Dòng sự kiện:
Cổ phiếu thủy sản lên ngôi, ngân hàng vẫn giữ nhịp
08/08/2022 18:57:26
Mặc dù thị trường chưa thể bật cao do thiếu nhóm trụ cột dẫn dắt, nhưng với sự luân chuyển của dòng tiền, đã giúp VN-Index giữ nhịp tăng nhẹ trong phiên 8/8. Tâm điểm là sự trở lại của nhóm cổ phiếu thủy sản.

Diễn biến phân hóa của thị trường chung và thiếu nhóm trụ cột dẫn dắt khiến phiên giao dịch sáng khá lình xình. Bên cạnh các nhóm ngân hàng, thép vẫn duy trì trạng thái giằng co nhẹ, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên đi ngược xu hướng chung thành công ở phiên cuối tuần trước cũng đã gặp khó do chịu áp lực bán gia tăng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sắc xanh nhạt vẫn được duy trì khi lực cầu tham gia khá cầm chừng. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường khó bật cao, thậm chí sau khoảng 1 giờ mở cửa, áp lực bán gia tăng đã đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, một lần nữa VN-Index được cứu nguy. Thị trường đã đảo chiều hồi phục sắc xanh và nới rộng đà tăng nhẹ về cuối phiên.

Bên cạnh chỉ số chung lấy lại sắc xanh, thanh khoản thị trường cũng cải thiện nhẹ so với phiên cuối tuần trước với dòng tiền luân chuyển qua các nhóm ngành, từ ngân hàng, chứng khoán, thép ở những phiên giao dịch trước đó sang nhóm cổ phiếu thủy sản trong phiên hôm nay, cho thấy dòng tiền mạnh vẫn luôn trực chờ.

Sau một nhịp giảm dài suốt quý II, tâm lý thị trường thời điểm hiện tại vẫn thận trọng. Đa số nhà đầu tư và các chuyên gia chứng khoán vẫn nhận định nhịp tăng trong một tháng qua chỉ đơn thuần là sóng hồi và khó kéo dài, tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường vẫn tăng điểm một cách khá vững theo đúng nguyên tắc "giá tăng, khối lượng tăng", điều này tạo cơ sở ban đầu về một nhịp tăng kéo dài hơn mong đợi.

Đóng cửa, sàn HOSE có 271 mã tăng và 189 mã giảm, VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,32%) lên 1.256,75 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước ngày 5/8, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 699 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 15.800 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.727 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu thủy sản đã trở lại đường đua và là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh ACL và ANV tăng kịch trần, nhiều mã khác trong nhóm ngành này tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh trong phiên chiều.

Cụ thể, IDI tăng 6,5% lên sát mức giá trần 21.200 đồng/CP, VHC tăng 5,1% lên 86.000 đồng/CP, DAT tăng 4,9% lên 21.550 đồng/CP, CMX tăng 4,7% lên 15.700 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều, với DCM tăng 3,55%, DPM tăng 2,32%, BFC tăng 2,7%, TSC tăng hơn 3%, VAF tăng 4,14%...

Ngoài ra phải kể đến nhóm cổ phiếu dầu khí, bên cạnh PLX và GAS hỗ trợ tốt cho chỉ số chung thị trường khi nới rộng biên độ và kết phiên với mức tăng trên dưới 1,5%, cổ phiếu PVD vẫn duy trì sức nóng khi ghi nhận phiên tăng kịch trần thứ 2 liên tiếp. Đóng cửa, PVD tăng 6,82% lên mức giá trần 18.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn sôi động với 9,28 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu thép vẫn trong xu hướng hồi phục với HPG kết phiên tăng 1,3% lên mức 23.600 đồng/CP và khớp lệnh gần 30,4 triệu đơn vị; HSG tăng 1,2% lên 20.750 đồng/CP và khớp gần 11 triệu đơn vị, đáng kể là NKG tăng 4,1% lên mức giá cao nhất ngày 21.700 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 17 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh, với TCB và VPB cùng tăng hơn 2%, các mã như MBB, VIB, HDB, STB, OCB tăng nhẹ, còn BID, ACB, SSB, TPB, EIB, LPB đóng cửa giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Nhóm chứng khoán vẫn biến động trong biên độ hẹp. Bên cạnh SSI, HCM, CTS, AGR, VDS điều chỉnh nhẹ, thì VND, VCI, VIX, TVS, TVB vẫn giữ được sắc xanh. Trong đó, các mã VND, SSI, VIX vẫn nằm trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 23,28 triệu đơn vị, hơn 21,25 triệu đơn vị và 13,35 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu sôi động đã giúp thị trường nới rộng biên độ và dừng chân ở mức cao nhất của phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 120 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 1,43 điểm (+0,48%) lên 301,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 93,88 triệu đơn vị, giá trị 1.861,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 73,8 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, cổ phiếu phân bón – hóa chất trên HNX cũng khởi sắc với LAS tăng 6% lên mức giá cao nhất ngày 14.100 đồng/CP, PVC tăng 4% lên 18.400 đồng/CP.

Một số mã tăng tốt khác trong rổ HNX30 như L14 tăng 7,7%, TNG tăng 4%, DXP và L18 tăng 3,5%, PVS tăng 3,3%...

Cổ phiếu HUT vẫn duy trì mức giá trên 31.x. Đóng cửa, HUT tăng 3% lên 31.200 đồng/Cp và tiếp tục sôi động với gần 6,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.

Cổ phiếu chứng khoán SHS đã đảo chiều hồi phục sắc xanh trong phiên chiều nhưng tăng khá khiêm tốn 1,4%, đóng cửa tại mức giá 14.800 đồng/CP và vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 13,63 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu IDC tiếp tục điều chỉnh sau đợt hồi phục mạnh. Đóng cửa, IDC giảm 3,58% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 62.000 đồng/CP và khớp hơn 3,16 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng bật mạnh, lên vùng giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1 điểm (+1,09%), lên 92,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,16 triệu đơn vị, giá trị 784,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,13 triệu đơn vị, giá trị 46 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giá 25.000 đồng/CP khi đóng cửa, tăng 2,9% và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 9,68 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, OIL kết phiên tăng 2,3% lên mức giá cao nhất ngày 13.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,44 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là cặp PXS và PXI đóng cửa đều trong trạng thái vắng cung với lượng dư mua trần hơn 0,11 triệu đơn vị và khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, BOT cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực khi có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 12,3% lên mức 7.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt 1,59 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa tăng điểm, với VN30F2208 tăng 1,5 điểm (+0,1%), lên 1.266 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 131.530 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVHM2205 khớp hơn 2,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng/CQ.

Còn mã đứng thứ 2 về thanh khoản là CVHM2115 khớp 1,92 triệu đơn vị lại đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến