Bắt nhịp với sự đà tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu ngành mía đường trong thời gian gần đây, cổ phiếu CBS của Mía đường Cao Bằng đang “dậy sóng” khi tăng trần 7 phiên liên tiếp, giá tăng gần 180% chỉ sau hơn chục phiên giao dịch.
Cụ thể, cổ phiếu này tăng từ mức giá 12.100 đồng/CP (chốt phiên 17/9) đến 34.000 đồng/CP (chốt phiên 29/9). Theo đó, thanh khoản giao dịch tại CBS tuy không cao nhưng cũng có sự tăng đột biến, trung bình 36.614 đơn vị trong mỗi phiên.
Cần nói thêm, khởi đầu “cơn sóng” tăng giá của cổ phiếu này diễn ra khi Chủ tịch HĐQT Nông Văn Thuyết công bố trở thành cổ đông lớn từ đầu tháng 8 và tiếp tục đăng ký mua thêm 20.000 cổ phiếu CBS trong tháng 9. Tuy nhiên giao dịch này không thành công do không thoả mãn được yêu cầu về giá cả.
Bên cạnh đó, Mía đường Cao Bằng cũng thông báo chốt danh sách cổ đông vào 28/9 để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.
Có thể thấy, ngành mía đường đã trải qua nhiều năm bị ảnh hưởng do cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan, Mía đường Cao Bằng cũng không nằm ngoài khó khăn chung đó.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của CBS không ổn định, lên xuống khá thất thường. Theo đó, nhiều năm ghi nhận lỗ hàng chục tỷ, song lãi ghi nhận rất thấp.
Tuy nhiên, xét trong 1 năm trở lại đây, Mía đường Cao Bằng đang có đà tăng trưởng mạnh, đây có lẽ cũng là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Theo đó, diễn biến giá cổ phiếu CBS bứt phá trong bối cảnh công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh tích cực trong Báo cáo tài chính kiểm toán giai đoạn từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021, niên độ tài chính 2020-2021.
Cụ thể, tổng doanh thu thuần của Mía đường Cao Bằng đạt 243 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, mảng bán sản phẩm vẫn là mảng chủ lực khi mang về nguồn thu lên đến 232 tỷ đồng, còn lại là doanh thu đến từ bán hàng hoá với 10 tỷ đồng.
Tuy doanh thu giảm nhẹ, nhưng Công ty tiết giảm được chi phí giá vốn xuống còn 180 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ghi nhận tăng trưởng ấn tượng đạt 63 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh từ 7,4% lên gần 26%.
Lợi nhuận gộp tăng mạnh cùng việc tiết giảm tối đa hàng loạt chi phí, như chi phí hoạt động tài chính giảm 41%, chi phí bán hàng giảm 19%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 2% giúp doanh nghiệp này báo lãi sau thuế kỷ lục đạt 56 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 8 lần so với khoản lãi vỏn vẹn 7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 1.254 đồng lên 16.002 đồng.
Sau nhiều năm thua lỗ nặng nề, đây là năm đầu tiên CBS ghi nhận lợi nhuận ròng hai chữ số và cũng là năm lãi lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của CBS đạt gần 166 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh gấp 4 lần so với cùng kỳ, đạt 63 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp mía đường này đang được hưởng “vị ngọt” từ thuận lợi do ngành kinh doanh mang lại, trong bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh khác đang nếm “trái đắng” do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hưởng lợi nhờ giá đường tăng
Bên cạnh tình hình kinh doanh khả quan, yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho đà tăng trưởng của cổ phiếu mía đường được cho là đến từ khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64% công bố trước đó.
Theo đó, giá đường đang ngày càng cao trên thế giới và đường Việt Nam đang dần được giải cứu trước tình trạng nhập lậu từ Thái Lan.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và QNS, giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý II.
Giá đường tăng mạnh. Nguồn: SSI Research.
Đánh giá về triển vọng nhóm mía đường trong thời gian tới, theo SSI Research, giá đường có thể tăng đến năm 2022.
Bên cạnh đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thâm hụt đường toàn cầu sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy