Dòng sự kiện:
Cổ phiếu của công ty nhập vắc-xin COVID tăng giá 15 phiên liên tiếp
28/08/2021 06:18:38
Phiên cuối tuần, VN-Index lội ngược dòng, tăng 12 điểm lên mức 1.313 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu của một công ty nhập vắc-xin COVID-19 duy trì chuỗi 15 phiên tăng giá liên tiếp...

Đóng cửa phiên 27/8  tăng trần 6,98% lên 67.400 đồng/ cổ phiếu.

Sau phiên sáng “ngụp lặn” dưới tham chiếu, VN-Index có dấu hiệu hồi phục trước giờ nghỉ trưa, khi dòng tiền bắt đáy xuất hiện. Sang phiên chiều, nhóm vốn hoá lớn hồi phục tốt: GVR, VIC, VCB dắt dẫn thị trường. GVR tăng mạnh nhất nhóm VN30 – 5,4%, theo sau là POW tăng 4,8% lên 11.900 đồng/ cổ phiếu.

Nhóm bất động sản như KDH, PDR, VIC cũng giao dịch khởi sắc. 21/30 cổ phiếu VN30 tăng giá, tuy nhiên chỉ số đại diện nhóm này chỉ tăng hơn 6 điểm, thấp hơn mức tăng của chỉ số chính. VN-Index đóng cửa tăng 12 điểm lên 1.313 điểm.

Ba trụ cột của thị trường là nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép diễn biến trái chiều. Trong khi cổ phiếu chứng khoán, thép bứt phá, nhóm ngân hàng – chiếm hơn 30% vốn hoá thị trường vẫn là tác nhân “đè” chỉ số. 8/10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, là các cổ phiếu nhà băng: LPB, TCB, HDB, ACBM VIB, MBB, CTG, OCB.

Đáng chú ý trong phiên ngày 27/8, cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex duy trì chuỗi 15 phiên tăng giá trong bối cảnh Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ doanh nghiệp này nhập khẩu vắc-xin Sputnik V về Việt Nam.

Chuỗi tăng giá ấn tượng của VMD

Chuỗi tăng giá ấn tượng của VMD bắt đầu từ ngày 9/8 đến nay, tức 15 phiên liên tiếp. Trong đó, VMD tăng trần 14/15 phiên. Thị giá VMD tăng tới 155,3%, đóng cửa phiên hôm nay ở mức 67.400 đồng/ cổ phiếu. Phiên 19/8 là ngày duy nhất VMD không tăng trần, nhưng thanh khoản lập kỷ lục, trao tay hơn 288 nghìn cổ phiếu trong phiên. 

VMD là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế, được thành lập tháng 11/1984. Đến năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty XNK Y tế TP HCM. Năm 2006, Công ty được cấp giấy chứng đăng ký kinh doanh hoạt động theo mô hình CTCP, tên gọi chính thức là CTCP Y Dược phẩm Vimedimex, vốn điều lệ 25 tỷ đồng (Nhà nước sở hữu 51%). Qua 5 lần tăng vốn, tới tháng 10/2017, vốn điều lệ Vinmedinex đạt hơn 154,4 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của nhà nước cũng giảm từ 51% xuống 19,49%.

6 tháng đầu năm 2021, VMD báo lãi sau thuế gần 19 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Ngày 30/9/2010, hơn 8,1 triệu cổ phiếu VMD lên sàn lần đầu với giá 32.000 đồng/ cổ phiếu. Hiện, cơ cấu cổ đông VMD 75% sở hữu thuộc về cổ đông lớn, gồm CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 (45,34%) và Tổng Công ty Dược Việt Nam – mã DVN (10,23%)... Trong đó, DVN là doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn. Tháng qua, DVN cũng tăng giá hơn 38%. 

Kết phiên cuối tuần, chỉ số 3 sàn đồng loạt tăng. Thanh khoản 3 sàn cải thiện, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 24.690 tỷ đồng. Điểm trừ trong phiên hôm nay vẫn là giao dịch khối ngoại, bán ròng hơn 376 tỷ đồng, tập trung vào VJC, PNJ, HPG, MSN…

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến