Dòng sự kiện:
Cổ phiếu phân bón vào sóng
05/10/2021 14:43:22
Tuần qua, cổ phiếu phân bón trở thành nhóm ngành nổi trội trên HOSE khi dòng tiền chảy vào mạnh, giúp giá tăng vọt.

Các doanh nghiệp phân bón được kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận cao trong năm 2021.

Kết quả kinh doanh khả quan

9 tháng đầu năm 2021, giá các mặt hàng phân bón tăng cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất phân bón như amoniac, lưu huỳnh, quặng apatit và chi phí logistic tăng vọt.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phân bón gánh chịu khoản chi phí vận hành đột biến trong quý III/2021. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, doanh nghiệp đã chi hơn 100 tỷ đồng để phòng chống dịch theo tinh thần “sản xuất 3 tại chỗ”.

Ngoài ra, các chi phí liên quan đến lưu thông, vận chuyển, chậm giải phóng tàu, giải phóng kho… tăng 15% do phát sinh hoạt động xét nghiệm, thông chốt, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phân bón vẫn khả quan. Số liệu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy, tại DCM, doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 6.320 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 82% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 770,63 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 3,7 lần kế hoạch năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ đạt 14,6%, cao hơn 9,3% cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ urê của DCM ước đạt 569.070 tấn, đạt 72% kế hoạch năm 2021 và bằng 79% cùng kỳ năm 2020. Tình hình tiêu thụ thấp hơn so với cùng kỳ là do hầu hết các địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách nhằm phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên công tác bán hàng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch và cùng kỳ chủ yếu do giá bán tăng 24% so với kế hoạch và tăng 36% so với cùng kỳ.

Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM), doanh nghiệp này ước đạt doanh thu hợp nhất 2.759 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 489,1 tỷ đồng trong quý III/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 7.635 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.516 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần kế hoạch năm.

Trên sàn chứng khoán tuần qua, dòng tiền lớn đổ ào ạt chảy vào bộ đôi “nhà đạm” trên HOSE, khối lượng khớp lệnh gấp 2 - 3 lần tuần trước đó và lan tỏa sang các mã cổ phiếu phân bón khác.

Rủi ro cần lưu ý

Giá urê trên thị trường thế giới những ngày cuối tháng 9 đột ngột tăng tốc.

Tại Ai Cập, ngày 28/9, Hãng sản xuất phân bón Fertiglobe đã bán lô 45.000 tấn urê hạt đục với giá 620 USD/tấn FOB, giao hàng tháng 10/2021. Đây là giao dịch có mức giá cao nhất mà Tạp chí giá cả toàn cầu Argus ghi nhận được kể từ cuối năm 2008, vượt qua cả giá kỳ vọng của nhà sản xuất, bởi giá giao dịch lô hàng cuối tuần trước đó chỉ ở mức 530 USD/tấn FOB.

Tại Brazil, ngày 28/9, urê được giao dịch với giá 610 - 640 USD/tấn CFR, tăng 62,5 USD/tấn chỉ sau 1 ngày.

Ở Đông Nam Á, giá urê kết thúc tuần giao dịch 16/9/2021 có giá 427 - 435 USD/tấn FOB thì khi kết thúc tuần 23/9/2021 đạt 503 - 527 USD/tấn FOB, tức tăng bình quân 84 USD/tấn trong 1 tuần. Đây là mức giá kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.

Trên thị trường Mỹ, giá urê hạt đục tại Nola đã kéo dài đà tăng trong nhiều tuần nay và đạt trên 600 USD/tấn FOB kỳ hạn tháng 1/2022, thiết lập đỉnh cao mới trong 9 năm; giá giao sà lan tháng 10/2021 được bán ở mức 602 - 610 USD/tấn FOB; giá giao sà lan tháng 11/2021 được bán ở mức 600 USD/tấn FOB; giá giao tháng 12/2021 ở mức 608 - 615 USD/tấn FOB.

Giá phân bón thế giới đạt mức cao kỷ lục trong vòng gần 10 năm trở lại đây, nhưng các doanh nghiệp phân bón đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: tăng giá cao quá sẽ ảnh hưởng đến người nông dân; không tăng giá sẽ không phù hợp với cơ chế thị trường và không đúng với quy chế hoạt động của công ty cổ phần (ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông).

Trong quý IV/2021, chi phí đầu vào với các doanh nghiệp phân bón trong nước được dự báo sẽ có nhiều biến động. Chẳng hạn, với DPM và DCM, việc giá dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất.

Giá dầu Brent chạm ngưỡng 80 USD/thùng được xem là mức cao nhất trong 3 năm qua, kéo theo giá nhiên liệu dùng để sản xuất phân bón là than đá và khí đốt tự nhiên tăng.

Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs nâng mức dự báo giá dầu thô Brent vào cuối năm nay lên mức 90 USD/thùng, từ mức dự báo 80 USD/thùng trước đó.

Đặc biệt, giá khí thiên nhiên có mức tăng phi mã, đạt 6,16 USD/mmBTU giao kỳ hạn tháng 11/2021. Giá khí đốt tại châu Âu tăng 5 lần so với giá năm 2019 đang đe dọa đến nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp sản xuất hóa chất, cung ứng điện, sản xuất phân bón ở khu vực này.

Phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá, nên các doanh nghiệp khó có thể điều chỉnh giá bán tăng cao theo giá thế giới.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, hầu hết nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất phân urê là than đá và khí thiên nhiên đều được cung cấp trong nước, giá hai mặt hàng này tăng không nhiều.

Nhưng trong quý cuối năm, các doanh nghiệp phân bón có khả năng tiếp tục gánh chịu khoản chi phí vận hành tăng mạnh liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, xét nghiệm, vận chuyển…

Đáng lưu ý, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo quy định của Nhà nước, nên các doanh nghiệp khó có thể điều chỉnh giá bán tăng cao theo giá thế giới. Cụ thể, giá bán urê được tính theo công thức giá FOB 4 thị trường + r (hệ số điều tiết nội địa) + C (các chi phí nội địa).

Hiện giá bán urê của doanh nghiệp trong nước xấp xỉ giá FOB bình quân các thị trường quốc tế. Do đó, giá urê thế giới tiếp tục tăng cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán, nhưng biên độ tăng cao hay thấp còn phụ thuộc vào khả năng “co kéo” của các doanh nghiệp, cũng như tác động của các chính sách vĩ mô.

Ngược lại, trường hợp giá FOB thế giới giảm, doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ chưa giảm được ngay chi phí đầu vào, trong khi giá đầu ra lỗ vẫn phải chịu. Tình huống này thấy rất rõ trong giai đoạn đầu năm 2020.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, nếu giá phân bón tăng quá cao, Việt Nam có thể thắt chặt việc xuất khẩu urê để đảm bảo lương thực và hạ nhiệt giá thị trường. Từ tháng 4/2021, cơ quan quản lý đã tỏ ra quan ngại về việc giá phân bón ở mức cao, nhưng chưa có biện pháp can thiệp.


Tác giả: Ngọc Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến