Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/5
24/05/2022 05:54:26
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LPB

CTCK Phú Hưng (PHS)

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán LPB – sàn HOSE) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng (tăng 31,9% so với năm ngoái). Tín dụng thị trường 1 tăng 18%, trong khi huy động thị trường 1 tăng 18,5%. Tổng tài sản tăng 16,2% đạt 336 tỷ đồng. NIM năm 2022 đặt mục tiêu đạt 3,6%.

Năm 2022, LPB sẽ phối hợp với IBM để thực hiện dự án Kiến trúc doanh nghiệp số, nhằm hiện đại hóa ngân hàng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Động lực tăng trưởng mảng bán lẻ đến từ lợi thế mạng lưới tại các vùng nông thôn, tập trung vào các khoản cho vay an toàn.

Về bancassurance, LPB đã qua nhiều vòng đàm phán với đối tác, nhiều khả năng sẽ chốt vào tháng 6/2022; hành trình 5 năm hợp tác với Daichi Life là quãng thời gian chuẩn bị cần thiết.

Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận sau thuế Ngân hàng tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.421 tỷ đồng. Tuy nhiên, tín dụng giảm 0,6% so với thời điểm đầu năm. Ban lãnh đạo cho biết mỗi tháng tín dụng bán lẻ tăng 4.000 tỷ đồng nhưng tín dụng quý I/2022 giảm là do ngân hàng giảm dư nợ một số dự án bất động sản lớn. Dù vậy, ban lãnh đạo cũng cho biết điểm tích cực: LPB còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là mảng bán lẻ. NIM vào quý I/2022 cải thiện 32 bps lên 3,89%.

Năm 2022, Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành thêm 621,4 triệu cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ lên 21.249,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ được mở rộng tín dụng và tăng quy mô vốn hoạt động.

Nhờ hệ thống mạng lưới rộng lớn, chủ yếu tại các vùng nông thôn, LPB có thế mạnh phát triển tín dụng bán lẻ tại các vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa, các dự án chuyển đổi số toàn diện mọi hoạt động của LPB sẽ giúp ngân hàng gia tăng thị phần bán lẻ tại nông thôn, xây dựng hệ sinh thái, phát triển tài chính vi mô.

Kết thúc quý I/2022, tín dụng của LPB đi ngang so với cùng kỳ do giảm dư nợ cho vay Bất động sản. Qua đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của LPB sẽ đạt 18,9% so với năm ngoái.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của TCTD quý II được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay – huy động được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03- 0,06 điểm phần trăm trong quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022. Nhờ tỷ lệ nguồn vốn cấp 2 lớn trong cơ cấu huy động vốn, chúng tôi ước tính NIM 2022 của LPB sẽ đi ngang ở mức 3,58%.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 22.200 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: (1) Áp lực từ lạm phát có thể ảnh hưởng tới hoạt động của LPB trong năm nay; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Hợp đồng bancassurance của Dai-chi Life kết thúc vào năm 2021, đặt ra thách thức cho LPB kiếm đối tác để thúc đẩy thu nhập phí vào năm 2022 trở đi.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BID với giá mục tiêu 45.000 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với thu nhập lãi thuần đạt 12.826 tỷ đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 18,4% so với quý trước); tổng thu nhập hoạt động đạt 16.227 tỷ đồng (tăng 6,4% so với quý trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận trước thuế đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng quý I/2022 đạt 4,6% so với thời điểm đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu quý I/2022 không thay đổi so với quý IV/2021, đạt 0,97% (-1bps so với quý trước). Trong kỳ, BID trích lập dự phòng ở mức cao, đạt 7.391 tỷ đồng (tăng 18,5% so với quý trước, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 259,2%, cao thứ 2 hệ thống ngân hàng.

BID đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 51%, trong đó NII tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, NOII tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, thu hồi nợ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, CIR kiểm soát dưới 37%; NPL<1.5%.

KBSV đánh giá đây là kế hoạch khả thi dựa trên (1) Sự hồi phục của nền kinh tế; (2) Dư địa cải thiện CASA; (3) Trích lập dự phòng giảm trong năm 2022.

Đại hội cổ đông thường niên 2022 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ 21% thông qua 2 đợt phát hành bao gồm chi cổ tức 2021 bằng cổ phiếu 12% trong năm 2022 và phát hành ra công chúng hoặc riêng lẻ 9% vốn điều lệ trong năm 2022- 2023.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BID. Giá mục tiêu là 45.000 đồng/CP, cao hơn 30.5% so với giá tại ngày 20/5/2022.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 140.400 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong quý I/2022, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS – sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 26.689 tỷ đồng (tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.495 tỷ đồng (tăng 69,9%). Sản lượng của GAS đi ngang so với cùng kỳ với tổng sản lượng khí khô đạt 1,97 tỷ m3 (tăng 2,2%) và sản lượng LPG đạt 545,3 nghìn tấn (tăng 15,3%).

KBSV dự phóng giá dầu Brent trung bình cho năm 2022 đạt 90 USD/thùng (tăng 27%). Bên cạnh đó với 2 loại hàng hoá dẫn xuất của dầu mỏ thô có tác động tới giá bán của GAS là dầu FO và LPG, chúng tôi cũng lưu ý rằng giá của dầu FO và LPG có độ tương quan chặt chẽ với giá Brent với độ tương quan 5 năm đạt 94,2% với dầu FO. Do đó, đà tăng giá của Brent sẽ tác động tích cực tới FO và LPG, dẫn tới giá bán khí trung bình cao hơn cho GAS.

Với tình hình thiếu than được dự báo sẽ tiếp diễn trong giai đoạn tới, chúng tôi tin rằng EVN sẽ cần gia tăng các nguồn điện khác với khả năng chạy ổn định để bảo đảm tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng và điện khí sẽ là nguồn điện khả thi có thể bù đắp cho nhiệt điện than nhờ việc tự chủ nguồn cung trong nước. GAS với vai trò là nhà cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này trong ngắn hạn.

Dựa trên định giá FCFF và P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GAS. Giá mục tiêu là 140.400 đồng/cổ phiếu với tổng mức sinh lời là 34.7% so với giá tại ngày 19/05/2022.

Khuyến nghị mua cổ phiếu THG với giá mục tiêu 106.600 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2022, CTCP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (mã chứng khoán THG) ghi nhận lợi nhuận đạt 31,5 tỷ đồng (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và doanh thu 351 tỷ đồng (giảm 5%). Trong kỳ, doanh nghiệp cho thuê thêm 1,3 ha Khu công nghiệp Gia Thuận 1 với giá cho thuê 94 USD/m2 và 1 phần dự án Nguyễn Trãi, Nguyễn Trọng Dân.

Dự án Nguyễn Trọng Dân hiện đang mở bán đợt 2 16 căn với giá bán trung bình 4,7 tỷ đồng, Khu công nghiệp Gia Thuận 1 hiện đang xúc tiến đàm phám phần diện tích cho thuê còn lại. Công ty sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng dự án D7 (TMĐT 300 tỷ đồng với diện tích 6,2 ha) và có thể xây dựng từ đầu năm 2023. Hiện công ty cũng đã chuẩn bị hồ sơ để đấu thầu dự án Nguyễn Công Bình kéo dài và dự án Long Uông trong nửa cuối năm 2022.

THG thông qua nghị quyết phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%, và trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% theo đó năm 2021 doanh nghiệp trả cổ tức 50% và dự kiến phát hành thêm 10% với giá 27.000 đồng/CP để tài trợ giải phóng mặt bằng các dự án sắp triển khai.

Chúng tôi hạ dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận đạt 185,6 tỷ đồng (tăng 42,9% so với năm ngoái) và doanh thu 1.740,4 tỷ đồng (tăng 32,5%). Khuyến nghị mua cho cổ phiếu THG với mức giá mục tiêu cho giai đoạn 1 năm là 106.600 đồng/CP, tương ứng mức sinh lời 38,1% so với giá đóng cửa ngày 20/5/2022.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến