số 678 triệu cổ phần của Tổng công ty (vốn điều lệ 6.780 tỷ đồng) thì Bộ Công thương đã nắm giữ tới 636,844 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 93,93%. Tuy nhiên, do hoạt động của Vnsteel đã triền miên thua lỗ, nên vốn chủ vì thế mà cũng chẳng được bảo toàn.

41,155 triệu cổ phần còn lại (6,07% vốn điều lệ) được phân hóa thành 4 nhóm cổ đông.

Nhóm thứ nhất bao gồm 4 cổ đông là các tổ chức tín dụng và các quỹ, chiếm 4,711% vốn điều lệ (bằng 77,6% tổng số cổ phần mà các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ), trong đó: Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ NHTMCP Công thương Việt Nam – VietinBank Capital (25 triệu cổ phần, bằng 3,687% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Quản lý quỹ Tín Phát (4,950 triệu cổ phần, bằng 0,730% vốn điều lệ ); Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (2 triệu cổ phần, bằng 0,294% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Tài chính Sông Đà (1 triệu cổ phần, bằng 0,147% vốn điều lệ).

Nhóm thứ hai là tổ chức Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam, sở hữu 1 triệu cổ phần, bằng 0,147% vốn điều lệ.

Nhóm thứ ba, chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng cổ đông, là những người lao động công tác tại Tổng công ty và các cá nhân (hoặc tổ chức) nắm giữ lượng cổ phần rất ít, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với vốn điều lệ. Tổng số tỷ lệ nắm giữa của các cổ đông này chiếm chưa đến 1% vốn điều lệ của Tổng công ty.

Nhưng đáng nói ở chỗ, nhóm thứ tư, bao gồm các nhà sản xuất, kinh doanh thép – những cổ đông có khả năng hỗ trợ hiệu quả nhất cho sự tồn tại và phát triển của Vnsteel – lại chỉ chiếm một tỷ trọng cực kỳ hạn chế, khoảng 0,3% vốn điều lệ, trong đó: Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (1 triệu cổ phần, bằng 0,147% vốn điều lệ); Công ty TNHH An Hưng Trường (0,5 triệu cổ phần). Với việc tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông ngành thép thấp đến không đáng kể như vậy, rõ ràng sự hỗ trợ về các mặt hoạt động cũng như công nghệ đối với Vnsteel cũng gần như bị triệt tiêu.

Có thể thấy, trong khi các cổ đông ngoài nhà nước chỉ chi phối một tỷ lệ rất nhỏ, đồng thời lại bị phân tán cao thì sau 4 năm chuyển đổi mô hình, Nhà nước vẫn đang nắm giữ một tỷ lệ gần như tuyệt đối tại Tổng công ty Thép Việt Nam. Như vậy, về mặt hình thức Vnsteel hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, song về mặt bản chất mọi hoạt động của công ty vẫn gần như đơn thuần chịu sự chi phối toàn diện từ “chiếc ô” Nhà nước.

Ai “mặn mà” với Thép?

Đối chiếu các số liệu trên với cơ cấu phát hành lần đầu theo phương án cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (Quyết định số 552/QĐ-TTg): giá trị cổ phần Nhà nước nắm giữ là 6.120 tỷ đồng (chiếm 90% vốn điều lệ); giá trị cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 10.131 tỷ đồng (chiếm 0,151 % vốn điều lệ); giá trị cổ phần bán cho tổ chức công đoàn là 10 tỷ đồng (chiếm 0,149% vốn điều lệ); giá trị cổ phần bán đấu giá công khai là 659,869 tỷ đồng (chiếm 9,7% vốn điều lệ), có thể thấy việc “chuyển mình” cho Vnsteel, ngay từ đầu, kỳ thực đã chẳng “xuôi chèo mát mái”.

Trở lại giữa năm 2011, thời điểm mà Vnsteel thực hiện IPO qua sàn Hà Nội, theo kết quả đấu giá cổ phần được HNX công bố ngày 10/6/2011, trong tổng số đăng ký bán đấu giá gần 66 triệu cổ phần (tức là chưa đến 10% vốn điều lệ) của Thép Việt Nam với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần thì tổng số lượng cổ phần bán được chỉ là hơn 39,15 triệu cổ phần, bằng 59% lượng đăng ký chào bán với giá đấu thành công bình quân đạt 10.101 đồng/cổ phần. Có 311 nhà đầu tư trúng thầu với 18 nhà đầu tư tổ chức và 293 cá nhân.

Rõ ràng, giới đầu tư đã chẳng “mặn mà” với Thép.

Đáng chú ý, trong tổng số 39,15 triệu cổ phần được đấu giá thành công thì riêng VietinBank Capital đã góp tới 25 triệu cổ phần và nên biết rằng VietinBank Capital chính là “người nhà” của VietinbankSC, đơn vị tư vấn cho đợt IPO của Thép Việt Nam.

Trước đó, năm 2009, khi Vietinbank (sở hữu 100% Vietinbank Capital) chính thức “lên sàn” (ngày 16/7/2009) Vnsteel cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư mua cổ phần của Vietinbank và tính đến hiện tại, Thép Việt Nam vẫn đang nắm giữ gần 18 triệu cổ phiếu CTG của Vietinbank (trước đó, Vnsteel cũng đã thoái được một phần khoản đầu tư mua cổ phiếu Vietinbank, thu về 105 tỷ đồng).

Tái cấu trúc: Có nghìn tỷ mới xong…

Theo Đề án “Tái cấu trúc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP giai đoạn 2015 – 2016 và giai đoạn 2016 – 2020” vừa được Đại hội đồng Cổ đông Vnsteel thông qua thì sau hoạt động tái cấu trúc, Công ty mẹ - Tổng công ty sẽ có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, cơ cấu vốn điều lệ đảm bảo Nhà nước không nắm giữ chi phối, đa dạng hóa chủ sở hữu về vốn và giá trị vốn điều lệ đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty được được duy trì và phát triển theo chiến lược phát triển đề ra. Dự kiến mục tiêu về cơ cấu sở hữu Tổng công ty: Quy mô vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, trong đó, Vốn Nhà nước 35%; Vốn của cổ đông chiến lược 35%; Vốn của cổ đông là tổ chức 20%; Các cổ đông khác 10%.

Liên quan đến công tác tái cấu trúc tài chính, Vnsteel đã xác định nhu cầu vốn để tái cấu trúc. Theo đó,

Nhu cầu vốn để tái cấu trúc công ty mẹ: Từ ngày 01/01/2015, hai chi nhánh trực thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty là Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép Tấm Lá Phú Mỹ chính thức được huyển sang công ty TNHH MTV do Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ. Việc tái cấu trúc vốn đầu tư của Công ty mẹ vào hai chi nhánh này được xác định trên cơ sở phân tích, đánh giá năng lực tài chính của Công ty mẹ: Vốn điều lệ tại Công ty Thép Miền Nam được xác định là 700 tỷ đồng, vốn điều lệ tại Công ty Thép Tấm Lá Phú Mỹ là 600 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn để đầu tư vào các công ty con, liên kết: Giai đoạn 2015 – 2016 là 788 tỷ đồng, trong đó, 580 tỷ đồng để Tăng tỷ lệ nắm giữ tại Cty con, liên kết và 208 tỷ đồng nhằm Góp thêm vốn để duy trì tỷ lệ nắm giữ; Giai đoạn 2016 – 2021 là 466 tỷ đồng, trong đó, 226 tỷ đồng để Góp thêm để duy trì tỷ lệ nắm giữ, 140 tỷ đồng nhằm Mua lại để gia tăng tỷ lệ nắm giữ, 100 tỷ đồng để Thành lập công ty mới.

Nhu cầu là như vây, áp lực tái cấu trúc cũng bức thiết là như thế, tuy nhiên, trước tình cảnh “bết bát” của công ty (tính đến 31/12/2014, Vnsteel đã lỗ lũy kế 726 tỷ đồng) chưa rõ ban lãnh đạo Vnsteel sẽ “giải toán” ra sao. Có khi nào tái cấu trúc lại chỉ là… đề án?

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến