Dòng sự kiện:
Vì sao cổ phiếu của loạt đại gia ‘lao dốc không phanh’?
14/11/2022 15:51:24
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng, Công ty CP Tập đoàn Yeah1, Công ty CP Chứng khoán FPT… đã gửi giải trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và UBCKNN về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tục.

Tính đến ngày 14/11, hầu hết những doanh nghiệp này đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE.

Theo đó, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã chứng khoán: TDC) lý giải, giá giao dịch cổ phiếu TDC bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư, cộng thêm những ảnh hưởng gián tiếp bởi chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến lĩnh vực công ty đang kinh doanh. Do đó, việc cổ phiếu TDC giảm sàn 5 phiên liên tiếp là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Phiên giao dịch sáng 14/11, cổ phiếu TDC chứng kiến phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp, thị giá đứng ở mức 7.720 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 70% so với đầu năm.

Công ty CP Tập đoàn Yeah1 nói rằng, việc cổ phiếu giảm giá liên tục là điều không thể tránh khỏi.

Tương tự, ngoài lý do lượng cung cầu của cổ phiếu trên thị trường thay đổi do quyết định của nhà đầu tư, lý giải nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) cho biết, các yếu tố kinh tế vĩ mô kém thuận lợi đang tạo nên xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán hiện nay. Cổ phiếu của công ty cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vì vậy, việc cổ phiếu giảm giá liên tục là điều không thể tránh khỏi.

Sáng 14/11, cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 có phiên giảm sàn thứ 7 liên tục và đang giao dịch quanh mức 7.020 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 300.000 đồng/cổ phiếu và từng có thời điểm gần chạm ngưỡng 350.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu YEG đã giảm liên tục và đến nay đã giảm gần 98% giá trị.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán: DIG), ngoài phần giải trình lý do, còn nêu cả giải pháp khắc phục việc cổ phiếu giảm sàn liên tiếp. Theo DIC Corp, việc giá cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm.

DIC Corp khẳng định, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường. HĐQT và ban điều hành công ty vẫn đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 được thông qua trước đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, thị trường vốn suy giảm và Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng, lãi suất và tỷ giá tiếp tục tăng cao đã dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Corp.

Giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động.

DIC Corp cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Để hạn chế sự suy giảm giá cổ phiếu bất thường, DIC Corp sẽ tiếp tục nỗ lực gia tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.

DIC Corp cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Sau 6 phiên liên tiếp giảm sàn và phải giải trình, phiên 14/11, cổ phiếu DIG tiếp tục giảm sàn, xuống mức 10.850 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 90% so với mức đỉnh hồi đầu năm.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh, một loạt lãnh đạo DIC Corp và người có liên quan cùng cổ đông lớn đã phải đối mặt với làn sóng bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu từ các công ty chứng khoán.

Theo giải trình của Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG), giá cổ phiếu NKG giảm 5 phiên liên tiếp nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Việc mua bán cổ phiếu phụ thuộc vào thị hiếu và tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời, giá mua bán cổ phiếu hiện nay bị tác động trước các điều kiện kinh tế vĩ mô.

Trên thị trường, cổ phiếu NKG vẫn chưa ngừng đà lao dốc khi tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp vào 14/11, xuống mức giá 8.060 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau 6 phiên giao dịch, NKG đã rơi xuống dưới mệnh giá và mất gần 35% giá trị. Nếu so với đỉnh lập hồi cuối tháng 3/2022, thị giá Thép Nam Kim đã mất hơn 80% thị giá.

Một trong những nguyên nhân khiến Thép Nam Kim trượt dài thời gian qua là tình hình kinh doanh ngày càng ảm đạm. Trong quý III/2022, doanh thu của Thép Nam Kim giảm đến 41% so với cùng kỳ, xuống còn 4.424 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, NKG lỗ ròng 419 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi gần 607 tỷ đồng.

Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.

Một trong những nguyên nhân khiến Thép Nam Kim trượt dài thời gian qua là tình hình kinh doanh ngày càng ảm đạm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty CP Chứng khoán FPT (mã chứng khoán: FTS) cho rằng, việc mã chứng khoán FTS giảm sàn nhiều phiên liên tiếp diễn ra trong bối cảnh sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong một tuần gần đây. Công ty CP Chứng khoán FPT khẳng định, tình hình hoạt động của công ty diễn ra bình thường, không có biến động hoặc sự kiện đặc biệt.

Phiên sáng 14/11, Chứng khoán FPT có phiên giảm sàn thứ 6 liên tục và đang giao dịch quanh mức 14.200 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Duy Quang

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến