Dòng sự kiện:
Thị trường hồi hơn 10 điểm, đột biến OGC
03/06/2022 18:17:21
Sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip đã chặn đà giảm của thị trường, giúp VN-Index hồi về sát mốc tham chiếu. Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu OGC bất ngờ tăng mạnh từ mức giá sàn lên sát trần.

Áp lực bán đột ngột tăng mạnh ở cuối phiên sáng sau phần lớn thời gian giằng co và rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index đe dọa mốc 1.280 điểm.

Diễn biến trên khiến nhà đầu tư không khó đoán thị trường sẽ tiếp tục nới rộng đà giảm hơn trong phiên chiều và chỉ số VN-Index nhanh chóng rơi về dưới vùng giá 1.280 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, ngay lập tức, lực cầu được kích hoạt đã giúp nhiều mã lớn bé đồng loạt bật ngược đi lên, giúp thị trường thu hẹp đà giảm, thậm chí le lói sắc xanh sau khoảng 1 giờ mở cửa. Nhưng với diễn biến dòng tiền khá yếu, thị trường khó tiến xa và trở lại trạng thái đi ngang trong đợt khớp lệnh ATC.

Như vậy với diễn biến thị trường hồi phục hơn 10 điểm và về sát mốc tham chiếu là một thành công đối với chỉ số của thị trường, nhưng điều tiếc nuối vẫn chính là thanh khoản. Thanh khoản sụt giảm mạnh khi tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chưa tới 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HOSE chưa tới 13.000 tỷ đồng. Đây có lẽ là nhân tố khiến thị trường vẫn loay hoay chưa thể tìm được lối thoát để vượt qua ngưỡng cản 1.300 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 149 mã tăng và 290 mã giảm, VN-Index giảm 0,64 điểm (-0,05%), xuống 1.287,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 473,8 triệu đơn vị, giá trị 12.912,38 tỷ đồng, giảm 17,24% về khối lượng và 21,57% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,21 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.

Cổ phiếu đầu ngành GAS vẫn là điểm của nhóm dầu khí và cũng là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30, đóng vai trò hỗ trợ tích cực giúp VN-Index lấy lại trạng thái thăng bằng. Kết phiên, GAS tăng 4,5% lên mức 124.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 2,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng nới rộng đà tăng tốt trong phiên chiều là MWG tăng 3,7% lên 153.200 đồng/CP, FPT tăng 2,2% lên mức giá cao nhất ngày 114.000 đồng/CP, VPB tăng 1,7% lên 30.750 đồng/CP, SAB tăng 1,4% lên 155.200 đồng/CP.

Ngoài ra, trong nhóm VN30 còn có SSI, HPG, MBB, NVB, TCB cũng hồi phục sắc xanh với mức tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, GVR giảm mạnh nhất rổ bluechip khi để mất 3,1% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 25.000 đồng/CP; tiếp theo là HDB giảm 2,3% xuống 25.400 đồng/CP, STB và VCB cùng giảm 1,9%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có thể nói OGC đã có phiên giao dịch đột biến. Từ mức giá mở cửa sàn, OGC đã dần thu hẹp biên độ và tăng vọt, áp sát mức giá trần khi đóng cửa tăng 6,3% lên mức 12.750 đồng/CP, tăng tới hơn 1,5 giá trong phiên, cùng thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 4,16 triệu đơn vị.

Điểm đáng chú ý là cuối phiên chiều qua, Sở GDCK TP.HCM vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu OGC vào diện hạn chế giao dịch khi chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến OGC giảm sàn phiên hôm qua ngày 2/6 và tiếp tục mở cửa trong sắc xanh mắt mèo sáng nay.

Tuy nhiên, trước khi bước vào phiên chiều nay, OGC đã công bố thông tin về việc phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 sẽ không chậm hơn ngày 15/6/2022. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu OGC đã giật mạnh đi lên.

Trong khi đó, cặp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch khác là FLC và ROS tiếp tục giảm mạnh, tương ứng giảm 3,4% và 5,6% với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 6 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột chứng khoán và ngân hàng bớt tiêu cực hơn khi sắc xanh le lói đã xuất hiện ở một số mã như VPB, TCB, MBB, hay SSI, HCM, FTS, BSI, nhưng mức tăng còn hạn chế chủ yếu chưa tới 1%.

Nhóm cổ phiếu thép có phần tích cực hơn trong bộ ba bank – chứng – thép. Cụ thể, HPG tăng 0,8% lên 33.400 đồng/CP, HSG tăng 2,1% lên 22.100 đồng/CP, NKG tăng 2,8% lên 23.800 đồng/CP, SMC tăng 1% lên 26.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất tiếp tục tỏa sáng trong phiên chiều với mức tăng tốt hơn, như DPM tăng 3,9% lên mức 63.900 đồng/CP và khớp hơn 5,94 triệu đơn vị; DCM tăng 4,9% lên 40.700 đồng/CP, BFC tăng 2,75% lên 31.800 đồng/CP, còn DGC vẫn tăng trần…

Trên sàn HNX, thị trường cũng tích cực hơn trong phiên chiều giúp HNX-Index có thời điểm hồi phục sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 131 mã giảm, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,42%), xuống 310,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 65,19 triệu đơn vị, giá trị 1.526,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,32 triệu đơn vị, giá trị 679,5 tỷ đồng, trong đó THD thỏa thuận 18,31 triệu đơn vị, giá trị 679,3 tỷ đồng.

Cùng trong diễn biến nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất, LAS cũng ghi nhận mức tăng 3% lên mức 16.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm họ P có PVS tăng 1% lên 31.200 đồng/CP, khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 9,67 triệu đơn vị và PVC tăng 0,4% lên 24.900 đồng/CP, khớp 2,19 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, cặp đôi tăng tốt nhất trong nhóm HNX30 là CEO và L14. Kết phiên, CEO tăng 7% lên mức 42.800 đồng/CP, còn L14 tăng 5,5% lên 186.000 đồng/CP.

Về thanh khoản, ngoài PVS, một số mã giao dịch sôi động khác cũng thuộc nhóm HNX30 là SHS khớp 6,86 triệu đơn vị và kết phiên giảm 1,6% xuống 18.200 đồng/CP, CEO khớp 5,69 triệu đơn vị, HUT khớp 3,6 triệu đơn vị và kết phiên quay đầu giảm 3,1% xuống 31.600 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch trong sắc đỏ suốt cả phiên chiều nhưng biên độ giảm cũng thu hẹp giúp UPCoM-Index đóng cửa tại mốc cao nhất trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,16%), xuống 94,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62 triệu đơn vị, giá trị 991,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,86 triệu đơn vị, giá trị 50,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn duy trì trạng thái giằng co nhẹ và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 27.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 16,94 triệu đơn vị, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 là PVX.

Cổ phiếu PVX khớp 3,39 triệu đơn vị nhưng do áp lực xả bán mạnh nên kết phiên giảm 9,4% xuống sát mức giá sàn 4.800 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác như C4G thu hẹp đà giảm và kết phiên chỉ giảm 2,7%, đứng tại mức giá 14.500 đồng/CP và khớp 2,5 triệu đơn vị; VHG giảm 1,9% xuống 5.200 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị; VGT giảm 2,5% xuống 19.700 đồng/CP và khớp 1,61 triệu đơn vị…

Cổ phiếu KHB vẫn giữ vững sắc tím khi kết phiên đứng tại mức giá 2.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần 1,42 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng và 1 hợp đồng tương lai giảm, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất tăng 3,5 điểm (+0,3%), lên 1.318,5 điểm, khớp lệnh hơn 233.500 đơn vị, khối lượng mở 35.060 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chi phối, tuy nhiên CKDH2203 dẫn đầu thanh khoản với gần 2,17 triệu đơn vị khớp lệnh kết phiên tăng 7,1% lên mức 150 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến