Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5
05/05/2022 05:54:41
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/5 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu MBB có mức định giá hấp dẫn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã chứng khoán MBB – sàn HOSE) đã công bố Báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.546 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái). Mức tăng trưởng lợi nhuận của MBB chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và NIM mở rộng.

Quý I/2022, tín dụng hợp nhất toàn hàng của MBBank đạt mức 14,8% YTD, là mức cao xấp xỉ ba lần so với mức tăng trưởng ngành là 5% và là mức tăng trưởng mạnh nhất trên toàn hệ thống.

Tỷ lệ nợ xấu của MBBank là 0,99%, tăng 9 bps so với cuối năm 2021 và giảm 30 bps so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 250%, giảm nhẹ so với mức 267% cuối năm 2021.

NIM của MBB đạt mức 5,52%, tăng 40 bps so với quý liền kề và tăng 66 bps so với cùng kỳ và là mức NIM cao nhất kể từ 2018.

ĐHCĐ năm 2022, Ban lãnh đạo MBB đã chia sẻ thông tin về việc nhận một tổ chức tín dụng bắt buộc. Chúng tôi cho rằng, MBB có nhiều lợi thế để thực hiện tái cơ cấu như làm chủ công nghệ từ mạng lõi ngân hàng cho đến ứng dụng, hệ thống sản phẩm cũng như quản trị nhân sự… Với những lợi thế này, nhiều khả năng MBB sẽ tái cơ cấu thành công từ tổ chức tín dụng tiếp nhận bắt buộc.

Cùng với sự điều chỉnh của thị trường chung, mức giá của MBB cũng điều chỉnh và kéo mức P/B trượt giảm xuống còn 1,7 lần. Đây là mức định giá hấp dẫn cho một ngân hàng hàng đầu, cung cấp giải pháp tài chính toàn diện, có chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua và có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới. BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.

Khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi POW tại ngưỡng 16.6

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Đường MACD hiện đang ở dưới đường tín hiệu tuy nhiên có tín hiệu tích cực, chỉ báo RSI đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu nằm dưới MA(20), MA(50) và MA(100) tuy nhiên đang có tín hiệu tích cực.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 14.05, chốt lãi tại ngưỡng 16.6 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 12.5.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HT1

CTCK Phú Hưng (PHS)

Năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1 – sàn HOSE) dự kiến lần lượt là 7,9 nghìn tỷ đồng và 402 tỷ đồng. Kế hoạch này thấp hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi, trong đó, chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần có thể đạt tới 8,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 414 tỷ đồng, tương đương với mức tăng sản lượng 11% và giá bán có thể tăng 12% để bù đắp phần nào mức tăng phi mã của giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than đá, vốn rất cần thiết cho sản xuất xi măng và clinker.

Kể từ năm 2021, Biên lợi nhuận gộp đã giảm đáng kể (từ 17% xuống 12%) trong bối cảnh giá nhiên liệu và than trên toàn thế giới tăng mạnh, và đã lên gấp đôi do thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu phục hồi nhanh chóng cũng như căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu. Năm 2022, chúng tôi hạ thấp hơn nữa Biên lợi nhuận gộp dự kiến xuống 11%.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Hà Tiên 1 đã và đang thống lĩnh miền Nam với 2 nhà máy xi măng tiên tiến cùng với 3 trạm nghiền, tọa lạc tại những khu vực lý tưởng với mạng lưới phân phối đặc biệt lớn, dẫn đầu về số lượng nhà phân phối trên toàn khu vực.

(2) Nhờ có ưu thế về vị trí kinh doanh, HT1 đang hưởng lợi từ giá bán cao hơn 25% so với các đối thủ phía Bắc vì nguồn cung thường xuyên thiếu hụt do hầu hết các mỏ đá vôi đều tập trung ở phía Bắc.

(3) Trong khi mức tiêu thụ xi măng bình quân đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, thì các công trình dân cư và các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai xây dựng với tốc độ cao, vì đây là động lực quan trọng được chính phủ ưu tiên để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong tương lai. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vật liệu xây dựng, đặc biệt là Xi măng, và thắp sáng triển vọng cho HT1 trong giai đoạn sắp tới.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá hợp lý là 24,500 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 32%. Định giá của chúng tôi giả định rằng tốc độ tăng trưởng dòng tiền sau năm 2026 là 0% (g = 0%) do thị trường xi măng trong nước hiện phân mảnh và đang tiến dần đến tình trạng bão hòa mà không có động lực tăng trưởng mới.

Rủi ro: (1) Sự xuất hiện các chủng virus Corona mới có thể kháng vaccine (2) Sự biến động bất lợi về giá của nguyên liệu đầu vào.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến