Chiếm khoảng 30% vốn hóa VN-Index và 1/4 vốn hóa toàn thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán trong nước 2 năm gần đây.
Trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đáy 660 điểm hồi cuối tháng 3/2020 lên vượt mốc 1.400 điểm vào giữa năm 2021, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm đóng vai trò chính hỗ trợ mức tăng trưởng này.
Theo đó, trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng hơn 112% này, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng 3-4 lần thị giá như VPB (VPBank) tăng 315%; TCB (Techcombank) tăng 290%; MBB (MBBank) tăng 270%; CTG (VietinBank) tăng hơn 200%...
Tuy nhiên, nửa sau năm 2021 lại chứng kiến nhóm cổ phiếu ngân hàng đứng ngoài xu hướng tăng của thị trường. Trong khi thị trường chung vẫn duy trì tăng trưởng và chinh phục mốc 1.500 điểm, hầu hết cổ phiếu ngân hàng lại ghi nhận diễn biến trái ngược.
Điều gì xảy ra với cổ phiếu ngân hàng?
Tính riêng nửa cuối năm 2021, chỉ số VN-Index vẫn tăng gần 20% từ đáy giữa tháng 7, nhưng hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lại giảm 2 chữ số như BID (BIDV) giảm 24,3%; CTG (VietinBank) giảm 19,6%; TCB (Techcombank) giảm 13,8%; SHB (Ngân hàng SHB) giảm 13,6%; VCB (Vietcombank) giảm 12,6%; VPB (VPBank) giảm 10,5%; MBB (MBBank) giảm 10,4%...
Theo thống kê, có tới 17/27 cổ phiếu ngân hàng ghi nhận xu hướng giảm giai đoạn này
Nói với Zing, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết có 2 lý do để giải thích việc cổ phiếu ngân hàng suy yếu trong nửa cuối năm 2021, bao gồm cả kỹ thuật và cơ bản.
Dưới góc độ kỹ thuật, cổ phiếu ngân hàng đa số đều có khối lượng lưu hành lớn, từ năm 2020 đến giữa năm 2021 đã có những mã tăng gấp 2-3 lần thị giá. Nhìn lại lịch sử giá với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mức tăng kể trên là một thành tích rất lớn và đã đạt kỳ vọng lợi nhuận của nhiều nhà đầu tư.
Vì vậy, ở mặt bằng giá hiện nay, nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư lớn đã thỏa mãn lợi nhuận và tiến hành bán ra cổ phiếu. Điều này dẫn tới lượng cổ phiếu bán ra lớn trong khi thị trường không có khả năng hấp thụ tương đương, dẫn tới giá không thể bật lên.
Sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cổ phiếu ngân hàng đã bước vào giai đoạn phân phối. Ảnh: Thạch Thảo.
“Nói theo góc độ chuyên ngành thì cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư lớn phân phối ra. Trong giai đoạn này, phần lớn cổ phiếu nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ và khi nhà đầu tư lớn không mua vào thì cũng không có đủ động lực để đẩy giá đi lên”, vị này nói.
Dưới góc độ phân tích cơ bản, vị giám đốc môi giới cho biết các nhà đầu tư đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng đã đạt đỉnh trong giai đoạn 2020 và nửa đầu năm 2021. Vì vậy trong nửa cuối năm 2021 và 2022, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành đã không còn cao.
Ngành ngân hàng cũng chịu áp lực giảm lãi suất từ cơ quan quản lý khiến biên lợi nhuận giảm, dẫn tới tăng trưởng lợi nhuận không còn cao như trước.
Nói theo góc độ chuyên ngành thì cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư lớn phân phối ra
Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán ở Hà Nội
Bên cạnh đó, tín dụng dự kiến vẫn tăng trong thời gian tới nhưng không còn mạnh như trước cũng tác động tới triển vọng lợi nhuận ngành này.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, từ quý IV/2020 đến quý II/2021, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng ở mức rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với trước dịch Covid-19 (năm 2019). Qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này.
Tuy nhiên, đến quý III và IV/2021, mức tăng trưởng so với cùng kỳ đã chậm dần do các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, ảnh hưởng tới lợi nhuận chung toàn ngành và tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu.
Các chuyên gia phân tích tại FiinGroup cũng cho biết tốc độ tăng giá nhiều cổ phiếu ngân hàng năm 2021 đã vượt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Trong đó, tính chung cả nhóm, tốc độ tăng giá năm 2021 là 36,1% trong khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mới đạt 32,8%. Một số ngân hàng có tốc độ tăng giá cổ phiếu vượt tăng trưởng lợi nhuận như VCB, TCB, BID, VPB, CTG, MBB, ACB, VIB…
Ngoài ra, định giá cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm 2021 đã ở mức cao theo cả P/B và P/E đều ở vùng cao hơn so với trung bình 3 năm gần nhất.
Còn sóng năm 2022?
Theo bà Hoàng Việt Phương, diễn biến giá cổ phiếu luôn phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai.
Với các diễn biến vĩ mô từ cuối quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022, mức tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng so với cùng kỳ có thể tiếp tục chậm do mức nền so sánh cao của quý IV/2020 và nửa đầu năm 2021.
“Với triển vọng tăng trưởng trong 3-6 tháng tới không còn hấp dẫn như nửa đầu năm 2021, sức hút của cổ phiếu ngân hàng cũng giảm đi”, bà Phương nhận định.
Trong cả năm 2022, giám đốc SSI Research cho rằng triển vọng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa trở lại cũng như tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Nếu giả định mở trở lại các đường bay quốc tế vào nửa cuối năm 2022 và không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt như năm 2021, triển vọng của ngành ngân hàng cũng sẽ sáng hơn trong nửa cuối năm 2022.
Nửa đầu năm 2022, bức tranh hồi phục của ngành chưa rõ ràng, nợ xấu vẫn là ẩn số. Đến nửa cuối năm, dự kiến ngành ngân hàng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng sẽ phân hoá rõ rệt. Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research |
Trong khi đó, vị giám đốc môi giới công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng sau 6 tháng tích lũy, những ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn trong năm nay có khả năng cổ phiếu vẫn tạo sóng.
Tuy nhiên, để đánh giá cổ phiếu ngân hàng có thể tăng tích cực được như giai đoạn 2020-2021 hay không cần có các giả định về kỹ thuật và cơ bản xảy ra.
Trong đó, muốn cổ phiếu tăng giá phải đáp ứng đủ 2 yếu tố là cầu cao hơn cung và bức tranh lợi nhuận toàn ngành tích cực.
“Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ tăng trong năm 2022 nhưng dư địa không mạnh. Nếu muốn thị giá tăng vọt như trước, kỳ vọng lợi nhuận cũng phải tăng vọt, nhưng với bức tranh vĩ mô hiện tại không cho phép ngành ngân hàng làm điều đó”, ông nói.
Vị này cho rằng xác suất để cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến trong năm nay chỉ vào khoảng 30%, trong khi dự báo tăng chung cùng với thị trường khoảng 50% và khả năng đi ngang hoặc giảm chỉ là 20%.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trong năm 2022 nhưng không lớn. Ảnh: Nam Khánh.
Còn theo các chuyên gia phân tích tại VNDirect, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Trong đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế.
Về dòng tiền, thanh khoản thị trường tăng ổn định trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp sẽ còn kéo dài, nên cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này với việc chiếm 1/4 vốn hóa toàn thị trường.
Tuy vậy, các chuyên gia tại đây cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2022 nhiều khả năng sẽ chậm lại và rủi ro chính đối với ngành là việc xuất hiện các biến thể mới của dịch Covid-19, cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cao hơn cản trở việc mở rộng cho vay.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy