Dòng sự kiện:
Cổ phiếu HSV tăng gấp hơn 200% sau 9 phiên nhờ sóng ngành thép
08/05/2021 21:24:20
Liên tục "nhảy" kịch trần từ mức 10.500 đồng lên 33.800 đồng, giá cổ phiếu HSV đã tăng gần 222% chỉ sau 9 phiên từ khi giao dịch trên sàn UPCoM.

Cổ phiếu HSV của CTCP Gang thép Hà Nội bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM vào ngày 27/4 với giá tham chiếu 10.500 đồng. Ngay trong phiên, HSV tăng kịch trần 40% lên 14.700 đồng.

4 phiên sau đó - từ ngày 28/4 đến 6/5 - giá cổ phiếu HSV đều tăng hết biên độ, rồi tạm dừng ở mức 33.800 đồng sau phiên ngày 7/5, cao hơn 221,9% so với giá tham chiếu ngày đầu tiên. Số cổ phiếu HSV được đăng ký giao dịch là 5 triệu, tương ứng với vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng. Vốn hóa của công ty đang đạt mức 147 tỷ đồng.

Thanh khoản giao dịch của cổ phiếu HSV trong các phiên từ ngày 27/4 đến 5/5 khá thấp, chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Riêng phiên 6/5, khối lượng khớp lệnh bùng nổ lên 421.600 cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu thép khác cũng tăng nóng và liên tiếp lập đỉnh mới trong những phiên gần đây như HPG (Tập đoàn Hòa Phát), HSG (Tập đoàn Hoa Sen), NKG (Thép Nam Kim).

Năm 2020, Gang thép Hà Nội đạt doanh thu thuần xấp xỉ 323 tỷ đồng, tăng gần 31% so với năm trước đó. Doanh thu hoàn toàn đến từ hoạt động buôn bán sắt thép phế liệu.

Các khách hàng lớn của Gang thép Hà Nội bao gồm Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), Công ty TNHH 2HC Việt Nam, CTCP Gang Thép Nghi Sơn.

Người đại diện Tập đoàn Hòa Phát xác nhận nhà máy thép Hòa Phát Hưng Yên sản xuất thép bằng công nghệ lò hồ quang điện nên sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu, nguồn chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, mua trong nước phần còn lại. Để cho ra 1 tấn thép thành phẩm cần khoảng 1,1 tấn thép phế.

Mỗi năm, Hòa Phát Hưng Yên sản xuất khoảng 300.000 - 400.000 tấn thép, tương đối nhỏ khi so với hai khu liên hợp công suất hàng triệu tấn của Hòa Phát ở Hải Dương và Dung Quất.

Công nghệ mà các nhà máy sử dụng cũng khác nhau. Hải Dương và Dung Quất không dùng lò điện mà sản xuất thép bằng lò cao, nguyên liệu đầu vào là quặng sắt, than cốc, đá vôi.

Để sản xuất một tấn thép bằng lò cao, người ta cần khoảng 1,6 tấn quặng sắt. Ngoài ra, nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất cũng dùng một lượng nhỏ thép phế liệu để giảm nhiệt độ của nước gang lỏng khi chắt vào lò thổi oxy.

Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15/4/2021, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 1,68 triệu tấn thép phế liệu, trị giá hơn 677 triệu USD, tương ứng mức giá 403 USD/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép phế HMS 1/2 80:20 nhập khẩu CFR cảng Đông Á ở mức 442 USD/tấn vào ngày 6/4 - giảm 18 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3. Giá chào bán thép phế liệu tại các thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, ở Châu Âu và Đông Nam Á có chiều hướng đi ngang.

Trong quý I/2021, Gang thép Hà Nội đạt doanh thu thuần gần 67,7 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế tăng 216% lên xấp xỉ 2 tỷ đồng nhờ kiểm soát tốt giá vốn hàng bán.

Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu 330 tỷ và lãi sau thuế 3,5 tỷ. Sau quý I, công ty đã thực hiện 20,5% mục tiêu doanh thu và gần 57% kế hoạch lợi nhuận.

Tác giả: Nhã Vy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến