Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/11
15/11/2022 05:30:28
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB, với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý III/2022, hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB – sàn HOSE) tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mức nền thấp trong quý III/2021 với thu nhập lãi thuần đạt 10.385 tỷ đồng (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,8% so với quý trước đó); lợi nhuận trước thuế đạt 4.514 tỷ đồng (tăng 8,1% so với quý trước, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tổng tăng trưởng dư nợ tối đa cho năm 2022 được cấp cho là 26.2%, cao nhất hệ thống, tuy nhiên theo quan điểm của KBSV, trong 3 tháng cuối năm VPB sẽ thận trọng giải ngân đề cao quản trị rủi ro dựa trên các yếu tố tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô, thị trường trái phiếu, bất động sản cùng với mức lãi suất tăng cao sẽ tăng rủi ro phát sinh nợ xấu.

LDR thị trường 1 của VPB đang khá cao, đạt 116% do trong quý III/2022 tiền huy động khách hàng của VPB giảm 6,2% so với quý trước do ảnh hưởng của cuộc đua tăng lãi suất. Theo quan điểm của KBSV, LDR của VPB sẽ được cải thiện trong quý IV/2022 khi mặt bằng lãi suất huy động của VPB đã tăng lên đáng kể để thu hút khách hàng gửi tiền.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 22.600 đồng/CP, cao hơn 38,7% so với giá tại ngày 11/11/2022.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVD, với giá mục tiêu 19.800 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu quý III/2022 của CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) tăng mạnh đạt 1.242 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ vào sự phục hồi của mảng kinh doanh cốt lõi là mảng khoan đạt doanh thu 813 tỷ đồng (tăng 84%), bù đắp sự sụt giảm của các mảng dịch vụ kĩ thuật và thương mại. Tuy nhiên, chi phí tài chính của PVD tăng mạnh (tăng 103%) do: (1) Chi phí lãi vay tăng mạnh, (2) Lỗ tỷ giá gấp 6 lần so với cùng kỳ. Những yếu tố này kết hợp đã khiến cho lợi nhuận của PVD tiếp tục ghi nhận kết quả âm quý thứ 3 liên tiếp, đạt giảm 52 tỷ đồng so với cùng kỳ đạt 56 tỷ đồng.

Chúng tôi dự báo số giàn khoan trung bình của PVD trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 5,93 giàn và 6,35 giàn nhờ vào các yếu tố tích cực từ ngành cũng như sự đóng góp từ giàn TAD sau 6 năm không có việc. Theo đó, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD cũng sẽ cao hơn, đạt 95% trong năm 2023 so với 90% của năm 2022, theo dự phóng của chúng tôi.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, khu vực Đông Nam Á - thị trường chính của PVD hiện tại sẽ tiếp tục có sự hồi phục trong hoạt động E&P nhờ vào giá dầu ở mức thuận lợi và cao hơn nhiều so với mức giá hoà vốn tại các quốc gia. Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, giá thuê trung bình giàn tự nâng ở khu vực Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ lên mức trên 90.000 USD/ngày. KBSV dự báo giá thuê ngày giàn khoan tự nâng của PVD trong năm 2022 đạt trung bình 63.900 USD/ngày (tăng 13% so với năm ngoái) và năm 2023 đạt trung bình 75.300 USD/ngày (tăng 18% so với năm trước đó).

Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/B với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị mua cho PVD với mức giá mục tiêu là 19.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với upside 44,5% so với giá đóng cửa 13.700 đồng/cổ phiếu ngày 14/11/2022.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, với giá mục tiêu 22.000 đồng/CP 

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.039 tỷ đồng (tăng 4,5% so với quý trước và tăng 36,0% so với cùng kỳ năm trước), thu nhập ngoài lãi đạt 1.946 tỷ đồng (giảm 13,6% so với quý trước và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước). Chi phí dự phòng rủi ro đạt 962 tỷ đồng, giảm mạnh 45,9% so với cùng kỳ. Tương tự quý trước, nhờ cắt giảm chi phí dự phòng mà lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng mạnh 61,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.296 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 18.193 tỷ đồng (tăng 53,1% so với cùng kỳ năm trước).

Lợi suất đầu ra bình quân quý III/022 đạt 8,61%, tăng 0,33 điểm % so với quý trước với đóng góp chính đến cho vay liên ngân hàng (x2.97 so với quý trước). Lãi suất bình quân đầu vào quý 3 tăng chậm hơn, khoảng 0,31 điểm % so với quý trước. Từ đó, NIM quý 3 vẫn tăng nhẹ khoảng 0,02 điểm % so với quý 2, đạt 5,97%

Nhờ room tín dụng được cấp mới mà MBB có thể đẩy mạnh cho vay trong quý 3. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng đạt 426 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với đầu năm; danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ trong quý 3 nhưng vẫn tăng 16%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 542 nghìn tỷ đồng (tăng 6,1% so với thời điểm đầu năm). Huy động từ giấy tờ có giá tăng 52,2% bù đắp cho tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2%.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm về mức 1%, nợ xấu ngân hàng mẹ là 0,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù giảm xuống 207,7% nhưng vẫn thuộc top đầu ngành. Số dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý 3 còn khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 33,3% so với quý trước đó).

Chỉ trong quý 3, MBB đã thu hút được thêm 3 triệu người dùng mới App & Biz mới, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng khách hàng sử dụng ngân hàng số lên 18 triệu người dùng. Số lượng giao dịch trên kênh số vào quý 3 đạt 812 triệu giao dịch, tăng gấp 3,6 lần và chiếm tới 94% các giao dịch tại MBB. Giá trị giao dịch trong quý 3 đạt 7.8 triệu tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu MBB là 22.000 đồng/CP, cao hơn 45% so với giá tại ngày 14/11/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BMP

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 535 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ) vào năm 2023, với giả định giá bán bình quân giảm 10% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ giảm 2% so với cùng kỳ.

Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BMP, và điều chỉnh giá mục tiêu một năm là 58.800 đồng/cổ phiếu (từ 71.500 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá là 12,6% (và ROI là 22%).

Giá cổ phiếu có thể được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ lợi nhuận tăng mạnh trong quý 4/2022 (tăng 56% so với cùng kỳ), nhờ chi phí đầu vào ở mức thấp.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến