Dòng sự kiện:
Cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng, điểm nhấn là HAG
04/03/2022 17:07:54
Bên cạnh sự phân hóa của dòng bank, việc hạ độ cao của nhóm chứng khoán và áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu thép, đã khiến VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu. Điểm đáng chú ý là cặp HAG - HNG giao dịch bùng bổ.

Việc thanh khoản trong những phiên gần đây cải thiện tích cực đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu chứng khoán sớm trở lại. Và trong phiên sáng nay, trong khi thị trường chung và các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, bất động sản đang giao dịch phân hóa, thậm chí quay đầu giảm như nhóm thép, thì các cổ phiếu chứng khoán đã đua nhau tăng mạnh, giúp thị trường chốt phiên trong sắc sau những nhịp rung lắc.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục gia tăng giúp VN-Index nới rộng biên độ. Tuy nhiên, áp lực bán luôn thường trực khiến thị trường khó tiến xa, chỉ số VN-Index giật lùi mỗi nhịp hồi tiến sát mốc 1.510 điểm, thậm chí lùi sâu hơn trong đợt khớp lệnh ATC khi lực đỡ ở nhóm chứng khoán có dấu hiệu yếu đi.

Chỉ số VN-Index đã có phiên tích lũy đi ngang trên nền giá 1.500 điểm và kết phiên vẫn giữ được sắc xanh nhạt. Đồng thời, thanh khoản thị trường vẫn khá tích cực với điểm nhấn là dòng tiền đang có dấu hiệu hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã nổi sóng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 256 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index tăng 0,33 điểm (+0,02%), lên 1.505,33 điểm. Thanh khoản xấp xỉ phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 929 triệu đơn vị, giá trị 29.581 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,6 triệu đơn vị, giá trị 1.977,56 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với sự cân bằng khi ghi nhận 14 mã tăng và 14 mã giảm. Đáng chú ý, trong khi cặp đôi lớn VIC và VHM vẫn lình xình quanh mốc tham chiếu và có chút thu hẹp biên độ giảm, thì người em trong họ Vingroup là VRE lại diễn biến khởi sắc hơn và là mã tăng tốt nhất trong nhóm bluechip. Kết phiên, VRE tăng 3,2% lên 33.750 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt so với những phiên gần đây, đạt 12,25 triệu đơn vị.

Các mã tăng tốt khác như PDR tăng 2,8%, ACB tăng 2,5%, SSI tăng 2,4%, PNJ tăng 2,1%...

Trái lại, cổ phiếu SAB giảm mạnh về cuối phiên khi để mất 4,2%, đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 160.000 đồng/CP, tiếp đó VJC giảm 2,8% và kết phiên ở mức giá thấp nhất ngày 139.400 đồng/CP, cặp đôi dầu khí là PLX và GAS cũng nới rộng đà giảm và kết phiên ở vùng giá thấp nhất ngày…

Xét về nhóm ngành, dòng bank có chút đóng góp cho thị trường khi sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. Ngoại trừ VCB, MBB, HDB, VIB, TPB, EIB điều chỉnh nhẹ với mức giảm trên dưới 1%, còn lại hầu hết đều tăng nhẹ.

Cổ phiếu VPB không còn giữ phong độ như phiên sáng khi kết phiên chỉ tăng 1,74%, trong khi đó, ACB vươn lên là mã tăng tốt nhất ngành với biên độ tăng 2,54%. Ngoài ra, các mã khác như SHB, BID, OCB tăng hơn 1%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng hạ nhiệt khi một số mã như VDS hay FTS quay đầu điều chỉnh, còn lại các mã cũng thu hẹp đà tăng. Điển hình như các mã lớn HCM, VND, VCI chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%, SSI tăng 2,4%...

Nhóm cổ phiếu thép có phần tiêu cực hơn khi áp lực bán gia tăng hơn trong phiên chiều. Cụ thể, HSG giảm 3,1%, NKG giảm 2,1%, SMC giảm 2,7%, TLH giảm 2,6%, HPG giảm 0,6% xuống mức giá thấp nhất ngày 49.800 đồng/CP.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay chính là dòng tiền mạnh hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ giúp nhiều mã nổi sóng. Điển hình là HAG kéo trần thành công và kết phiên tại mức giá 11.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, lên 35,34 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VPB khớp 47,25 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HNG cũng có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 5,9% lên mức 10.100 đồng/CP, thanh khoản đứng thứ 5 thị trường khi khớp 25,87 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ khác giao dịch khởi sắc như ITA tăng 4,6%, TCH tăng 3,3%, LDG tăng 3,8%, LCG tăng 4,9%, HBC tăng 4,3%... hay TGG, HAR, AGM, SJF, VNE... kết phiên tăng trần.

Trên sàn HNX, sự đuối sức của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường hạ độ cao, tuy nhiên, với sắc xanh lan rộng trên bảng điện tử đã giúp HNX-Index đứng vững trên mốc 450 điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 158 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 1,28 điểm (+0,28%), lên 450,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 137,48 triệu đơn vị, giá trị 3.788,44 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu họ P chịu áp lực chốt lời khá mạnh và lần lượt lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày như PVB giảm 5,1% xuống mức 24.200 đồng/CP, PVS giảm 3,2% xuống 36.100 đồng/CP, PVC giảm 1,5% xuống 26.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác quay đầu điều chỉnh hoặc nới rộng đà giảm như IDC giảm 2%, BAB giảm gần 1%...

Trái lại, cổ phiếu DXP vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm HNX30 khi kết phiên tăng 6% lên mức 23.100 đồng/CP; tiếp theo là HUT tăng 3,9%, NDN tăng 3,6%, DTD tăng 3%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng thu hẹp đà tăng với MBS tăng 2,7%, BVS chỉ nhích nhẹ 0,5%, SHS tăng 1,5%

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF đã hồi phục khi tăng 1,6% lên mức 6.300 đồng/CP và khớp 6,97 triệu đơn vị, chỉ thua PVS về thanh khoản (15,56 triệu đơn vị), BII tăng 2,8%, DL1 tăng 3,4%, HUT tăng 3,9%...

Đáng chú ý là HHG tăng 9,5% lên mức giá trần 8.100 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt gần 2,75 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường may mắn giữ được sắc xanh. Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,09), lên 113,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 129triệu đơn vị, giá trị 1.825 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục giật lùi khi để mất 1,8% xuống mức 27.800 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM với khối lượng khớp gần 11 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL giữ mức giảm 3,4% và kết phiên đứng tại 19.900 đồng/CP và khớp hơn 3,45 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ với những điểm sáng như VHG tăng 2% lên 10.000 đồng/CP và khớp hơn 9,1 triệu đơn vị, C4G tăng 8,4% lên 22.000 đồng/CP và khớp 7,8 triệu đơn vị, KSH tăng 5,4% lên 3.900 đồng/CP… hay DPS, SDD, HLA… tăng trần.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác gần đây là DDV tiếp tục nới rộng biên độ về cuối phiên khi đóng cửa tăng 3,5% lên mức 29.800 đồng/CP cùng thanh khoản xấp xỉ 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ và 1 hợp đồng tương lai giảm. Trong đó, VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 4,5 điểm (-0,3%), xuống 1.513 điểm, khớp lệnh hơn 111.670 đơn vị, khối lượng mở gần 34.520 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các mã chứng quyền có thanh khoản cao nhất đều liên quan đến HPG và đều giảm, trong đó, CHPG2201 khớp 151.720 đơn vị, giảm 0,8% xuống 1.180 đồng/CQ, tiếp theo là CHPG2203 khớp 144.860 đơn vị, kết phiên giảm 2,7% xuống 2.200 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến