Dòng sự kiện:
Có quân đội là có sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động CTĐ, CTCT
12/08/2014 10:29:47
Cùng với sự ra đời, phát triển của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Tổng cục Chính trị (TCCT) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

LTS: Cùng với sự ra đời, phát triển của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Tổng cục Chính trị (TCCT) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Hoạt động của TCCT nói riêng, hoạt động CTĐ,CTCT nói chung không ngừng góp phần giữ vững bản chất cách mạng của quân đội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong suốt 70 năm qua.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự tiến bộ, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Ảnh: Xuân Dũng

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TCCT (22-12-1944/ 22-12-2014), Báo QĐND mở Chuyên mục “70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị”. Chuyên mục tập trung nêu bật vị trí, vai trò, chức năng và những đóng góp to lớn của TCCT nói riêng, hoạt động CTĐ, CTCT nói chung trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam.
 
Thực tiễn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta đã khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự tiến bộ, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội; tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Việt Nam.
 
Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22-12-1944 tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã chính thức diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) - đội quân chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tuyên bố chính thức thành lập Đội, nêu rõ nhiệm vụ mà Đảng, Tổng bộ Việt Minh giao cho Đội. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự.
 
Đội VNTTGPQ gồm 34 cán bộ, đội viên được chọn lựa từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. Đội được biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Chi bộ đảng đầu tiên có 3 đồng chí, là hạt nhân lãnh đạo Đội. Một tuần sau, Đội VNTTGPQ phát triển thành đại đội và Ban Công tác chính trị đại đội ra đời gồm: Trưởng ban là chính trị viên đại đội, ba chính trị viên trung đội và một đồng chí có năng lực hoạt động công tác chính trị.
 
Như vậy, ngay từ khi Đội VNTTGPQ được thành lập, đã xác lập sự lãnh đạo của Đảng. Chi bộ Đội VNTTGPQ thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt, mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động của Đội. Đó là nhân tố bảo đảm cho Đội chiến đấu, chiến thắng, phát triển lực lượng một cách nhanh chóng, càng đánh càng thắng, càng đánh càng lớn mạnh, trưởng thành trong suốt quá trình cách mạng.
 
Cùng với việc thành lập Đội, thành lập chi bộ Đảng, CTCT đã được tiến hành nhằm cổ vũ, động viên về tình thần, rèn luyện ý chí quyết tâm chiến đấu của cán bộ, đội viên. Sau Lễ thành lập, tối 22-12-1944, Đội đã tổ chức đêm lửa trại, thu hút đồng bào các dân tộc đến dự, động viên bộ đội. Toàn Đội thống nhất ăn một bữa cơm chay, không rau, không muối và cả đêm đó, từng tiểu đội thay nhau đứng gác dưới cờ, tâm niệm 10 lời thề danh dự bên cạnh những đống lửa trại “Đêm du kích” được nhóm lên trong rừng Sam Cao.
 
Đây là những nội dung, hình thức hoạt động CTĐ, CTCT đầu tiên trong QĐND Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết quân dân; rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên; tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng. Những nội dung, hình thức CTĐ, CTCT đó đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ đối với 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ ngày đó, mà còn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.
 
Như vậy, ngay từ ngày đầu thành lập Đội VNTTGPQ, cùng với việc thiết lập sự lãnh đạo của Đảng, CTĐ, CTCT đã được tiến hành rất kịp thời, hiệu quả, góp phần xây dựng Đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
 
Nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của chi bộ và hiệu lực CTĐ, CTCT đã tạo khí thế cách mạng, tinh thần chiến đấu rất cao trong toàn Đội. Chỉ sau 3 ngày thành lập, chiều 25-12-1944, Đội đã đánh thắng trận đầu, tiêu diệt đồn Phai Khắt. Sau đó 1 ngày, Đội bất ngờ đột nhập, diệt gọn đồn Nà Ngần, cách đồn Phai Khắt 15km. Với chiến thắng này, Đội đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Đảng và Bác Hồ: “Trong vòng một tháng, Đội phải có hành động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và trận đầu phải đánh thắng”.
 
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta trong 70 năm qua đã khẳng định: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và tiến hành CTĐ, CTCT là một nguyên tắc được xác lập ngay từ khi mới thành lập quân đội, đồng thời đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển đội ngũ cán bộ chính trị, cơ quan chính trị và hoạt động CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam.
 
Với trọng trách là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong xây dựng quân đội về chính trị, là cơ quan đảm nhiệm CTĐ, CTCT trong toàn quân, quá trình xây dựng và trưởng thành của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam luôn gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành của LLVT nhân dân và QĐND, của sự nghiệp xây dựng LLVT nhân dân, QĐND vững mạnh về chính trị, với lịch sử CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam.
 
Với ý nghĩa đó, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng quyết định lấy ngày 22-12-1944 là Ngày truyền thống của TCCT. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của TCCT (22-12-1944/22-12-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng TCCT; trong thư có đoạn: “Tổng cục Chính trị lấy này 22-12-1944 làm ngày truyền thống đã phản ánh đúng sự thật lịch sử có quân đội là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Ngay từ khi ra đời đã có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo và hoạt động CTCT, một nhân tố thuộc bản chất của quân đội cách mạng ”.
 
Đại tá, PGS, TS TÔ XUÂN SINH
 
Viện Khoa học Xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến