Dòng sự kiện:
Cổ phiếu nào được quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng qua?
20/06/2021 19:49:04
Nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động với nhiều phiên thanh khoản tỷ đô và có những cổ phiếu tiếp tục là tâm điểm.

Tháng 6/2021, không loại trừ ảnh hưởng vì nghẽn lệnh, thanh khoản HoSE tuần qua thấp hơn 10% so với trước đó. Dòng tiền có dấu dịch chuyển khỏi cổ phiếu ngân hàng, chững lại ở nhóm chứng khoán và dịch sang nhóm bất động sản, cao su, dầu khí...

Dòng tiền “rời bỏ” cổ phiếu ngân hàng

Kết thúc tuần giao dịch 14 -18/5, VN-Index tiếp tục đi lên, vượt đỉnh cũ. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhiều cổ phiếu "đặt chân" lên vùng giá mới, thể hiện đà lan tỏa của dòng tiền thông minh.

Tuy nhiên, thanh khoản trung bình/phiên tuần qua sàn HoSE chỉ đạt 23.586 tỷ đồng, giảm 10.68% so với tuần trước đó. Khối ngoại chuyển mua ròng 220 tỷ đồng, tập trung vào bộ 3 cổ phiếu “họ” Vingroup, bất động sản, thực phẩm đồ uống… Ở chiều ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhóm ngân hàng, nguyên vật liệu.

Theo thống kê Fiingroup, tuần qua riêng HPG đã được bán ròng 620 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, nước ngoài đã bán tổng cộng 12.408 tỷ đồng HPG, chiếm hơn 1/3 tổng mức bán ròng của khối ngoại. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở HPG giảm đều từ năm 2017 đến nay, giảm từ 41,21% năm 2017 về còn 26,75% ngày 18/6/2021.

Dòng tiền có sự dịch chuyển giữa các nhóm ngành (Thống kê: FiinGroup)

Bên cạnh đó, thị trường tuần qua chứng kiến sự "dịch chuyển dòng tiền" giữa các nhóm ngành, tiếp tục xu hướng tăng ở cổ phiếu bất động sản, giảm ở ngân hàng. Với dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân 5 tháng đầu năm tăng lần lượt 1% và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành BĐS khu công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục khả quan. Những mã cổ phiếu thu hút được dòng tiền mạnh nhất là FLC, VHM, PDR, KBC, IJC, DIG, NVL, DXG, VIC, NLG.

Ngược lại, ngân hàng là ngành có tỉ trọng phân bổ dòng tiền giảm mạnh nhất (giảm 12,21% giá trị so với trung bình tháng trước). Với tỉ trọng trung bình tháng là 37%, tỉ trọng giá trị giao dịch của ngân hàng đã sụt giảm 1/3. Trong tuần, cổ phiếu ngành ngân hàng có sự điều chỉnh mạnh, tuy nhiên, giá cổ phiếu có sự cải thiện trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, dẫn dắt bởi những ngân hàng lớn: VCB, TCB, CTG, VPB, BID, ACB.

Đáng chú ý, tỉ trọng giá trị giao dịch vào ngành chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Giá trị giao dịch giảm mạnh được nhìn thấy ở các cổ phiếu đầu ngành như SSI, HCM, VCI, VND. Ví dụ, khối lượng giao dịch SSI ngày 18/6 chỉ đạt 8,1 triệu cổ phiếu, thấp nhất trong 2 tháng kể từ 27/4/2021.

Định giá có còn hấp dẫn?

Từ đầu năm đến nay, thống kê của một trang tin chứng khoán uy tín cho thấy, trong số 400 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang niêm yết HoSE, có hơn 20 mã tăng trên 100%, chủ yếu là nhóm vốn hoà trung bình, nhỏ. Ngân hàng, thép là hai ngành hút dòng tiền mạnh. Cổ phiếu ngân hàng có thời điểm không còn mã nào thị giá dưới 20.000 đồng/ cổ phiếu.

Về trung hạn TTCK Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn (Thống kê: Fiingroup)
 

Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy, VN-Index hiện được định giá P/E ở mức 18,6x lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất đến hết quý 1 năm 2021 và P/B ở mức 2,8x. Mặc dù đã tăng mạnh gần đây, nhưng về trung hạn TTCK Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn trong mối tương quan với triển vọng lợi nhuận 2021 và 2022 tới đây.

Nhiều ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam hiện nay có đặc điểm của giai đoạn bùng nổ năm 2007 và sau đó đổ vỡ vào đầu 2008 và đi vào giai đoạn thoái trào đến tận 2015. Về điều này, chuyên gia cua Fiingroup nhận thấy điểm chung: dòng tiền “ào ạt” đổ vào thị trường và một tâm lý “sợ nhỡ tàu” của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, rủi ro không lớn như vậy nếu xem xét ở hai góc độ. Đầu tiên, giai đoạn 2006-2007 thị trường có cả dòng tiền trong nước và dòng tiền của khối ngoại. Trong khi đó, giai đoạn hiện nay thì chủ yếu là dòng tiền nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại tiếp tục “xả hàng” mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, rà soát lại các chỉ số định giá tại thời điểm cuối Q1-2007 (khi VN-Index giao động quanh mức 1130), chỉ số đã ở mức rất cao so với giai đoạn hiện nay. Cụ thể là P/E của VN-Index lúc đó ở mức 31,4x và P/B ở mức 8,9x với chỉ gần 140 cổ phiếu niêm yết có tổng vốn hóa khoảng 364 nghìn tỷ đồng và thanh khoản hàng ngày bình quân 1,2 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số định giá VN-index so với một số nước khu vực (Thống kê: FiinGroup)
 

Hiện nay độ rộng của thị trường đã tăng gấp khoảng 17 lần về thanh khoản, 14 lần về vốn hóa và 9 lần về số lượng tài khoản chứng khoán trong khi mức định giá ở mức thấp và hợp lý hơn nhiều lần. So với các nước trong khu vực, VN-Index hiện được giao dịch thấp hơn trong tương quan với lợi nhuận, nhưng cao hơn đáng kể trong tương quan với giá trị sổ sách. So với các thị trường mới nổi, chỉ số chứng khoán Việt Nam có mức tăng lớn nhất từ đầu năm 2021.

FiinGroup đánh giá, đáng chú ý có cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ. Ngược lại chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng tăng 34,4% kể từ đầu năm, cho thấy triển vọng tích cực đã phần nào được phản ánh vào giá, khiến định giá cổ phiếu nhóm này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021. Ngoài ra, nhóm vật liệu cơ bản hưởng lợi lớn từ sóng đầu cơ nguyên liệu thô, nhưng cổ phiếu đã tăng quá nóng.

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến