Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FRT
CTCK Phú Hưng (PHS)
Trong giai đoạn đầu năm 2022, Ban lãnh đạo CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) cho biết, nguồn cung hàng hóa của Công ty vẫn không bị đứt gãy do xung đột giữa Nga và Ukraine bởi FRT là đối tác lớn với các nhãn hàng vì thế Công ty được hưởng việc ưu tiên nhập hàng và thường ký trước hợp đồng nhập hàng trong vòng 3 tháng.
Đây cũng là nhân tố tích cực giúp FRT ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2022 vượt trội với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt 65% và gấp 5 lần so với năm 2021. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của 2022. Ban lãnh đạo kỳ vọng cho FRT có thể sớm cán mốc kế hoạch của 2022.
Ban lãnh đạo FRT đưa ra kế hoạch kinh doanh 2022 của công ty với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mục tiêu 27.000 tỷ đồng và 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với mức thực hiện năm 2021.
Trong 2022, chúng tôi nâng doanh thu thuần của FRT từ mức 27.977 tỷ đồng lên 29.092 tỷ đồng (tăng 29% so với năm trước) do nhu cầu ngành hàng ICT vượt kỳ vọng trước đó của chúng tôi. Lợi nhuận sau thuế ước tính ở mức 693 tỷ đồng với biên lãi gộp ở mức 15%. Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi đưa mức giá hợp lý cho cổ phiếu FRT 172.600 đồng/cổ phiếu, tăng 7% so với mức giá hiện tại. Từ đó khuyến nghị giữ cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Việc mở rộng chuỗi cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp thấp hơn so với kỳ vọng; (2) Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ; (3) Áp lực trả lãi vay trong ngắn hạn; (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu.
Khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi cổ phiếu REE tại ngưỡng 84
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu chưa vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.
Đường MACD hiện vẫn đang ở dưới đường tín hiệu tuy nhiên chỉ RSI đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA100 và MA200 tuy nhiên vẫn đang ở dưới đường MA20 và MA50.
Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 73.9, chốt lãi tại ngưỡng 84.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 69.0.
Việc nhận xử lý ngân hàng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích cho MBB
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Cho năm 2022, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, đạt 472.600 tỷ đồng phấn đấu đạt 20%. Huy động từ tiền gửi đạt 488 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với năm trước). Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,5%. Tỷ lệ CASA đạt 45% cho năm 2022. Nỗ lực kiểm soát chi phí hoạt động thông qua đẩy mạnh số hóa ngân hàng nhờ đó mục tiêu CIR dưới 32%.
Bên cạnh đó, thu hút 6,3 triệu khách hàng mới trong năm 2022 (tương đương cùng kỳ) nâng tổng số lượng khách hàng lên 13 triệu người. Mục tiêu đến năm 2026 đạt quy mô 20 triệu khách hàng. Từ đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tốt, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với năm trước, đạt 20.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận Ban lãnh đạo hướng tới là 23.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022, MBB sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu giá 18.000 đồng/cp cho Vietttel và 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng thông qua (1) trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tương ứng với 755.664.356 cổ phần; (2) chào bán riêng lẻ 65 triệu cổ phần cho nhà đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2023.
Về cơ cấu cho vay bất động sản (1) Cho vay kinh doanh bất động sản được ngân hàng kiểm soát ở mức 8% ± 2% tổng dư nợ (cuối quý I/2022 là 10%), tỷ lệ nợ xấu của mảng này chỉ khoảng 0,14%; (2) Cho vay cá nhân mua nhà vẫn là chủ yếu và ngân hàng đặt mục tiêu nâng tỷ trọng dư nợ lên 50% tổng cho vay cá nhân.
Dư nợ trái phiếu bất động sản khoảng 5.100 tỷ đồng, tương ứng chiếm 3.98% dư nợ chứng khoán đầu tư. BLĐ cho biết hầu hết các dự án bất động sản đều có chất lượng tốt và hoạt động đầu tư trái phiếu được đánh giá thận trọng.
Ban lãnh đạo chưa tiết lộ danh tính ngân hàng 0 đồng mà MBB sẽ mua lại theo đề án tái cấu trúc của NHNN. Ban lãnh đạo MBB cũng cho biết, trong quá trình xử lý nợ xấu, NHNN sẽ hỗ trợ một phần cho ngân hàng thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi cùng cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn, còn lại đến từ MBB.
Ban lãnh đạo Ngân hàng đưa ra 2 phương án sau khi xử lý xong các khoản nợ tồn đọng (1) sát nhập toàn bộ ngân hàng mục tiêu để tăng quy mô tài sản; (2) bán đi như một khoản đầu tư, MBB cũng có quyền IPO ngân hàng mục tiêu do được coi là sở hữu 100%.
Việc nhận xử lý ngân hàng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng (1) số lượng chi nhánh dự kiến tăng lên 400 từ đó tăng độ phủ và giảm đầu tư tài sản cố định đồng thời phù hợp với chiến lược khai thác mạnh khách hàng mass qua SmartBank; (2) quy mô tăng từ 1.5 – 2 lần từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh; (3) không phải hợp nhất BCTC từ đó duy trì chất lượng tài sản.
Tác giả: N.T
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy