Dòng sự kiện:
Có thể làm gì để ổn định tỷ giá?
06/07/2018 05:45:44
Tỷ giá nóng lên là câu chuyện quan tâm hàng đầu của nền kinh tế trong những tuần qua.

Gần đây nhất NHNN đã bắt đầu có một số động thái can thiệp, tuy nhiên hiệu quả là chưa thật sự rõ ràng. Liệu sắp tới nhà điều hành có thể có thêm những giải pháp nào để bình ổn thị trường ngoại hối?

Giảm giá, bơm ngoại tệ

Cuối giờ chiều hôm 03/07, NHNN đã bất ngờ giảm mạnh 244 đồng giá bán USD ra tại Sở giao dịch NHNN, xuống chỉ còn 23,050 đồng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm cho đến nay. Đây là hành động cụ thể hóa đầu tiên cho cam kết NHNN sẽ “thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép” liên tục được lặp lại trong thời gian gần đây. Động thái này được kỳ vọng sẽ cho thị trường thấy các thành viên có thể mua ngoại tệ từ NHNN với mức giá thấp hơn, từ đó có động lực giảm giá giao dịch tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, giải pháp trên cho đến giờ phút này vẫn chưa thật sự có tác dụng rõ ràng. Thực tế một số TCTD có giảm nhẹ giá giao dịch ngay sau quyết định của NHNN, nhưng hôm sau giá niêm yết lại tăng trở lại như mức cũ. Điều cần lưu ý là với mức giá bán ra của NHNN tại 23,050 đồng thì vẫn cao hơn so với mức giá mua vào từ khách hàng của các ngân hàng hiện nay đang phổ biến nằm tại 22,800 – 22,900 đồng, tức các ngân hàng thay vì mua USD tại Sở giao dịch NHNN thì tại sao không mua USD từ khách hàng với giá thấp hơn? Hay nói cách khác quyết định giảm giá bán ra của nhà điều hành cách đây 2 ngày trước mắt chỉ đơn thuần có sự tác động về mặt tâm lý nhiều hơn.

Chính vì vậy, khả năng NHNN sẽ có thêm những giải pháp khác để tác động đến thị trường. Ngoài lựa chọn giảm giá giao dịch tại Sở giao dịch NHNN như là một giải pháp tâm lý cho thị trường như đã nói, NHNN thực tế có thể can thiệp bằng cách bán USD trong kho dự trữ ngoại hối ra thị trường để cân đối cung cầu, từ đó giúp tỷ giá ổn định trở lại. Với kho dự trữ ngoại hối đã tăng lên 63.5 tỷ USD sau khi đã mua được đến 24.5 tỷ USD từ đầu năm 2017 cho đến nay thì rõ ràng cơ quan này có đủ sức để can thiệp nếu cần thiết.

Nhiều lựa chọn khác

Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng việc USD lên giá so với tiền đồng ngoài lý do khách quan là đồng bạc xanh đang đi lên rất mạnh trên thị trường quốc tế trong thời gian qua, thì  một yếu tố chủ quan khác là do cung tiền đồng trong nước tăng quá mạnh thời gian qua. Theo cập nhật gần nhất của Tổng Cục Thống kê cho thấy tăng trưởng cung tiền đến 20/6 đã lên mức 7.96%, cao hơn rất nhiều so với con số 5.69% của cùng kỳ năm 2017.

Cung tiền mở rộng cũng chính là một trong những yếu tố có thể làm giảm giá trị đồng nội tệ. Thời gian qua với việc NHNN mua hàng tỷ USD vào cũng đồng nghĩa là hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được bơm ra. Với lượng tiền đồng dư thừa thì sự suy giảm về giá trị là tất yếu. Dù NHNN thời gian qua đã cố gắng trung hòa lượng tiền đồng bơm ra bằng cách liên tiếp hút ròng trên thị trường mở, tuy nhiên vẫn chưa thấm tháp. Vì vậy sắp tới cơ quan này có thể tiếp tục hút ròng với số lượng lớn hơn.

Một giải pháp cũng được lựa chọn là tăng lãi suất VND để giúp đồng tiền này hấp dẫn hơn trước đô la Mỹ. Lãi suất huy động USD hiện nay vẫn đang bằng 0, trong khi lãi suất huy động VND tại các ngân hàng đang cao hơn từ 4.5-7% tùy kỳ hạn ngắn hay dài. Tuy nhiên, với lạm phát gần đây đang mấp mé khả năng vượt mục tiêu 4% trong năm nay, trong khi tỷ giá nóng trở lại thì không loại trừ sẽ có xu hướng dịch chuyển từ nắm giữ VND sang ngoại tệ trở lại.

Do đó, giải pháp tăng lãi suất tiền gửi VND không chỉ để gia tăng độ chênh lệch so với lãi suất huy động USD mà còn đảm bảo cao hơn mức kỳ vọng lạm phát được xem là cách để vẫn thu hút người dân gửi tiết kiệm bằng VND, từ đó đảm bảo giá trị cho đồng nội tệ. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất đi lên và từ đó tác động làm tăng lãi suất cho vay, từ đó phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đầu tư trong nền kinh tế và tác động lên tăng trưởng, điều mà nhà điều hành phải cân nhắc rất nhiều.

Quan trọng nhất là nền kinh tế phải ổn định

Về cơ bản, giá trị một đồng tiền giảm khi nền kinh tế của nước đó có vấn đề, có thể là tăng trưởng yếu kém, lạm phát cao, cung tiền quá mức làm giảm giá trị tiền tệ, lãi suất thấp khiến đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn, dòng vốn nước ngoài bị rút ra,… Hay chỉ đơn giản là do mức độ đô la hóa trong nền kinh tế đó quá cao, khiến thị trường lúc nào cũng phải đối mặt với các lực cầu ngoại tệ từ các thành phần thích đầu tư lẫn lướt sóng đầu cơ ngoại tệ.

Nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì tăng trưởng vẫn ở mức ổn định và có thể đạt mục tiêu đề ra, thực tế GDP 6 tháng đầu năm nay là mức cao nhất đạt được từ năm 2011 đến nay. Lạm phát dù có chịu áp lực trở lại trong 2 tháng gần đây nhưng vẫn ở mức phù hợp so với một số nền kinh tế khác đang phải đối mặt với lạm phát phi mã. Nhập siêu tuy trở lại trong 2 tháng qua nhưng tổng thế 6 tháng vẫn đang xuất siêu 2.71 tỷ USD. Tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm xuống đáng kể so với giai đoạn trước đây.

Trong khi đó, việc khối ngoại dù bán ròng trên thị trường chứng khoán nhưng việc có tháo chạy ra hay không vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng, nhất là khi Việt Nam vẫn chưa có cơ chế tự do hóa tài khoản vốn. Thực tế là dù khối ngoại liên tiếp bán ròng trong thời gian qua, nhưng một lượng vốn khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng lại được giải ngân vào những doanh nghiệm mới niêm yết như VRE, VHM, YEG,… Cũng theo Tổng cục thống kê, trong 6 tháng năm 2018 có đến 2,749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4.1 tỷ USD, tăng 82.4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế, theo đó nhiều đồng tiền khác giảm giá mạnh so với đồng bạc xanh, gần đây nhất là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, thì sự mất giá của tiền đồng tính cho đến thời điềm này là chưa đến 1%, cho thấy sự ổn định và những cam kết của nhà điều hành. Với một nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái tích cực, thì tỷ giá nóng lên nhất thời được kỳ vọng sẽ sớm bình ổn trở lại khi NHNN có thêm những giải pháp phù hợp, để từ đó giúp Việt Nam tiếp tục là một điếm đến đầu tư hấp dẫn trong giai đoạn tới.

Về cơ bản, giá trị một đồng tiền giảm khi nền kinh tế của nước đó có vấn đề, có thể là tăng trưởng yếu kém, lạm phát cao, cung tiền quá mức làm giảm giá trị tiền tệ, lãi suất thấp khiến đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn, dòng vốn nước ngoài bị rút ra,… Hay chỉ đơn giản là do mức độ đô la hóa trong nền kinh tế đó quá cao, khiến thị trường lúc nào cũng phải đối mặt với các lực cầu ngoại tệ từ các thành phần thích đầu tư lẫn lướt sóng đầu cơ ngoại tệ.

Theo Fili

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến