Dòng sự kiện:
Cơ phó Vietnam Airlines: Bỏ học, bồi bàn ... làm phi công và sống cùng xe
23/01/2015 17:06:48
ANTT.VN - “Hồi trước khi vào phi công, mình đi học đại học rồi, nhưng đến năm hai thì mình nghỉ, vì cảm thấy không thích hợp”, chàng cơ phó mê xe đã làm cho người viết thực sự bất ngờ.

Tin liên quan

Trong hai kỳ trước, ANTT.VN đã giới thiệu tới quý bạn đọc về bộ sưu tập xế cổ “vô giá” cũng như những chia sẻ “cơ duyên hạnh ngộ” với từng “nàng” của Cơ phó Vietnam Airlines Trần Hải Đông – chủ nhân của những chiếc xe có một không hai trên mảnh đất hình chữ S; nhưng liệu có khi nào bạn băn khoăn tự hỏi chàng phi công sinh năm 87 ấy “đào” đâu ra tiền để “cưới” tới hàng chục em xe?

Cơ phó sinh năm 1987 Hải Đông hiện đang công tác tại Đội bay A330 – Đoàn bay 919 – Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và tất nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội thì thu nhập của một phi công rõ ràng là rất cao; tuy nhiên, để “cưới”, “cứu” và “nuôi” ngon lành hàng chục “em” xe lại là chuyện hoàn toàn khác!

Hải Đông (trái) thời đang theo học khóa huấn luyện phi công tại nước ngoài

“Mình chưa có nhà, chỉ có xe thôi!” – lời bộc bạch thật thà, chân thành mà khúc chiết đã khắc họa tường minh tình yêu mãnh liệt với các “nàng” xe của chàng phi công trẻ.

“Không uống rượu bia, không thuốc lá, không đánh bài, không game và chưa có bạn gái” Hải Đông cho biết, ngoài thời gian bay, công tác và lưu trú trong các hành trình, mọi “khoảnh” thời gian rảnh rỗi hiếm hoi anh đều dành hết cho các “hậu cung” với 20 “bà vợ” xế cổ của mình, và theo Hải Đông, trong tương lai, chắc chắn “hậu cung” đông đảo ấy sẽ ngày thêm chật chội bởi anh vẫn chưa thôi ý định “nạp thiếp” tiếp cho bộ sưu tập của mình.

Hải Đông và các đồng nghiệp tại garage đang "săn" phụ tùng để phục chế xe cổ

Tìm được một chiếc xe cổ không dễ nhưng để sửa chữa, phục hồi, phục chế nguyên bản và làm một chiếc xe cổ 50, 60 năm tuổi chạy lại ngon lành lại là chuyện còn khó hơn nhiều, bởi, không phải giống như một vương tử Ả rập sẵn tiền để đưa về những “siêu xe” đắt giá, vừa đề pa là có thể tăng tốc lên cả trăm cây số, những chiếc xe của Hải Đông mua về  phần nhiều là những chiếc cũ nát, thậm chí chỉ là một khung phế liệu, nhưng mỗi chiếc xe đề có một cuộc đời, và ẩn chứa trong từng xác xe rỉ sét lại là câu chuyện dài về giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn của những chủ nhân trước đó như chiếc Mercedes 220s Ponton một thời của cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm hay Citroen DS23 Pallas siêu sang đời 1974 của Dương Văn Minh.

Một xế cổ đang được "cải lão hoàn đồng"

Mỗi chiếc xe cổ sau khi được “tậu” về sẽ được đưa vào garage (Hải Đông thuê đất, thuê thợ để mở garage chuyên phục chế xe cổ) để tiến hành quy trình “cải lão hoàn đồng”. Khung xe sẽ được tháo rời để tuốt lên một lớp sơn loáng bóng theo đúng màu nguyên bản; còn các phụ tùng thiếu, hỏng sẽ được Hải Đông và các đồng nghiệp tại xưởng săn tìm qua các forum cho người chơi xe cổ, ebay và các trang mạng quốc tế.

Tuy nhiên, giá phụ tùng lại không hề rẻ, có khi còn hơn cả giá xe mua về.

“Một cái vô lăng mua cho chiếc Porche 356 là 1.500USD, một bộ Dual Carburetor cho Mercedes pontoon 6 máy là 2.200USD, một cái đồng hồ nhỏ cũng 200USD, một nút bấm trên táp lô cũng là từ 40-80 USD, mà mỗi xe phải cần khoảng 10 nút bấm như thế”, Hải Đông chia sẻ.

"Một cái vô lăng mua cho chiếc Porche 356 là 1.500USD"

Vậy, mức lương của một cơ phó VNA có đủ để Hải Đông “cưu mang”, “nuôi nấng” và “spa” cho các nàng xe của mình?

Bỏ đại học, đi bồi bàn, bán giày,… làm phi công và sống với xe cổ

“Hồi trước khi vào phi công, mình đi học đại học rồi, nhưng đến năm hai thì mình nghỉ, vì cảm thấy không thích hợp”, chàng cơ phó mê xe đã làm cho người viết thực sự bất ngờ.

Theo chia sẻ của Hải Đông, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh thi đỗ 2 trường: Đại học Nông Lâm – Khoa Công nghệ sinh học và Đại học Hoa Sen – Khoa Quản trị hành chánh. Vì Đại học Nông Lâm xa quá, nên Hải Đông theo học tại Đại học Hoa Sen cho gần nhà, đồng thời, theo chương trình học của Hoa  Sen thì năm một sẽ được thực tập luôn, năm hai làm dự án.

Bỏ dở đại học, đi bồi bàn, phát tờ rơi, bán giày... làm phi công...

“Và cũng chính trong thời gian tham gia chương trình thực tập và làm dự án cho phòng Quan hệ Công ty của Hoa Sen nên mình nhận nhận thấy khi học ra thì lương cũng chỉ khiêm tốn vài triệu đồng mỗi tháng. Rồi mình đi đến quyết định bỏ dở đại học từ năm thứ hai” – Hải Đông thẳng thắn chia sẻ về quyết định có lẽ đã làm cuộc đời chàng sinh viên quản trị hành chánh ngày ấy rẽ sang một hướng khác đi rất nhiều.

“Sau khi bỏ học mình làm cho một số Công ty Promotion và một thời gian sau thì lên đến vị trí Supervisor, lương cũng khá tốt, khoảng 700 – 800 USD, rồi kết hợp với kinh doanh từ năm 18 tuổi từ bán quần áo, bán giày, đến bán điện thoại, bán laptop. Gần 2 năm học đại học mình cũng làm đủ nghề, bồi bàn cũng có, phát tờ rơi cũng có. Đến lúc kinh doanh điện thoại với laptop thì mỗi tháng cũng kiếm được 70 – 80 triệu, hơn hẳn mức thu nhập hiện giờ của mình khá nhiều” Hải Đông tiếp tục trải lòng về quãng đời sôi động, vất vả nhưng đầy trải nghiệm.

...và "sống" với xe cổ

“Rồi nghề chọn mình, đi thi, đi học rồi về bay cho Vietnam Airlines”, anh kể về cơ duyên đến với nghề phi công – một công việc mà muôn người mơ ước một cách nhẹ nhàng, thuận dòng mà kì ngộ.

“Thế bao giờ Cơ phó mới chịu đi tìm “chính thất phu nhân” để cai quản “hậu cung” với cả chục “thiếp” xe đây?” người viết viện hỏi chàng phi công trẻ của Vietnam Airlines.

Một xế cổ của Hải Đông trong ngày vui của một người bạn

“Bạn gái thì để sau thôi chứ bây giờ chưa nhà cửa, chưa sự nghiệp; ba làm bộ đội, mẹ làm nội trợ nên cũng chỉ cơ bản đủ sống thôi mà mình cũng rời nhà ra ở riêng từ năm 18 tuổi rồi. Garage hiện giờ cũng là đi thuê đất, thuê thợ về làm thôi. Đất thì thực ra mình cũng có mua được một khoảnh nhưng ở xa trung tâm lắm”.

Nói về khoảnh đất xa xôi và còn trống trải ấy, Hải Đông tâm sự, mong mỏi đến một ngày sẽ có đủ điều kiện để cải tạo, quy hoạch và kiến thiết khoảnh đất thành một khu trưng bày khoảng 20 – 30 chiếc xe cổ mà anh đã dày công sưu tập, phục hồi.

Xế cổ trong một chuyến dã ngoại cùng chủ nhân

Chen ngang câu chuyện của chúng tôi là một cuộc điện thoại.

“Lại có người vừa gọi, nhà báo ạ, 2 chiếc Ford 1937, chắc mình lấy luôn thôi. Tiền lại dùng để mua xe hết”, Hải Đông quay sang chia sẻ.

N.G
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến