Hoạt động kinh doanh bán hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instargram, Twitter… đang bùng nổ mạnh mẽ. Kéo theo đó là việc hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn cá nhân hay các tổ chức có hoạt động kinh doanh với doanh thu “khủng” kiếm lời hàng ngày mà không hề thực hiện các nghĩa vụ về thuế với nhà nước. Để siết hoạt động kinh doanh này, cơ quan Thuế sẽ rà soát kĩ lưỡng đồng thời tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin để "dò" các giao dịch kinh doanh.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Khó dò giao dịch
Để tăng cường quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử, trong đó bao gồm cả cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các Cục thuế đã triển khai việc rà soát những cá nhân có dấu hiệu kinh doanh qua mạng Faccebook để nhận diện, phân loại cá nhân đã đăng ký thuế và cá nhân chưa đăng ký thuế. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến nay, Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.Hồ chí Minh đã rà soát đối với khoảng 27.000 tài khoản cá nhân có dấu hiệu kinh doanh qua mạng Facebook. Cơ quan Thuế đã phân loại đối tượng để áp dụng cách quản lý phù hợp như: Đối với tài khoản đã đóng, tài khoản không còn hoạt động thì không gửi thông báo; đối với cá nhân kinh doanh đang thuộc diện quản lý của cơ quan Thuế có sử dụng mạng xã hội để quảng cáo hàng hóa thì cơ quan Thuế cập nhật thêm vào cơ sở dữ liệu của cá nhân để làm căn cứ xác định doanh thu khoán… Sau khi triển khai, đã có khoảng 3.000 cá nhân thuộc nhóm chưa đăng ký thuế đã có ý kiến phản hồi chính thức về cơ quan Thuế.
Tuy nhiên, thống kê là vậy, nhưng thực tế với những cá nhân bán hàng có doanh thu lớn xuất hiện ngày càng nhiều bởi các hình thức bán hàng trên Facebook như: Post bài, livetream, bán hàng thông qua các nhóm mở hay nhóm kín…
Đây là thách thức với cơ quan Thuế trong việc quản lý hình thức kinh doanh này. Theo Tổng cục Thuế, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Từ đó, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn như: Khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, khó nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh cũng như toàn bộ quá trình giao dịch… Đặc biệt, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội không hiện diện tại địa điểm cố định lại có trình độ công nghệ thông tin nhất định, khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội.
Dùng công nghệ để quản lý công nghệ
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa đào tạo sau đại học, Học viện Tài chính cho rằng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật phải có biện pháp đảm bảo những người kinh doanh nộp thuế, chứ không phải là cơ quan Thuế muốn thực hiện việc thu thuế này hay không. Để làm được điều đó, trước hết, cá nhân phải tự kê khai. Nếu cá nhân không tự kê khai thì cơ quan thuế sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ấn định doanh thu làm cơ sở tính thuế. Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ những căn cứ để cơ quan Thuế ấn định doanh thu làm cơ sở tính thuế. Quy trình điều tra ấn định thuế khoán cho phép sự tham gia của chính quyền địa phương, hội đồng tư vấn thuế xã phường và đông đảo người nộp thuế. Do vậy, việc xác định mức thuế khoán tuy không tuyệt đối chính xác nhưng là căn cứ pháp lý áp dụng vào thực tiễn.
Theo ông Trường, thực chất của quản lý thuế đối với bán hàng online là việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Nguyên lý chung là cá nhân sử dụng công nghệ Internet để giao dịch thì cơ quan Thuế cũng sử dụng công nghệ để nắm bắt thông tin và quản lý thuế. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là Tổng cục Thuế thành lập Trung tâm phòng chống gian lận thuế công nghệ cao để hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp phối hợp với các cơ quan nhà nước để quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh bán hàng qua mạng. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách cần áp dụng theo hướng đơn giản, thông thoáng về thủ tục, mức thuế suất thấp, thông tin công khai, minh bạch... để đảm bảo quyền được tự do kinh doanh của người dân.
Để có thể quản lý tốt hơn loại hình kinh doanh mới này, theo chuyên gia Ngô Trí Long: “Đầu tiên phải đơn giản hoá chính sách thuế. Hai là, cưỡng chế bắt buộc. Ba là, chế tài xử lý. Ngành thuế phải minh bạch, nghiêm khắc, rõ ràng và kịp thời nâng cao trình độ. Nếu thực hiện quyết liệt thì chắc số người kinh doanh qua mạng sẽ phải dè chừng, từ đó dần dần việc khai nộp thuế sẽ đi vào đúng quy củ”.
Gửi lời khuyên tới các cá nhân có doanh thu lớn từ bán hàng qua mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ: Cá nhân kinh doanh nói chung bao gồm các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội cần có ý thức tuân thủ pháp luật về thuế để đảm bảo quyền lợi kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống gia đình.
“Đối với lĩnh vực thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì chậm nhất là 10 ngày kể từ khi bắt đầu tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thực hiện đăng ký thuế với cơ quan Thuế để được hướng dẫn kê khai, nộp thuế theo quy định nếu xác định được doanh thu kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm. Trường hợp không kê khai nộp thuế thì sẽ được xác định là hành vi trốn thuế, sẽ bị truy thu, phạt lên tới gấp 3 lần số thuế phải nộp, nặng hơn nữa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy cá nhân kinh doanh nên nắm rõ các quy định để thực thi cho đúng”, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến cáo.
Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo để các cục thuế triển khai các giải pháp hỗ trợ cá nhân đã có phản hồi về cơ quan Thuế thực hiện đăng ký thuế, kê khai doanh thu kinh doanh, xác định doanh số khoán và thực hiện nộp thuế theo quy định đối với cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đối với các tài khoản cá nhân chưa có phản hồi thì cần tiếp tục rà soát, nhận diện, qua đó phân biệt những fanpage phục vụ cho kinh doanh của doanh nghiệp, những fanpage của cá nhân, những tài khoản cá nhân không còn hoạt động, phân biệt những cá nhân có mở nhiều tài khoản Facebook, phân biệt những cá nhân đã đăng ký thuế, những cá nhân chưa đăng ký thuế... để tiếp tục có giải pháp đôn đốc lần 2. Sau khi đôn đốc nếu các cá nhân chây ì không có phản hồi thì cơ quan Thuế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp xác định cụ thể địa chỉ cư trú của cá nhân thông qua địa chỉ giao dịch trên Facebook, địa chỉ giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, qua đó phối hợp với chính quyền địa phương nơi cư trú để phối hợp quản lý thuế theo quy định. |
Theo Báo Hải Quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy