Thép lùi, xây dựng tiến
Thị trường chứng khoán trong hơn một tuần qua chịu áp lực rung lắc mạnh khi thế giới xuất hiện biến thể Omicron, gây ra lo ngại về khả năng kháng vắc-xin Covid-19 và làm chao đảo thị trường tài chính Mỹ, châu Âu, châu Á. Vậy nhưng, nhóm cổ phiếu xây dựng trong nước có nhiều phiên tăng giá.
Tính cả phiên VN-Index lao dốc cuối tuần qua (3/12), các mã G36, FCN, C4G vẫn có mức tăng lần lượt 40,6%, 29,1%, 28,5% so với ngày 22/11, trong khi chỉ số chung giảm nhẹ.
Trong khi đó, hơn 1 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu thép thoái trào, giảm khoảng 25% so với đỉnh.
Giá cổ phiếu thép vẫn có nguy cơ giảm thêm, thậm chí bước vào chu kỳ giảm, bởi giá thép quay đầu đi xuống, đặc biệt giá quặng sắt đã trở về vùng đáy trước khi có dịch Covid-19. Trước đó, cổ phiếu thép tăng giá kéo dài nhờ giá thép và quặng sắt thế giới tăng cao, giúp doanh nghiệp thép hưởng lợi, nhất là khi có tồn kho lớn ở giá thấp.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng của các doanh nghiệp xây dựng, giá thép giảm giúp nhóm cổ phiếu xây dựng hưởng lợi.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hưởng lợi khi chi phí xây dựng giảm, các chủ đầu tư có khả năng sẽ đẩy mạnh triển khai dự án để tận dụng cơ hội khi nền kinh tế mở cửa trở lại và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Điều này sẽ thúc đẩy ngành xây dựng hồi phục đầu tiên.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu thép thoái trào tạo ra câu chuyện kỳ vọng hợp lý dành cho nhóm xây dựng, là nhóm hưởng lợi từ chu kỳ mở rộng kinh tế sắp tới. Một bộ phận dòng tiền đã và đang đặt niềm tin vào sự hồi phục của ngành xây dựng. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp thua lỗ, tình hình tài chính kém lành mạnh cũng thu hút dòng tiền.
Kỳ vọng cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận
Xét 6 doanh nghiệp xây dựng trên sàn gồm Tổng công ty 36 - CTCP (G36), Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (C4G), Công ty cổ phần Fecon (FCN), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1), trong năm 2020, doanh thu của nhóm doanh nghiệp này giảm trung bình 9,1% so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021 giảm trung bình 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhóm xây dựng có doanh thu giảm dần khi các dự án xây dựng mới chững lại do các chủ đầu tư lo ngại rủi ro và chưa đẩy mạnh triển khai đồng bộ dự án.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu xây dựng liên tục tăng cao, đặc biệt là thép, tạo nên thách thức lớn đối với các chủ đầu tư khi tính toán khả năng sinh lời của dự án, chi phí cấu thành sản phẩm bất động sản.
Tính từ năm 2016 tới nay, nhóm công ty xây dựng có nguồn gốc tư nhân, chủ yếu thực hiện các dự án xây dựng thương mại như CTD, HBC có sự suy giảm biên lợi nhuận gộp đáng kể do nhiều chủ đầu tư hạn chế triển khai dự án, một số dự án lớn có biên lợi nhuận không cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của nhóm xây dựng. Biên lợi nhuận gộp của CTD và HBC duy trì mức thấp so với giai đoạn 2016 - 2017.
Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng triển khai các dự án liên quan tới đầu tư cơ sở hạ tầng, nền móng, cấu trúc… như C4G, FCN, PC1, G36, các công ty duy trì được biên lợi nhuận cao và ổn định do thực hiện nhiều dự án lớn và ít ảnh hưởng hơn so với các công ty xây dựng dân dụng đơn thuần.
Với tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ngày một cao, cũng như giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch đã qua, nhà đầu tư kỳ vọng quá trình hồi phục kinh tế bắt đầu tăng tốc, thúc đẩy các chủ đầu tư lớn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp để đẩy mạnh đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn do giãn cách kéo dài, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hồi phục nhanh, với động lực là các chính sách kích cầu, trọng tâm là chính sách đầu tư công.
Các doanh nghiệp thường xuyên trúng thầu các dự án đầu tư công sẽ là nhóm hưởng lợi đầu tiên khi Chính phủ đồng loạt triển khai các dự án đầu tư công trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội quyết nghị ở mức 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 43% so với con số thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Tổng cục Thống kê dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%.
Đầu tư công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới khu vực đầu tư ngoài nhà nước (bao gồm khối tư nhân và FDI). Ước tính, 1 đồng giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.
Khi kinh tế bước vào chu kỳ mở rộng, hoạt động xây dựng thường có xu hướng sôi động và hồi phục đầu tiên so với nhóm bất động sản.
Trong đó, tín hiệu mà nhà đầu tư hay quan sát là các doanh nghiệp xây dựng đồng loạt công bố trúng các gói thầu thi công dự án mới, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phục hồi của ngành. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm xây dựng đạt kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu và biên lợi nhuận được cải thiện.
Tác giả: Vũ Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy