Vinaplast: Vốn Nhà nước “trôi” dần, trách nhiệm thuộc về ai?
07/05/2015 21:36:29
ANTT.VN – Xuất phát điểm là một công ty quốc doanh, trực thuộc Bộ Công thương, được hưởng nhiều lợi thế nhưng suốt những năm ròng Vinaplast cứ “chìm dần, chìm dần” và theo Báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2014, CTCP Nhựa Việt Nam đã lỗ lũy kế đến 170 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước cũng theo đó mà bị thất thoát nghiêm trọng…

Ảnh minh họa (internet)

Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (Vinaplast) là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước – Công ty Nhựa Việt Nam theo Quyết định số 2575/QĐ-BCN ngày 26/07/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Nhựa Việt Nam thành Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam và Quyết định số 4824/QĐ-BTC ngày 04/09/2008 của Bộ Công thương về sửa đổi khoản 1, điều 1 Quyết định số 2575/QĐ-BCN.

Ngày 7/2/2013, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của của Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần. Vốn điều lệ đổi lại là 194,289 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ là 65,85% (127,943 tỷ đồng).

Công ty Nhựa Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Trong đó, công ty mẹ sở hữu 100% vốn tại 3 công ty con TNHH một thành viên; sở hữu trên 50% vốn tại 3 công ty con; sở hữu từ 20% đến dưới 50% vốn tại 5 công ty liên doanh, liên kết; sở hữu dưới 20% vốn tại 1 công ty con.

“Tóp teo” vốn chủ, thất thoát tiền Nhà nước

Hậu cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Vinaplast chẳng những không tiến bộ mà ngược lại, ngày càng trở nên sa sút.

Suốt từ năm 2009 đến năm 2012, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ chỉ đạt 1% đến 6%, các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ năm 2010 đến nay đều không hiệu quả. Trong khi đối với các doanh nghiệp ngành nhựa, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt trung bình từ 10% đến 15%, cá biệt có những đơn vị còn từ 30% đến 50%.

Tỷ lệ cổ tức hàng năm của công ty Nhựa Việt Nam là 5%, riêng năm 2011 không chia do lợi nhuận thấp. Năm 2012, cổ tức là 5%, năm 2013, 2014 kết quả sản xuất kinh doanh lỗ nên không chia cổ tức. Liên tiếp nhiều năm, công ty đã không thực hiện được mức chia cổ tức theo nghị quyết đại hội cổ đông đề ra.

Kết quả kinh doanh bết bát, Vinaplast không những không có lợi nhuận để đầu tư phát triển sản xuất, không trích lập được các quỹ mà thậm chí vốn nhà nước cũng như vốn đầu tư ban đầu của công ty cổ phần cũng chẳng được bảo toàn.

Cụ thể, tính đến 31/12/2014, tổng lỗ lũy kế của Vinaplast đã lên tới 170 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng vì thế mà “teo tóp” đi đáng kể, rơi về chỉ còn 25 tỷ đồng, dù rằng Bộ Công thương và các cổ đông khác đã “rót” vào Nhựa tới ngót 200 tỷ.

Kết thúc năm tài chính 2014, Vinaplast tiếp tục báo lỗ 31 tỷ đồng và nếu như đà suy không thể được chặn lại kịp thời, rất có khả năng Nhựa sẽ lại lâm cảnh “âm sâu vốn chủ”.

“Tử huyệt chết người” trong cơ cấu vốn

Không chỉ “bê bết” trong kết quả hoạt động kinh doanh, cơ cấu nguồn vốn của Nhựa Việt Nam cũng đang bộc lộ những “tử huyệt chết người”.

Theo đó, trong khi tổng giá trị Nguồn vốn dài hạn chỉ là 186 tỷ đồng (VCSH: 26 tỷ đồng; Nợ dài hạn: 160 tỷ đồng) thì giá trị Tài sản dài hạn đã lên tới 336 tỷ đồng. Như vậy, giá trị Vốn lưu động ròng ở Vinaplast (VLĐ ròng = Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn) đã bị -150 tỷ đồng; hay có nghĩa non nửa tài sản dài hạn của công ty đã được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn (nợ ngắn hạn) – một điều đại kỵ trong công tác điều hành. Nói rõ hơn, việc dùng tới 150 tỷ đồng vốn ngắn hạn đem đầu tư vào tài sản dài hạn tại Nhựa Việt Nam là cực kỳ mạo hiểm bởi điều này sẽ gây ra những “ẩn họa” khôn lường trong cân đối dòng tiền, đặc biệt là trước hiện thực thua lỗ triền miên của công ty hiện nay.

Nếu Vinaplast không nhanh chóng khắc phục được vấn đề, sự sống còn của doanh nghiệp sẽ thực sự bị đe dọa. Thậm chí tính hoạt động liên tục của Vinaplast cũng đang bị đặt một dấu hỏi rất lớn khi mà Nợ phải trả (551 tỷ đồng) đã gấp đế 22 lần Vốn chủ sở hữu (25 tỷ đồng), mà đặc thù của Nhựa Việt Nam thì lại là một doanh nghiệp sản xuất, vốn luôn yêu cầu một tỷ lệ vốn tự có ở mức cao.

“Sống dở chết dở” với ODA Trung Quốc

Với xuất phát điểm là một công ty quốc doanh, trực thuộc Bộ Công thương nên so sánh với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, Vinaplast nhận được khá nhiều lợi thế, đặc biệt là nguồn vốn vay ODA.

Ngay từ 2006, Công ty Nhựa Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng số 01/2006/HĐTĐ-ODA-TDTW1 với Quỹ hỗ trợ phát triển Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) để vay dài khạn khoản tiền 49.010.105 Nhân dân tệ (CNY) để đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất khuôn mẫu và trục in dự án. Thời hạn vay là 15 năm, trong đó có 05 năm ân hạn từ ngày hiệp định có hiệu lực do Bộ Tài chính thông báo. Khoản vay chịu lãi suất 3,2%/năm tính trên dư nợ cho vay. Khoản vay này sẽ được trả làm nhiều lần bắt đầu từ ngày 10/09/2011 đến ngày 10/03/2021 vào ngày 10/3 và 10/9 hàng năm.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất khuôn mẫu và trục in của Công ty CP Nhựa Việt Nam là Dự án thuộc quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2010 đã được phê duyệt. Dự án được Chính phủ Việt Nam cho phép sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Đơn vị trúng thầu gói thầu số 1 là Tập đoàn Hợp tác kinh tế kỹ thuật đối ngoại Thượng Hải Trung Quốc (SFECO), gói thầu: Mua sắm máy móc thiết bị khuôn mẫu và trục in, giá trị trúng thầu là 49.010.105 nhân dân tệ.

Tháng 9/2006, Công ty CP Nhựa Việt Nam bắt đầu tiếp nhận thiết bị của dự án. Tháng 3/2007, các thiết bị thuộc dự án được lắp đặt xong. Công ty CP Nhựa Việt Nam đã ký các biên bản nghiệm thu máy móc thiết bị ở từng nơi lắp đặt, thanh toán 85% trị giá hợp đồng với SFECO và bắt đầu khai thác tại đơn vị khác nhau tại công ty:

Tại nhà máy của Công ty CP Nhựa Việt Nam và Công ty CP Nhựa Thăng Long tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), trị giá thiết bị là 17 triệu NDT tương đương 35,5 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Bắc Giang, các thiết bị giá trị 8,5 triệu NDT tương đương 17,6 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Vân Đồn, KCN Mỹ Phước 2 huyện Bến Cát (Bình Dương), giá trị thiết bị là 12,5 triệu NDT tương đương 25,6 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Tân Phú (TP.HCM), giá trị thiết bị là 4,3 triệu NDT tương đương 9 tỷ đồng; Tại nhà máy của Công ty CP Nhựa Việt Nam, giá trị thiết bị là 6,8 triệu NDT tương đương 14 tỷ đồng.

Công ty CP Nhựa Việt Nam đã giao hệ thống máy móc thiết bị cho các đơn vị trên bằng phương thức ký hợp đồng cho thuê tài chính với lãi suất 5%/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguốn vốn ưu đãi đã bất ngờ trở thành một “quả đắng” khi mà máy móc thiết bị được Vinaplast mua về từ nguồn vốn ODA Trung Quốc có giá trị cao nhưng hiệu quả khai thác lại thấp. Đồng thời,  chênh lệch tỷ giá ngoại tệ quá lớn dẫn đến khai thác sử dụng máy móc thiết bị và trả nợ do vay vốn ODA là gánh nặng với công ty mẹ và các công ty thuê, làm suy giảm nặng nề kết quả kinh doanh của công ty. Đối với công ty mẹ, tiền cho thuê không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Vậy, câu hỏi đặt ra: Đối với những kết quả kinh doanh bê bết tại Vinaplast, trước thực trạng nguồn vốn Nhà nước bị thất thoát trầm trọng, trách nhiệm thuộc về ai?

Đón đọc kỳ tới…

Ninh Giang – Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến