DPM và DCM có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý III
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Trong tháng 9, tổng sản lượng phân bón xuất khẩu đạt 190.000 tấn (tăng 61% so với tháng trước và tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 108 triệu USD (tăng 52% so với tháng trước và tăng 184% so với cùng kỳ năm ngoái). Trung bình, đơn giá xuất khẩu đạt 568 USD/tấn (giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 13,6 triệu đồng/tấn. Đơn giá ure xuất khẩu trên thế giới vào khoảng 360-600 USD/tấn trong tháng 9. Trong 9 tháng 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam nhập khẩu 250.000 tấn phân bón trong tháng 9 (tăng 2% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 101 triệu USD (giảm 11% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái). Trung bình, đơn giá nhập khẩu đạt 404 USD/tấn (giảm 12% so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 9,7 triệu đồng/tấn.
Tại thị trường trong nước, vào đầu tháng 10, ure đang giao dịch tại mức 14.700 - 15.900 đồng/kg, tăng nhẹ so với mức tháng 9 (tầm 14.500 – 15.000 đồng/kg).
Quan sát trên thị trường thế giới, giá phân bón có xu hướng tăng. Trong tháng 9, ure/NPK Biển Đen tăng 9%/17% so với tháng trước đạt 580/620 USD/tấn, trong khi Kali Israel giữ nguyên mức giá tại 535 USD/tấn từ tháng 3/2022. Đơn giá xuất khẩu ure trong tháng 10 vào khoảng 359-590 USD/tấn (tương đương khoảng 8,7 – 14,2 triệu đồng/tấn).
Chúng tôi ước tính giá gas đầu vào trong tháng 9 đạt 235 USD/tấn, giảm khoảng 13% so với tháng 8. Trong quý III/2022, giá gas đầu vào khoảng 260 USD/tấn (giảm 27% so với quý trước nhưng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái). Do đó, những ông lớn sản xuất ure như DPM và DCM có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 3%p đến 5,5%p trong quý III.
Thông thường, quý 4 sẽ là mùa cao điểm tiêu thụ phân bón, do cả nước bước vào niên vụ Đông-Xuân. Chúng tôi kỳ vọng giá ure sẽ tăng mạnh từ tháng 11, khoảng 16.500 đồng/kg, tăng 10% so với mức giá tại tháng 9. Chúng tôi ước tính giá gas đầu vào có thể đạt 227 USD/tấn (giảm 13% so với quý trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái) trong quý IV/2022.
Khuyến nghị trung lập cho TCM với giá mục tiêu là 45.600 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS)
Vốn là một trong số ít doanh nghiệp có chuỗi giá trị Sợi-Đan/ Dệt–Nhuộm–May hoàn thiện, TCM có khả năng cao đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của các hiệp định FTA hơn so với các doanh nghiệp dệt may khác. Cụ thể, TCM đã tự cung cấp được gần 80% sản lượng sợi cotton dùng để sản xuất, 20% còn lại nhập sợi tổng hợp từ bên ngoài. Đồng thời, với yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi khiến cho doanh thu từ mảng vải và may mặc tăng mạnh, lần lượt 29% và 25% so với cùng kỳ.
Tháng 4/2022, nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 2 với tổng công suất là 9 triệu sản phẩm/năm đã bắt đầu đưa vào hoạt động 5/29 chuyền may đầu tiên. Tuy nhiên, do thiếu hụt sản lượng đơn đặt hàng, nên TCM phải cân đối lại nhân công và máy móc, tính đến tháng 9/2022, doanh nghiệp mới đưa vào sản xuất 9/29 chuyền may và dự kiến duy trì tình trạng đến cuối năm. Do đó, ước tính tổng công suất tăng thêm của TCM trong năm 2022 chỉ đạt 11%, thấp hơn kỳ vọng 18% tại giai đoạn quý I/2022.
Công ty vẫn đang tích cực làm việc với các đối tác có kinh nghiệm về bất động sản tại Việt Nam và các cơ quan chức năng để xin giấy phép xây dựng TC1. Dự kiến dự án sẽ khởi công sớm nhất vào cuối năm nay và không muộn hơn quý I năm sau. Theo kế hoạch, dự kiến công ty sẽ đi vay 60-70% trên tổng nguồn vốn để hỗ trợ cho dự án.
Nhìn chung, chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TCM trong năm tiếp theo dựa trên (i) giá bông nguyên liệu đầu vào sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn quý IV/2022 giúp cải thiện biên lợi nhuận, (ii) điều chỉnh kỳ vọng công suất tăng thêm từ nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 2 từ 18% xuống còn 11% trong năm 2022, và (iii) tình hình đơn hàng quý IV kém khả quan. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị trung lập cho TCM với giá mục tiêu 45.600 đồng/CP.
Khuyến nghị trung lập cho STK với giá mục tiêu là 44.600 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS)
Price gap của STK có dấu hiệu giảm nhẹ trong tháng 7/2022, cụ thể price gap giá sợi tái chế giảm 3% so với tháng trước, từ 35.200 đồng xuống 34.150 đồng, tuy nhiên vẫn giữ ở nền giá cao so với đầu năm. Trong khi đó, price gap sợi nguyên sinh vẫn duy trì xu hướng giảm từ đầu năm nay khi giá nguyên liệu đầu vào bị tăng mạnh, STK phải chia bớt một phần chi phí tăng thêm với khách hàng, dẫn đến price gap sợi nguyên sinh trong tháng 7/2022 đạt 13.650 đồng, giảm 7% so với tháng trước và giảm 28% so với đầu năm.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng sợi tái chế giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá bán chỉ tăng 6,6%, dẫn đến tỷ trọng doanh thu sợi tái chế kém tích cực. Dự kiến trong năm 2022, tỷ trọng doanh thu sợi tái chế chỉ đạt xấp xỉ 50%, thấp hơn 4% so với tỷ trọng trong năm 2021.
Tuy nhiên, kỳ vọng trong năm 2023 sẽ cải thiện tốt mảng sợi tái chế với sự đóng góp của nhà máy Thành Công giai đoạn 1. Theo kế hoạch, đến quý III/2023, nhà máy mới sẽ chính thức đi vào hoạt động, tăng thêm 36 ngàn tấn sợi, tương đương 57% công suất hiện tại. Sau khi giai đoạn 1 hoàn thành, STK sẽ tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2.
Rất nhiều nhãn hàng lớn như Adidas, Burberry, Chanel, H&M, IKEA… đều nâng cao tỷ lệ sợi tái chế trong các sản phẩm quần áo và cam kết đến năm 2025 sẽ sản xuất quần áo 100% từ sợi tái chế. Do đó, ước tính thị phần sợi polyeste tái chế sẽ tăng từ 14% trong năm 2019 lên 45% trong năm 2025. Các doanh nghiệp chú trọng đến quy trình sản xuất “xanh” trong nhà máy và sản xuất sợi tái chế như STK được kì vọng sẽ thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn, theo đó nâng được tỷ lệ sợi tái chế trong doanh thu, vốn có biên lợi nhuận cao gần gấp đôi so với nguyên sinh. Chúng tôi cho rằng, đây là động lực tăng trưởng trong dài hạn của lợi nhuận STK trong những năm tới khi tỷ trọng sợi tái chế tiếp tục gia tăng, hướng tới mục tiêu 80-90%.
Tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông và ESOP: Tính đến nay, đợt phát hành riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu phổ thông của STK (tương đương 19,8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành dưới hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu) đang bị chậm hơn so với kế hoạch do các khó khăn về mặt pháp lý. Đồng thời trong quý IV/2022, STK cũng tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu ESOP. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, chúng tôi cho rằng khả năng STK phát hành thêm được cổ phiếu trong năm nay là tương đối thấp.
Nhìn chung, chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của STK trong năm tiếp theo dựa trên (i) tình hình đơn đặt hàng trong quý IV/2022 không khả quan, (ii) tỷ trọng doanh thu sợi tái chế trong năm nay giảm 4% so với năm ngoái, và (iii) động lực dài hạn đến dự án nhà máy Unitex giai đoạn 1 dự kiến vận hành từ 2023. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị trung lập cho STK với giá mục tiêu 44.600 đồng/CP.
Khuyến nghị trung lập cho TNG với giá mục tiêu là 21.400 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS)
Dự tính trong thời gian tới, TNG sẽ tăng thêm 95 chuyền may thuộc quản lý của xưởng Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai. Cụ thể, năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động 27 chuyền may của nhà máy Đồng Hỷ và 16 chuyền may của nhà máy Võ Nhai, tăng thêm khoảng 15% công suất hiện tại.
Theo kế hoạch, một nửa số đất thương phẩm tại CCN Sơn Cẩm 1 (tương đương 25ha) sẽ được sử dụng để di chuyển 02 nhà máy là Việt Đức và Việt Thái. Một nửa còn lại sẽ được chuyển nhượng với giá khoảng 102-105 USD/m2 hoặc cho thuê với giá khoảng 3-3,5 USD/m2/tháng, dự kiến giá thuê này cạnh tranh hơn so với các khu công nghiệp lân cận như VSIP (giá cho thuê đang là 4-4,5 USD/m2/tháng).
Hiện nay, TNG đã ký bản ghi nhớ đặt cọc trước cho khoảng 6 ha. Dự kiến lô đất này sẽ bán đứt cho đối tác và với giá bán ước tính như trên, doanh thu đem về sẽ rơi vào khoảng 138 tỷ đồng với lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng.
Theo như trao đổi với doanh nghiệp, phần lớn doanh thu từ bất động sản ghi nhận trong năm nay sẽ đến từ hợp đồng này.
Giống như phần lớn các doanh nghiệp dệt may khác, khoảng 80% đơn hàng của TNG là FOB. Tuy nhiên doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu để mở rộng chuỗi giá trị sang các đơn hàng ODM, với biên lợi nhuận cao hơn 3-4 lần so với FOB. Hiện nay, TNG đã bắt đầu bán các sản phẩm ODM với thương hiệu quần áo nội địa của TNG nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu, khoảng dưới 1%. Nhưng đây vẫn là dấu hiệu khả quan để TNG có thể mở rộng biên lợi nhuận trong tương lai so với các đơn hàng truyền thống.
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của TNG luôn cao hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành, duy trì trong khoảng 150- 200%, trong đó phần lớn là nợ vay bằng USD. Dưới tác động của tỷ giá USD/VND tăng đột biến trong nửa đầu năm, khiến cho ảnh hưởng từ tỷ giá giảm từ lãi 6 tỷ đồng tại 6 tháng năm 2021 sang lỗ 11 tỷ đồng tại 6 tháng năm 2022. Theo đánh giá vĩ mô, tỷ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên các doanh nghiệp có tỷ lệ có tỷ lệ nợ vay nước ngoài cao như TNG sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động trên thị trường.
Nhìn chung, chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TNG trong năm tiếp theo dựa trên (i) dự kiến tình hình đơn hàng sẽ kém tích cực tại các thị trường xuất khẩu chủ đạo từ quý IV/2022, (ii) ảnh hưởng bất lợi từ các khoản nợ bằng USD, (iii) kỳ vọng vào vào sự hỗ trợ đến từ doanh thu bất động sản. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập cho TNG với giá mục tiêu là 21.400 đồng/CP.
Tác giả: N.T
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy