Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 9/6.
Lý do là OGC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 (Công ty mẹ và hợp nhất) đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quy định.
Theo đó, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và thỏa thuận, việc này sẽ khiến thanh khoản của cổ phiếu có thể bị giảm sút do chỉ còn một nửa thời gian trong ngày để giao dịch.
Đồng thời, HOSE giữ nguyên diện kiểm soát với OGC do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
OGC ghi nhận lỗ lũy kế 2.523 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Nếu BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương tiếp tục có ý kiến ngoại trừ sẽ bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
Việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu OGC căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương.
OGC hiện đang được giao dịch ở vùng giá 12.750 đồng/cổ phiếu (kết phiên 3/6), giảm 38% so với đỉnh được lập vào hồi đầu tháng 4/2022 (20.500 đồng/cổ phiếu).
Diễn biến thị giá cổ phiếu OGC.
Mới đây, Ocean Group cũng đã có biến động về nội bộ khi “thay máu” ban lãnh đạo công ty, chính thức đưa IDS Equity Holdings lên tiếp quản.
IDS Equity Holdings (công ty quản lý tài sản rủi ro chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam) hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Ocean Group sau khi kiểm soát 51% vốn tập đoàn này.
Bà Lê Thị Việt Nga - đại diện của IDS Equity Holdings, được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ocean Group, còn bà Phạm Thị Hồng Nhung được bầu làm Tổng Giám đốc.
Hầu hết thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đương nhiệm của Ocean Group đã từ nhiệm với lý do cá nhân.
Ngay khi vừa có chủ quản mới, Ocean Group đã có động thái thông báo sẽ bán 7 khoản nợ xấu với tổng số dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng. Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng.
Trong danh sách khoản nợ đấu giá ghi nhận khoản nợ xấu lớn nhất là khoản hỗ trợ vốn với giá trị 380,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014.
Theo BCTC quý I/2022, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 102,4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sụt giảm xuống còn gần 16,5 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế hơn 38,2 tỷ đồng.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy