Dòng sự kiện:
Cổ phiếu bị cắt margin có đáng lo ngại?
15/09/2020 19:18:04
Mùa BCTC bán niên kết thúc, nhiều doanh nghiệp lún sâu trong thua lỗ do tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, do đó càng nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng không đủ điều kiện ký quỹ.

Hàng trăm cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ

Theo thông tin công bố từ Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong thời gian qua đã có nhiều cổ phiếu lớn không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Mới đây nhất, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC đã bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Theo thông báo, FLC bị cắt margin là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm. Cụ thể, nửa đầu năm 2020, FLC ghi lỗ ròng hơn 1.582 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng bị bổ sung vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân BVH bị loại khỏi danh mục cho vay margin là do báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 của BVH được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán. 

Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết tập đoàn đang ghi nhận khoản đầu tư vào công ty liên kết có giá trị ghi sổ là 1.750 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán và ghi nhận phần lỗ từ công ty liên kết này số tiền 3,1 tỷ đồng trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Song, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản đầu tư cũng nhưng phần lợi nhuận thuần của công ty liên kết này cho giai đoạn tài chính bán niên 2020.

Với vấn đề này, Tập đoàn Bảo Việt đã giải trình nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin từ đơn vị.

Ngoài FLC hay BVH, có rất nhiều doanh nghiệp không được ký quỹ tại HoSE sau kỳ kiểm toán bán niên còn bao gồm nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp tên tuổi như HVN (Vietnam Airlines), BVH (Bảo Việt), BHN (Bia Hà Nội), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), VNS (Vinasun).

Nguồn: HoSE 

Lý do chủ yếu khiến các cổ phiếu không được ký quỹ trên HoSE gồm lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ là số âm; báo cáo tài chính không nhận được ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán; chứng khoán thuộc diện kiểm soát, cảnh báo.

Ngoài ra, cổ phiếu của một số doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD như GVR (Tập đoàn Cao su Việt Nam) hay BCM (Becamex) cũng chưa được ký quỹ do thời gian niêm yết trên HoSE chưa đủ 6 tháng.

Còn tại sàn HNX, số cổ phiếu không được ký quỹ lên đến 101 cổ phiếu trong đó có một số mã như PEN, MAC, NST, LAS, HBE, KVC, FID, HHG, PRC, ARM, VLA, THD, L35, LDP, KDM, PPY, VTJ, PVG, MAS, NBC...

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kết quả kinh doanh trong 6 tháng của nhiều doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Sự suy giảm kết quả kinh doanh đến từ 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4; thứ hai, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn chưa gia tăng trở lại sau cách ly và thứ ba là sự kéo dài dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng trên thế giới bị gián đoạn.

Bị cắt margin, cổ phiếu bị ảnh hưởng ra sao?

Bản chất của việc cắt margin là để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như chế tài đối với doanh nghiệp niêm yết vi phạm các quy định của pháp luật. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo nhiều chuyên gia, việc nhiều cổ phiếu bị ngừng giao dịch ký quỹ sẽ ảnh hưởng chung đến thanh khoản của thị trường nói chung trong thời gian tới.

Việc cổ phiếu bị đưa vào diện không được giao dịch ký quỹ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, buộc họ phải bán cổ phiếu để đảm bảo theo đúng quy định của các công ty chứng khoán. Trong ngắn hạn, động thái này sẽ tác động lớn đến giá cổ phiếu.

Hoạt động cắt giảm margin có thể sẽ gây xáo trộn dòng tiền ngắn hạn, tùy thuộc vào trạng thái margin của từng cổ phiếu, khả năng thu xếp tài chính của nhà đầu tư nếu muốn giữ trạng thái danh mục và diễn biến của thị trường chung.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều nhà đầu tư cũng tìm cách giữ các cổ phiếu có vốn hóa lớn, hoặc kỳ vọng tình hình kinh doanh khả quan hơn, cổ phiếu được giao dịch ký quỹ trở lại.

Hàng loạt cổ phiếu bị cắt margin 

Thực tế, sau khi thông tin bị cắt margin được công bố, cổ phiếu FLC giảm 1,28% ngay trong phiên 14/9 về mức 3.080 đồng/cp, tương đương vốn hoá “bay hơi” hơn 28 tỷ đồng tuy vậy vốn hoá giao dịch đột biến lên gần 11 triệu đơn vị/phiên.

Còn tại Bảo Việt, cổ phiếu BVH liền giảm đến 2,03% ngay khi thông tin bị cắt margin về 48.300 đồng/cp từ mức 49.300 đồng/cp, tương đương vốn hoá giảm đến 742 tỷ đồng.

Tuy vậy, có nhiều trường hợp nhà đầu tư không còn lo ngại như trước, mà đánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, lượng hóa các rủi ro để đưa ra quyết định nắm giữ, giảm tỷ trọng hay thoát khỏi vị thế với từng trường hợp cụ thể.

Hơn nữa, do thị trường sớm nhìn nhận bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn do tác động của COVID-19 nên danh sách cắt margin được công bố không gây bất ngờ.

Đơn cử, như tại mã cổ phiếu HVN cho thấy, khi có thông báo của HoSE về việc cắt margin ngày 1/9 thì cả 7 phiên giao dịch sau đó giá cổ phiếu này vẫn dao động trên ngưỡng 26.000 đồng/cp và bật tăng mạnh hơn 4% lên 27.250 đồng/cp kết phiên 14/9.

Các cổ phiếu tốt sẽ sớm quay lại trạng thái được cấp margin sau khi khắc phục được lỗi vi phạm.

Margin trong chứng khoán hay còn gọi là đòn bẩy tài chính. Đây là việc công ty chứng khoán cho bạn vay tiền để mua thêm chứng khoán.

Những cổ phiếu trong danh mục hiện tại của bạn sẽ là tài sản đảm bảo cho khoản vay đó.

Giống như cách bạn vay mua nhà, chỉ với 300 triệu đã sở hữu ngay căn nhà 1 tỷ đồng.

Chứng khoán cũng vậy.

Nếu bạn đang có 100 triệu, bạn có thể vay margin từ công ty chứng khoán thêm 100 triệu để đầu tư vào chứng khoán. 

Có nghĩa là bạn sẽ mua được thêm nhiều cổ phiếu để gia tăng lợi nhuận (đồng thời rủi ro cũng tăng tương ứng).

 Tác giả: Anh Nhi

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến