Dòng sự kiện:
Cổ phiếu ngân hàng liệu có tạo sóng lớn?
24/09/2020 11:00:41
Những ngày qua, cổ phiếu ngân hàng đang hút khá nhanh và mạnh dòng tiền trên thị trường. Vốn được mệnh danh là cổ phiếu vua, nên mỗi lần có dấu hiệu nổi sóng, cổ phiếu ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Dù dòng tiền vẫn đang dồi dào thì sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu cũng có tính chọn lọc và tập trung rất cao

Tính đến hết phiên ngày 23/9, sàn HoSE đã có 24 phiên liên tiếp giá trị giao dịch khớp lệnh đạt từ 4.000 tỷ đồng trở lên, riêng trong những ngày gần đây, thanh khoản thường xuyên lên mức 5.000 rồi 6.000 tỷ đồng mỗi phiên. Dòng tiền mạnh và luân chuyển liên tục tất yếu sẽ phải tìm đến những nhóm cổ phiếu phù hợp và ngân hàng chính là mục tiêu lý tưởng. Nói vậy là vì cổ phiếu ngân hàng có số mã chứng khoán niêm yết đông đảo, vốn hóa lớn nhất và có cả sự đa dạng trong đặc tính của mỗi cổ phiếu.

Mặt khác, nếu tính từ gần nửa năm nay, khi chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, dòng tiền cũng mới chỉ theo các chủ đề như phục hồi, các ngành vẫn duy trì hiệu quả, nông nghiệp, khu công nghiệp…

Các đợt sóng lớn của thị trường chưa bao giờ thiếu sóng ngân hàng, vì vậy điều gì phải đến cũng sẽ đến. Tuy nhiên, lịch sử cũng chỉ là dữ kiện và biến động của thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa những bất ngờ mà ở đây có 3 điểm cần lưu tâm đến đợt sóng của cổ phiếu ngân hàng lần này:

Thứ nhất, chưa cần sóng của ngành, thực tế cho thấy nhiều cổ phiếu ngân hàng đã “chạy” trước rất ấn tượng. Từ mức giá chưa đến 6.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm, SHB đã tăng lên đến 18.000 đồng, tức là tăng gấp 3 lần, vào cuối tháng 3. Việc tăng giá bằng “lần” là một hiện tượng hiếm của cổ phiếu ngân hàng nhưng đã diễn ra với SHB. Những ngày cuối tháng 7, từ mức giá chỉ khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu, HDB đã túc tắc đi lên dần và đến phiên giao dịch 23/9, cổ phiếu này đã chạm ngưỡng 31.000 đồng/cổ phiếu, tức là chỉ giữ cổ phiếu này trong vòng hai tháng thì suất sinh lãi có thể đạt khoảng 30%, một tỷ lệ cũng rất ấn tượng.

Nửa năm trước, chỉ từ mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng LPB dù chỉ đang giao dịch ở UPCoM cũng đã tiến dần lên 10.000 đồng/cổ phiếu và hiện cũng đã vượt qua mốc này và hướng đến 11.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tượng “chạy trước” này sẽ gợi ra khả năng về việc cổ phiếu ngân hàng dù có sóng, nhưng có thể sẽ khác với những lần trước đó, thay vì tăng đồng loạt thì khả năng sẽ có sự phân hóa theo từng nhóm nhỏ và điều này sẽ được củng cố nếu theo dõi diễn biến của các cổ phiếu vốn luôn có tính dẫn dắt mạnh.

Thứ hai, nhóm “đầu ngành” bao gồm BID, CTG, VCB hiện đang có những diễn biến khác nhau. Từ mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 7, những ngày đầu tháng 9, CTG đã chạm mốc 26.000 đồng/cổ phiếu nhưng kể từ đó cũng dao động quanh mốc này đến giờ. Cũng trong khoảng thời gian này, BID từ mức giá dưới 36.000 đồng/cổ phiếu tăng lên 42.000 đồng/cổ phiếu rồi hiện giờ đang dao động quanh mốc 41.000 đồng/cổ phiếu. VCB từ 76.000 đồng/cổ phiếu tăng 10 “giá” lên 86.000 đồng/cổ phiếu và hiện đang dao động quanh vùng 85.000 đồng/cổ phiếu.

Có một điểm chung ở đây là nhóm những cổ phiếu kể trên tăng mạnh là nhờ vào sự phục hồi của thị trường, từ kỳ vọng cho đến những kết quả tốt trong việc kiềm chế làn sóng lây nhiễm Covid thứ hai tại Việt Nam, đây là sóng chung chứ không phải sóng ngành. Trong khi thực tế thì dù đã có những ý kiến, quan điểm về khả năng có sóng ngân hàng, biến động của nhóm BID, CTG, VCB những ngày qua trên cả phương diện thị giá và thanh khoản là chưa lớn, chưa có sự bùng nổ. 

Thứ ba, “phân nhóm” của cổ phiếu ngân hàng hiện nay quá nhiều, trước khi sẽ tập trung vào các nhóm BID, CTG, VCB và nhóm ngân hàng cổ phần như STB, ACB, EIB, MBB… Nhưng hiện nay còn có HDB, VPB, TCB, TPB… và một loạt những cổ phiếu khác.

Và mỗi nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có đặc tính riêng biệt, tương ứng với chiến lược, định hướng kinh doanh và vị thế ngành khác nhau. Cũng phải biết rằng, dù dòng tiền vẫn đang dồi dào thì sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu cũng có tính chọn lọc và tập trung rất cao. Cho dù lần này có sóng thì khả năng lan tỏa trên diện rộng cổ phiếu ngân hàng cũng không dễ xảy ra. Thay vào đó, có thể là sự xoay vòng giữa các phân nhóm, hoặc những cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện hấp dẫn nhất và điều này có thể diễn ra trong “nhiều vòng” thay vì chỉ một đợt sóng.

Tác giả: Phan Long

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến