Dòng sự kiện:
Cổ phiếu mía đường... thêm ngọt
07/10/2021 12:33:12
Quyết định điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan thông qua 5 nước ASEAN sẽ đem lại sự cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường trong nước.

 

Nhiều doanh nghiệp đang mở rộng diện tích trồng mía

Kỳ vọng khởi sắc

Các doanh nghiệp ngành mía đường kỳ vọng niên vụ 2021 - 2022 (bắt đầu từ 1/7/2021) sẽ khởi sắc hơn. Ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) cho biết, ở niên vụ mới, Công ty lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ 15 - 20%, một phần nhờ ngành mía đường trong nước được gia tăng các biện pháp bảo vệ.

Cụ thể, ngày 21/9/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Malaysia vốn là quốc gia không trồng mía, Indonesia và Campuchia sản xuất sản phẩm đường không đủ, thường xuyên phải nhập khẩu đường, nhưng lại có sản phẩm đường xuất khẩu sang Việt Nam.

“Quyết định điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với mía đường xuất xứ từ Thái Lan sẽ góp phần đem lại công bằng cho các doanh nghiệp mía đường trong nước. Động thái này rất đúng đắn, kịp thời. Nhiều nước không trồng mía, không có đường nhưng lại nhập đường từ Thái Lan rồi xuất sang Việt Nam gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam và thuế của Nhà nước. Chúng tôi kỳ vọng, trong niên vụ mới, mía đường sẽ khởi sắc hơn nhờ những tác động tích cực của hoạt động điều tra này”, ông Lê Trung Thành nói.

Trước đó, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu từ Thái Lan trong thời gian 5 năm, có hiệu lực từ 16/6/2021.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15.000 tấn trong tháng 6/2021 so với mức cao nhất là 183.000 tấn trong tháng 4/2020. Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách “quá cảnh” ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam.

Động lực lan tỏa

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, với mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu, các nhà máy nhỏ nhập đường thô về sẽ không có lợi nhuận. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng mía rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới.

Không ít doanh nghiệp như LSS, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS), Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) đã và đang chú trọng mở rộng diện tích trồng mía.

Niên vụ 2021 - 2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến, diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10 - 20% và việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo, khi nông dân thu được lợi nhuận tốt từ cây mía.

“Doanh nghiệp đang thấy có động lực để đầu tư mở rộng tăng năng suất, tăng sản lượng, mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ mới, đồng thời đầu tư cho nông dân, tiến tới tăng giá mía thu mua. Thời gian tới, giá mía có thể tăng 15 - 20%”, ông Lê Trung Thành chia sẻ.

Theo lãnh đạo LSS, người nông dân quay trở lại trồng mía, Công ty đẩy mạnh đầu tư phân bón, khoa học kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc cho người nông dân để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch để đón đầu giai đoạn khởi sắc.

Trong khi đó, QNS dự kiến sản lượng mía nguyên liệu đầu vào niên vụ 2021 - 2022 sẽ tăng 50% và niên vụ 2022 - 2023 tăng 40%; công suất hoạt động tăng sẽ thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận. Còn SLS kỳ vọng, sản lượng mía sẽ tăng trong niên vụ tới, mức tăng trong khoảng ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho cả nước là 10 - 20%.

SSI nhận định, niên vụ 2021 - 2022, sản lượng tiêu thụ của SLS sẽ tăng 14% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính tăng từ 25% lên 29,5% nhờ giá bán dự kiến tăng 31% và công suất hoạt động tăng 77%.

Dự báo, thế giới có thể thiếu hụt 3,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2021 - 2022, niên vụ trước đó thiếu hụt 3,1 triệu tấn.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho rằng, thâm hụt đường toàn cầu tăng lên trong niên vụ 2021-2022 do sản lượng sản xuất đường ở Brazil giảm bởi thời tiết khô hạn, mức giảm khoảng 5%, trong khi đây là nước sản xuất đường hàng đầu thế giới, đóng góp 23% sản lượng toàn cầu trong niên vụ 2020 - 2021.

Trong khi sản lượng đóng góp mới dự kiến sụt giảm, sản lượng đường dự trữ trên toàn cầu giảm từ 53,1 triệu tấn niên vụ 2018 - 2019 xuống 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020 - 2021 và có thể giảm tiếp, dẫn đến thiếu hụt đường.

Giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, khiến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm.

Cổ phiếu có thể duy trì sắc xanh

Mía đường là nhóm ngành có tính chu kỳ, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp thường lên - xuống theo giá bán. Với triển vọng tích cực từ chính sách bảo vệ sản phẩm đường trong nước và giá đường đang trong xu hướng tăng, doanh nghiệp ngành này có cơ sở để tăng trưởng trong niên vụ 2021 - 2022, giúp giá cổ phiếu có diễn biến khả quan.

Thực tế, từ tháng 6/2021, khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan, cổ phiếu ngành đường bật tăng.

Từ ngày 1/6 đến 22/9, giá cổ phiếu LSS tăng 74%, QNS tăng 36%, nhưng cũng chỉ tương đương mức giá đầu năm 2021.

Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa từ đầu năm đến nay có một số đợt tăng, giảm, dao động phổ biến trong khoảng 18.000 - 22.000 đồng/cổ phiếu. Trước động lực mới của doanh nghiệp ngành mía đường, nhà đầu tư kỳ vọng, cổ phiếu nhóm này sẽ duy trì sắc xanh trong thời gian tới.

Hiện các doanh nghiệp chưa công bố kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2022 (30/6/2021 - 30/6/2022), nhưng với dấu hiệu tích cực từ thị trường, SSI nhận định, SBT có thể đạt 19.800 tỷ đồng doanh thu và 825 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 33% và 32% so với niên độ 2021.

Trong năm tài chính 2021, SBT đã sản xuất 708.000 tấn đường, trong đó khoảng 210.000 tấn từ mía và phần còn lại là từ đường thô nhập khẩu. SBT có thể chuyển dần sang nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất. Sản lượng tiêu thụ trong năm tài chính mới có thể “đi ngang”, nhưng dự báo giá bán trung bình tăng 36%, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 15,2%.

Đối với QNS, mảng đường được kỳ vọng có thể đóng góp 528 tỷ đồng lợi nhuận trong năm tài chính 2022, tăng 26% so với năm tài chính 2021.

Cổ phiếu ngành mía đường Việt Nam trong 5 năm qua được định giá ở mức thấp do bị cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Nhưng khi các biện pháp phòng vệ thương mại mang lại hiệu quả cho ngành mía đường trong nước, vấn đề này sẽ được cải thiện, tạo đà tăng giá cho cổ phiếu.

Ngày 29/9, Bộ Công thương tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 108.000 tấn đường năm 2021. Kết quả, có 5 doanh nghiệp trúng đấu giá 76.000 tấn đường thô và 2 doanh nghiệp trúng đấu giá 21.000 tấn đường tinh luyện.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (LSS) cho biết, LSS và nhiều doanh nghiệp khác trong nước không tham gia đấu giá nhập khẩu thêm nguồn đường trong hạn ngạch này, mà tập trung đầu tư cho nông dân để khôi phục vùng mía nguyên liệu, tiến tới có thể tự đáp ứng đủ nhu cầu mía nguyên liệu để sản xuất đường.

Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, ứng trước bằng hiện vật, đầu tư trả chậm các khoản phân bón, làm đất và các dịch vụ cơ giới, giống mía chất lượng cao, thuốc bảo vệ thực vật...; cho các hộ ứng tiền mặt để chuẩn bị lao động đốn chặt, bốc xếp, sửa đường giao thông... trước khi vào vụ thu hoạch.

Giá mua mía và chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng mía nguyên liệu của LSS như sau: giá mua mía vụ 2021 - 2022 với 1 tấn mía sạch 10CCS tại ruộng (nơi thuận tiện cho xe ra vào vận chuyển) là 1,1 triệu đồng/tấn, giá sàn là 1 triệu đồng/tấn. Giá mua mía vụ 2022 - 2023 là 1,15 triệu đồng/tấn mía sạch tại ruộng. Ngoài ra, người nông dân được hỗ trợ phân bón và các khoản hỗ trợ khác (100.000 - 150.000 đồng/tấn), theo đó, người trồng mía sẽ có thu nhập từ 1,25 - 1,3 triệu đồng/tấn.

Tác giả: Hải Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến