Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8
17/08/2022 05:42:40
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu và lợi nhuận quý 2 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đạt lần lượt là 37.174 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái), và 4.023 tỷ đồng (giảm 58,7%). Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 1.041.000 tấn (tăng 6%). Chủ yếu tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đến từ hoạt động xuất khẩu. Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh toàn ngành thép đang khá ảm đạm. Tuy nhiên, tiêu thụ các sản phẩm thép khác lại khiêm tốn hơn.

Giá thép xây dựng của Hòa phát có đợt giảm giá liên tiếp 13 lần trong 3 tháng tính từ ngày 10/5/2022 đến ngày 10/08/2022, từ mức khoảng 19 triệu đồng/tấn xuống khoảng 15 triệu đồng/tấn. Giá than cốc, quặng sắt cũng lần lượt giảm 40% và 30% so với đầu tháng 04/2022. Chu kỳ tồn kho nguyên vật liệu giá cao gây áp lực lên biên lợi nhuận của Hòa Phát. Kết quả kinh doanh của HPG có thể tạo đáy trong quý III/2022.

Giải ngân đầu tư công kỳ vọng sẽ được thúc đẩy vào cuối năm với sự đôn đốc của Chính phủ trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng giảm. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi khi cung cấp thép cho loạt dự án đầu tư công trọng điểm như dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam, cầu Mỹ Thuận 2, cải tạo nâng cấp đường bay Tân Sơn Nhất…

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu năm 2022 của HPG đạt 154.174 tỷ đồng (tăng 3% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 20.623 tỷ đồng (giảm 40%). Với kỳ vọng giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ, chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP, upside 19,11%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 37.300 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 2 đạt 8.969 tỷ đồng (tăng 6,9% so với quý trước và tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái), thu nhập ngoài lãi đạt 2.252 tỷ đồng (giảm 4,7% so với quý trước và giảm 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí dự phòng rủi ro đạt 1.374 tỷ đồng, giảm mạnh 43,4% so với cùng kỳ. Nhờ cắt giảm chi phí dự phòng mà lợi nhuận trước thuế quý 2 tăng mạnh 75,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.986 tỷ đồng trong khi tổng thu hoạt động chỉ tăng khoảng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi suất đầu ra bình quân quý II/2022 đạt 7,99%, tăng 19bps so với quý trước với đóng góp chính đến từ cho vay khách hàng (tăng 23bps so với quý trước ). Lãi suất bình quân đầu ra chỉ tăng nhẹ 8bps so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA tăng trở lại trong quý II. Biên lãi thuần NIM từ đó tăng 13bps so với quý trước, đạt 5,74%

Tính đến cuối quý 2 tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 14,7% và 7,9% - tương đương so với cuối quý 1 do ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được giao. Huy động từ tiền gửi vẫn khả quan trong khi ngân hàng cắt giảm huy động từ thị trường liên ngân hàng do lãi suất đang có xu hướng tăng cao. LDR đạt 75,4% - vẫn đảm bảo dư địa tăng cho vay.

Tỷ lệ nợ xấu quý 2 tiếp tục tăng khoảng 20bps so với quý trước lên mức 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù giảm xuống 221,4% nhưng vẫn thuộc top đầu ngành. Số dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý 2 còn khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng (giảm 29,8% so với quý trước).

MBBank sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, và sẽ chốt quyền nhận cổ tức vào ngày 23/8/2022. Ngoài ra ngân hàng sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ cho Viettel, ESOP và chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Việc tăng vốn là cần thiết để đảm bảo CAR khi tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu MBB là 37.300 đồng/CP, cao hơn 36,4% so với giá tại ngày 15/08/2022, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu MSB với giá mục tiêu 23.000 đồng/CP

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.400 đồng).

Nguyên nhân đến từ các yếu tố sau: (1) loại trừ khoản thu nhập từ việc thoái vốn FCCOM ra khỏi dự báo của chúng tôi, (2) giảm P/B mục tiêu xuống 1,3 lần (từ 1,5 lần), để phản ánh dư nợ tương đối cao của ngân hàng đối với các chủ đầu tư bất động sản.

Trong ngắn hạn, chúng tôi giữ quan điểm tích cực đối với MSB với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 (tăng 48% so với cùng kỳ) do mức nền so sánh tương đối thấp của nửa cuối năm 2021, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong nửa cuối năm 2022 và khả năng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, MSB công bố lợi nhuận trước thuế đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ), mặc dù quý 2/2022 chỉ đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Nếu không bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance được ghi nhận một lần trong quý 2 năm 2021, lợi nhuận cốt lõi trong quý 2/2022 tăng 395% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng thu nhập lãi thuần nhảy vọt 39,5% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao (tăng 8,5% so với đầu năm), trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Chất lượng tài sản được cải thiện vượt kỳ vọng của chúng tôi (tỷ lệ nợ xấu giảm 29 điểm cơ bản xuống còn 1,5%), giúp ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tín dụng là 115 tỷ đồng trong quý 2/2022. Tuy nhiên, hoạt động thanh lý tài sản gán xiết nợ có kết quả không khả quan đã phần nào tác động đến lợi nhuận của MSB trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến