Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/11
08/11/2022 05:40:31
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 – sàn HOSE) đạt 6.863 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 723,6 tỷ đồng (tăng 75%), hoàn thành lần lượt 85% và 78% con số dự báo của chúng tôi cho năm 2022.

Sự tăng trưởng đột biến về kết quả hoạt động xuất phát từ những điều kiện thuận lợi chưa từng có khi nhiệt điện than đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đầu vào trên toàn quốc và mức giá cao của than trên toàn cầu, do đó, khiến cho nhu cầu về điện khí tăng cao để duy trì sự ổn định cho nguồn điện.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần của công ty sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần có thể đạt 8.745 tỷ đồng (tăng trưởng 8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế có thể tăng nhẹ lên 957 tỷ đồng (tăng trưởng 3%). Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã phục hồi nhanh chóng nhờ mức giá bán cao trong bối cảnh cả nước đang thiếu than cho sản xuất nhiệt điện than.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng được củng cố nhờ chi phí lãi vay ở mức khiêm tốn, do tổng nợ vay giảm đáng kể qua trong các giai đoạn vừa qua (tỷ số Nợ/Vốn chủ sở hữu là gần 14% tại ngày 30/9/2022).

Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng sẽ được ổn định lần lượt ở mức 14% và 11% trong năm tài chính 2022 và 2023.

Điểm nhấn đầu tư: Doanh thu và lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và đà tăng này có thể tiếp tục trong năm 2023, chủ yếu là do việc chuyển sang nhiệt điện khí để bù đắp tình hình than thiếu hụt và giá than tăng cao. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện của công ty năm 2023F sẽ lớn hơn 13.7% so với con số ước tính cho năm 2022F và 36,5% so với năm 2021, trong khi giá bán có thể giảm nhẹ 5% so với 2022F.

Bên cạnh đó, Công ty đang tăng tốc giảm nợ và củng cố hoạt động kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này cho phép công ty đảm bảo lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong tương lai.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 31.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 23%. Trong định giá này, chúng tôi nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3.5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.

Rủi ro: Biến động bất lợi của giá khí tự nhiên; Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 104.100 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Kết thúc quý III/2022, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 30.975 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, tăng 23,8%, hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 74,4% lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với 2021.

Trong đó, mảng công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu (tăng 24,1% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 2.635 tỷ đồng (tăng 25,7%), chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn.

Mảng viễn thông có doanh thu duy trì tăng 17,1% so với 2021, đạt 10.807 tỷ đồng. Biên lợi nhuận đạt 18,8%, tăng nhẹ nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.

Mảng giáo dục tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 47% so với cùng kỳ với doanh thu đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.

Dựa trên phương pháp định giá từng phần và Phương pháp so sánh P/E, chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 104.100 đồng/cổ phần, upsize 40%.

Rủi ro biến động tỷ giá ở các thị trường quốc tế chính của FPT cùng với rủi ro suy thoái sâu hơn dự kiến khiến chi tiêu cho mảng Công nghệ không đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó còn có sự cạnh tranh gay gắt của ngành viễn thông trong nước.

Kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ vẫn neo ở mức cao sẽ giúp PVT hưởng lợi

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2022 với doanh thu đạt 2.330 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 386 tỷ đồng (tăng trưởng 152%). Doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu nhờ mảng vận tải (hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVT) khi ghi nhận 1.807 tỷ đồng (tăng 45%) trong quý III/2022.

Tăng trưởng doanh thu mảng vận tải được thúc đẩy nhờ vào giá cước tàu chở dầu neo cao và sự đóng góp tới từ các tàu đầu tư mới. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của PVT tăng trưởng đột biến chủ yếu tới từ khoản thanh lý tàu chở dầu đã hết khấu hao – PVT Athena khi mang về 205 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2022, PVT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6.609 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái) và 832 tỷ đồng (tăng trưởng 38%), hoàn thành 102%/173% kế hoạch đã đề ra cho 2022F.

Biên lợi nhuận gộp của mảng vận tải tăng 3,5%p, góp phần giúp biên lợi nhuận gộp của toàn công ty tăng trưởng 1%p trong quý III/2022. Trong khi đó, nhờ vào khoản thu nhập khác từ việc thanh lý tàu PVT Athena, biên lợi nhuận ròng tăng mạnh 7,5%p lên 16,6% trong quý III/2022.

Bên cạnh đó, chỉ số chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu giảm 0,1%p xuống 4,4% trong quý III/2022. Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận ròng sẽ quay trở lại lại mức bình thường trong khoảng 9,6 – 11,4% nếu PVT không thanh lý tàu Regan trong quý IV/2022F như kế hoạch đã đề ra trong ĐHCĐ 2022.

Dư nợ bằng USD của PVT ở mức gần 90 triệu USD (chiếm khoảng 60% tổng nợ vay cuối quý III/2022) với phần lớn là các khoản vay dài hạn dựa trên LIBOR kỳ hạn 3-6 tháng cộng biên độ dao động từ 2,5 - 5%. Do đó PVT sẽ dễ chịu rủi ro liên quan đến tỷ giá và lãi suất. Trong quý III/2022, công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 23,7 tỷ đồng (so với khoản lỗ 3,6 tỷ đồng trong quý III/2021), và chi phí lãi vay ghi nhận tăng 80% lên 76,7 tỷ đồng.

Chúng tôi kỳ vọng giá cước tàu chở dầu sẽ vẫn neo ở mức cao trong quý IV/2022F, và điều này sẽ giúp các công ty vận tải dầu khí như PVT được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nhà máy Dung Quất gần đây đã công bố tăng công suất lên 109% sẽ đảm bảo được sản lượng vận chuyển cho PVT trong thị trường nội địa. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu theo năm trong quý IV/2022F sẽ ở mức cao, tuy nhiên tăng trưởng doanh thu theo quý là chưa chắc chắn.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SAB

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi đã tham dự cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB – sàn HOSE) vào ngày 2/11.

Theo đó, SAB ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở cả doanh thu và lợi nhuận, lần lượt đạt 102% và 196% so với cùng kỳ (được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp của năm trước), do nhu cầu bị dồn nén và thị phần tăng lên.

Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ ổn định trong trung hạn, trong khi chi phí nguyên vật liệu cao hơn có thể sẽ ăn mòn biên lợi nhuận gộp khi các hợp đồng phái sinh để phòng ngừa rủi ro hết hạn. Đồng thời, giá mạch nha tiếp tục tăng nhanh.

Để phản ánh những lo ngại của chúng tôi về lợi nhuận trong tương lai, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng dựa trên phương pháp DCF/PER cho cổ phiếu SAB từ 213.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 204.000 đồng/cổ phiếu (tương đương với tiềm năng tăng giá 12%).

Tuy nhiên, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu. Rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị của chúng tôi là việc cạnh tranh khốc liệt hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến