Giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh gần đây không nằm ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng ngành năm 2021. Nhưng điểm được nhà đầu tư quan tâm chính là cổ tức và cổ phiếu thưởng các ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) chia trong năm nay cao hơn.
Cụ thể, VIB chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 40%; ACB chia cổ tức 25%; OCB chia 25%; MSB chia cổ tức tỷ lệ 30%, MB chia mức 35%; HDBank chia cổ tức 25%... Cổ tức và cổ phiếu thưởng cao trong năm nay được xem là yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu ngân hàng bên cạnh kết quả kinh doanh thuận lợi 2020.
Quý I/2021, khi nền kinh tế chung lấy lại mức tăng trưởng tốt hơn thì kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2021 của đa số ngân hàng đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong nhóm ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối, VietinBank ước lãi 7.000 - 8.000 tỷ đồng quý I/2021, gấp đôi cùng kỳ; Vietcombank lãi 7.000 tỷ đồng trước thuế, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, lãnh đạo Vietcombank tự tin khẳng định, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 (25.200 tỷ đồng) nằm trong tầm tay.
Một số ngân hàng trong nhóm cổ phần tư nhân cũng công bố kết quả rất tích cực, MSB ước đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận quý I, ACB đạt 3.105 tỷ đồng quý đầu năm so với mục tiêu cả năm là 10.602 tỷ đồng, MB đạt 4.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong tổng mục tiêu đưa ra cho cả năm là 13.200 tỷ đồng...
Pyn Elite Fund nhìn nhận, nhóm ngân hàng Việt Nam được dự báo có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận trong một năm thuận lợi. Thực tế, trong năm 2020, dù chịu tác động nhất định bởi dịch Covid-19, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng cho dù đã phải trích lập dự phòng cho các khoản vay.
Theo đánh giá của ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của Quỹ Pyn Elite Fund, năm 2021, các ngân hàng sẽ trở lại trạng thái bình thường mới và dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam sẽ có mức tăng đáng kể.
JP Morgan cũng đưa ra góc nhìn tích cực đối với nhóm cổ phiếu “vua” và đưa ra nhận định hấp dẫn để nắm giữ. Dự báo của JP Morgan, tốc độ tăng trưởng EPS (tỷ suất thu nhập trên cổ phiếu) bình quân nhóm ngân hàng giai đoạn 2020 - 2023 là 16%. Vì lẽ đó, giá cổ phiếu tăng từ 8 - 42% trong suốt năm và có thể cao hơn trong 3 năm tới.
VinaCapital cho rằng, ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tốt hơn cho năm nay nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (tăng 14 điểm cơ bản lên 3,68%). Kết quả này đến từ việc các khoản vay được cơ cấu lại, phí giao dịch, thanh toán và bảo hiểm cao hơn (tăng từ 12,1% lên 13,4% trong tổng thu nhập). Bên cạnh đó, chi phí tín dụng thấp hơn khi lãi suất giảm, mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng vẫn có thể gia tăng.
Cơ sở để VinaCapital đưa ra nhận định này dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, một số ngân hàng đã tất toán hết trái phiếu VAMC trong năm 2020; thứ hai, các ngân hàng chủ động trích lập dự phòng cao hơn và tăng trưởng tín dụng nhanh hơn (12,8%), phù hợp với tốc độ tăng trưởng của GDP.
VinaCapital dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng nhóm ngân hàng năm 2021 là 14%, khởi sắc so với con số 9,9% của năm 2020.
Một nhà phân tích lĩnh vực tài chính cho rằng, việc tăng giá cổ phiếu bao giờ cũng phản ánh cả giá trị nội tại của doanh nghiệp về mức độ an toàn, khả năng sinh lời, mô hình tăng trưởng bền vững... đồng thời phản ánh các yếu tố thị trường như: môi trường kinh tế vĩ mô, các kỳ vọng của nhà đầu tư, giá vốn. Điều này cũng được thể hiện khi kết quả kinh doanh năm 2020 của các nhà băng đều tăng trưởng tích cực.
Cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột của VN-Index suốt thời gian dài.
Sự bứt tốc nhóm dưới
Vietcombank vẫn là ngân hàng được định giá cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam với giá cổ phiếu trong quý I/2021 dao động quanh mức 100.000 đồng/CP, có thời điểm Vietcombank là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường.
Tuy nhiên trong nhóm dưới, năm 2020 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều ngân hàng, kèm theo đó là giá cổ phiếu tăng khá mạnh. Trong năm 2020, SHB là quán quân với mức tăng giá cổ phiếu đạt hơn 210%, kết thúc năm ở mức 17.000 đồng/CP. Tiếp theo đó cổ phiếu VIB đạt mức tăng 89%, đạt mức giá 32.400 đồng/CP, LPB tăng 62%, TCB tăng 26%...
Sang quý I, đà tăng giá tiếp tục diễn ra nhưng có sự phân hóa, nếu nhóm cổ phiếu giá cao trước đó chững lại như VCB, BID, TCB…, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục dẫn sóng thị trường. Trong đó, phải kể đến từ VIB tăng trên 46% trong quý đầu năm nay, mã SSB cũng tăng trên 60%...
Tính chung trong hơn 1 năm qua cổ phiếu SHB tăng hơn 400%, VIB tăng 220%, KLB tăng gần 100%, STB tăng 140%, ACB tăng gần 100%, VCB chỉ tăng 10,6%...
Sự tăng giá và hút dòng tiền đầu tư của nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài việc kéo chỉ số chung tăng còn có tác động lan tỏa tới các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường, giúp giao dịch sôi động hơn, không ít phiên tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường vượt mức 1 tỷ USD, mức cao nhất của lịch sử hơn 20 năm thành lập thị trường chứng khoán.
Sự bứt tốc của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ được giới phân tích cho rằng, đó là thành quả của 5 năm tái cấu trúc vừa qua, giúp các ngân hàng này nâng chất lượng tài sản và đạt hiệu quả kinh doanh thậm chí vượt các ngân hàng có tên tuổi.
Năm 2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 33% so với đầu năm, đạt 245.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) đạt 30% đã giúp VIB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới 1,5%.
Một câu chuyện khác là ACB, ngân hàng này sau giai đoạn xử lý nợ xấu liên quan tới “bầu Kiên” đang thể hiện phong độ rất tốt trên con đường về lại vị trí dẫn đầu nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. ĐHCĐ thường niên 2021 của ACB đã thông qua mục tiêu lợi nhuận 10.600 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu tăng vốn điều lệ...
Bên cạnh các ngân hàng bứt lên sau giai đoạn xử lý nợ xấu và tái cấu trúc thì nhóm cổ phiếu vua vẫn còn đó một số ngân hàng “đứng im” và một vài ngân hàng vẫn chưa hoàn tất việc củng cố hoạt động của mình, đặc biệt là nhóm 3 ngân hàng diện mua lại bắt buộc trước đây.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và ngân hàng được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế nên sẽ có nhiều triển vọng. TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital |
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và ngân hàng được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế nên sẽ có nhiều triển vọng, song cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh dựa trên năng lực, quản trị rủi ro và sức cạnh tranh của các nhà băng trên thị trường.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, hoạt động ngân hàng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong việc xác định nợ xấu phát sinh của các khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 trong 2 năm qua, thậm chí cả thời gian tới khi diễn biến dịch vẫn còn phức tạp.
Nhiều ngân hàng đã trích lập mạnh mẽ hàng chục nghìn tỷ đồng để dự phòng cho các khoản vay này, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực để làm như vậy. Khi dịch đi qua thì số nợ xấu phát sinh vì ảnh hưởng dịch mới thực sự bộc lộ rõ cả quy mô và mức độ.
Tác giả: Thùy Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy